Sống mòn

15/01/2019 - 15:00

PNO - Rượu có thể trở thành gia vị cho một món ăn, men say cho một đêm sum họp gia đình, nhưng cũng có thể là khắc tinh để những cuộc đoàn viên mãi mãi chỉ còn là mộng ảo.

Nghe tin Sinh qua đời, lũ bạn học chúng tôi giật mình thảng thốt. Cậu ấy mới 37 tuổi, con còn thơ nhưng lại chết vì rượu. Trách Sinh không đành, bao nhiêu tình thương người thân giành hết cả cho vợ con cậu ấy.

Song mon
Ảnh minh họa

Nhìn Quỳnh hao gầy nét thanh xuân, ai cũng thấy chạnh lòng. Chín năm làm vợ Sinh, thì có tới 7 năm cô ấy sống trong cảnh chồng suốt ngày say xỉn. Sinh đã từng có công việc tốt, nhưng không thích gò bó và “dưới cơ” những người mà cậu ấy cho là bất tài. Sinh nghỉ việc để “chờ thời” với viễn cảnh “mình sẽ tìm được một công việc phù hợp nhất”. Nhưng cơ hội lần lượt trôi qua trong sự cân nhắc thiệt hơn của Sinh, để ngày ngày trở thành một người chồng ngửa tay xin tiền vợ. Chản nản, Quỳnh đã nhiều lần ôm con về ngoại. Nhưng ông bà nội lại sang, cha mẹ Quỳnh không nỡ, cô lại khăn gói trở về với người chồng ngày càng tàn tạ.

Sự ra đi đột ngột của Sinh là điều bất ngờ với những ai ít gặp cậu ấy, nhưng là cái chết được báo trước mà vợ con, hàng xóm đã từng khuyên ngăn. Thương cho Quỳnh nhiều lần phải dìu chồng say mèm từ những quán nhậu trở về. Xấu hổ với bạn bè nên cô từ chối dần những cuộc gặp mặt, liên hoan. Dần dà, thế giới với cô chỉ thu hẹp từ cơ quan về căn nhà có ông chồng say nhiều hơn tỉnh. Trong đám tang Sinh, mọi người thấy cô không còn khóc được nữa. Ai cũng tự nhủ “nó đã quá khổ rồi”.

Hạnh phúc của đàn bà là lấy được một người chồng tốt biết làm chủ mình, làm chủ cuộc đời để làm chủ gia đình. “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, đàn ông không rượu bia chưa hẳn đã tốt nhưng chừng nào là đủ tùy thuộc vào bản lĩnh của từng người. Vui với bạn rồi cũng qua, chỉ có nỗi buồn đọng lại trên khóe mi của những người vợ và các đứa con là mãi mãi. 

Rượu vào lời ra, tư cách và thể diện của con người cũng bị đánh bay bởi những tiếng cụng ly của tình bằng hữu, đối tác. Tan cửa, nát nhà cũng là đây cùng với những gánh nặng và mất mát không gì bù đắp được cho những người thân. Sinh ngộ độc rượu mà chết. Cái chết tức tưởi nhưng cũng coi như khép lại một cuộc đời tối tăm và biết đâu hé lộ một tia sáng cho mẹ con Quỳnh. 

Song mon
Ảnh minh họa

Đáng thương hơn là trường hợp của Minh, khi trách nhiệm của cô giờ đây là một người chồng sống thực vật, ba đứa con gái chỉ cách nhau 1 tuổi cùng khoản nợ mà chồng cô đã vay trước đó.

Chồng Minh là con trưởng, nên áp lực phải có con trai nối dõi khiến những lần có thai là tim cô lại để ngoài lồng ngực. Đứa thứ nhất chào đời, cô đi sinh còn có chồng đưa đi. Đến đứa thứ hai rồi thứ ba chồng và gia đình chồng dửng dưng. Chồng Minh cảm thấy nhục nhã khi bị gán mác “3G”, thế rồi anh ta chìm đắm trong men say. Sáng, trưa, chiều tối, hầu như anh đều ngập ngụa trong bia rượu. Tiếng nói của cô mất hẳn giá trị đối với chồng, anh có đi đâu hay làm gì thì cô cũng không có quyền được biết. Điện thoại trao đổi việc gia đình thì bị cho là kiểm soát. Thân thể cô đã bao lần bầm tím vì những cơn bực dọc vô cớ trong men bia của chồng. Minh đơn phương ra tòa thì bị chồng đưa các con ra uy hiếp: “có muốn mấy đứa vịt giời lấy chồng nữa không”. Hận chồng nhưng lại thương con, cô cắn răng sống như một cái bóng.

Rồi một cuộc điện thoại trong đêm khuya reo lên, Minh lao vào bệnh viện. Anh ta uống say và rớt xuống một ruộng lúa bên đường, bác sĩ bảo “chồng chị được phát hiện hơi muộn”. Bốn tháng chạy đua với tử thần, lầu 6 của bệnh viện Trung ương Huế đã trở thành nhà của gã chồng nát rượu. Đã qua cơn nguy kịch nhưng do xuất huyết não kết hợp với phù nề gan thận, lão nằm đó vô tri. Nhiều người biết chuyện, nguyền lão “không chết đi cho vợ con đỡ khổ”. Minh lặng lẽ “dù sao các con tôi vẫn còn cha!”

Sự rộng lượng, bao dung của đàn bà là một ân huệ của tạo hóa để cứu rỗi hàn gắn những rạn nứt gia đình. Nhưng sự nhẫn nhịn đến “sống mòn” ấy lại là nỗi khổ đau thầm lặng bào mòn thanh xuân, tâm hồn của bao người phụ nữ. Minh, Quỳnh và biết bao người phụ nữ đang phải gồng gánh, cắn chịu nỗi đau mà họ không đáng có.

Những ông chồng ma men, linh hồn đã đánh đổi với quỷ dữ. Họ ích kỉ, kém tài nhưng thích sự độc tôn. Gặng nặng ấy họ trút cả lên những đôi vai yếu ớt của đàn bà và ánh mắt hoang hoải trẻ thơ. Chí Phèo thời hiện đại vẫn khật ngưỡng trong những quán nhậu cao cấp tới bình dân, thị thành hay vùng quê nghèo. Hắn không phải đang cùng đường mà u mê khi lựa chọn một niềm vui khác ngoài hạnh phúc gia đình. Và đàn bà, họ không mắc nợ ai nhưng rước phải nợ đời. Họ vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa thành đồng phạm khi không đủ dũng khí để bứt phá thay đổi cuộc đời mình. Thế đủ biết, rượu có thể trở thành gia vị cho một món ăn ngon, men say cho một đêm sum họp gia đình, nhưng cũng có thể là khắc tinh để những cuộc đoàn viên mãi mãi chỉ còn là mộng ảo.

                                                                            Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI