Sống leo lắt dưới ánh đèn dầu, mòn mỏi chờ điện giữa lòng Hà Nội

10/04/2024 - 14:47

PNO - Trời vừa chập tối, trong lúc ở thủ đô Hà Nội, hầu hết mọi nhà đều rực rỡ ánh đèn, thì ở khu dân cư Dịch vụ 2, phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) vẫn bao trùm một màu tối đen vì thiếu điện.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội 20km, khu dân cư Dịch vụ 2, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội là khu đất bồi thường tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án cụm công nghiệp Đồng Mai từ năm 2007. Ít ai nghĩ rằng người dân nơi đây lại sống trong cảnh “ánh đèn dầu leo lắt” với hy vọng về một ngày có điện.

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu tại Thủ đô

Chúng tôi đến với xóm đèn dầu khi mặt trời bắt đầu lặn. Buổi tối nơi đây dường như đến sớm hơn. Nhà cửa thưa thớt, không gian yên ắng, bóng tối bao trùm, thỉnh thoảng đâu đó mới lấp ló một mái nhà với ngọn đèn dầu le lói.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Lưu - một hộ dân 10 năm không có điện. Trong căn nhà nhỏ, ông Lưu, hơn 60 tuổi dò dẫm lau mấy chiếc đèn dầu cũ.

Ông bật lửa thắp từng chiếc đèn, rồi đặt lần lượt trong mỗi góc nhà. Ngay ngoài sân, ông Lưu dựng tạm căn bếp nhỏ để tiện cho việc nấu nướng, vì bên trong căn nhà không đủ ánh sáng để sinh hoạt.

Nhiều hộ gia đình phải dùng bếp củi thường xuyên cho việc nấu nướng.
Nhiều hộ gia đình phải dùng bếp củi thường xuyên cho việc nấu nướng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu cho biết: “Năm 2005, gia đình tôi chuyển đến đây làm ăn sinh sống. Đất của gia đình tôi đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp sổ hồng, quận Hà Đông cấp phép xây dựng, tiền đóng cơ sở hạ tầng cũng được đầy đủ.

Nhưng từ đó đến nay, tình trạng thiếu điện vẫn diễn ra thường xuyên. Mặc dù đã nhiều lần viết đơn trình báo lên cơ quan chính quyền, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể. Giữa thời buổi công nghệ 4.0, không có điện, người dân chỉ biết than trời!”

Quá bức xúc, ông Lưu nói thêm: “Không được cấp điện nhà nước, thì chúng tôi phải đi mua điện của một hộ dân ở trong làng kéo ra với giá 4.800 đồng/KW. Thế nhưng gần đây, khi xảy ra nhiều tranh cãi, thì giá điện lại tăng lên 5.400 đồng/KW. Với mức sử dụng của một hộ gia đình mà giá điện lên 4-7 triệu đồng/tháng là quá đắt đỏ. Cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn”.

Băng rôn được treo trước mỗi sân nhà của các hộ dân.
Băng rôn được treo trước mỗi sân nhà của các hộ dân.

Để khắc phục tình trạng thiếu điện, nhiều gia đình phải tự đầu tư máy phát điện. Tuy nhiên, vẫn không đủ điện sinh hoạt hằng ngày. Đối với những hộ nghèo, không có điều kiện mua máy phát, buộc phải chấp nhận sống trong bóng tối.

Theo ông Lưu, nỗi khổ mất điện không chỉ ảnh hưởng kinh tế, mà còn gây hoang mang tâm lý đối với người lớn và trẻ nhỏ. Cũng vì mất điện, mà nhiều người dân đã gặp phải những tai nạn đáng tiếc.

Nói đến đây, ông Lưu xúc động kể lại câu chuyện không may xảy ra với vợ mình vào 3 tuần trước: “Thiếu điện đã khổ, nay lại càng khổ hơn khi vợ tôi bị gãy chân vì leo cầu thang trong đêm tối; cháu nội vừa sinh, nhưng không có điện thường xuyên quấy khóc, nên phải đi thuê trọ, vô cùng bất tiện”.

Không có điện ảnh hưởng rất nhiều đến đời suống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Không có điện ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trong căn phòng tối, bà Nguyễn Thị Hoa (54 tuổi, vợ ông Lưu), vừa bị gãy chân rơm rớm nước mắt: “Không có điện, cả gia đình chỉ có mỗi cái đèn pin, cứ tối đến là chia nhau dùng. Hôm đó, cả nhà tôi đang ăn cơm thì cháu nội quấy khóc. Trời tối, lại vội vàng chạy, nên tôi bị ngã. Đến nay, đã hơn 14 ngày nhưng chân tôi vẫn không đi lại được”.

Gãy chân không đi lại được, bà Hoa suốt ngày làm bạn với bức tường tối vì nhà không có điện.
Gãy chân không đi lại được, bà Hoa suốt ngày làm bạn với bức tường tối vì nhà không có điện.

Ngồi trên giường, bà Hoa chỉ tay vào chiếc tủ lạnh rồi bảo: “Chiếc tủ lạnh cùng một số thiết bị điện tử hỏng hết cả rồi. Từ khi có điện do mua của người dân trong làng, tôi đi tìm mua đủ đồ điện tử phục vụ gia đình, nào ngờ đường dây dẫn yếu, công suất tủ lạnh lớn, cuối cùng cái hỏng, cái không dùng được".

Chiếc tủ lạnh trống trơn đang chờ ngày “có điện để được sử dụng”
Chiếc tủ lạnh trống trơn đang chờ ngày “có điện để được sử dụng”

Nhưng điều lo ngại nhất với vợ chồng bà là chuyện không có điện để sinh hoạt, con cháu ở xa về được 1, 2 hôm rồi lại kéo nhau đi. Gia đình vốn đông người, giờ lẻ loi chỉ có hai phận già.

Nỗi lo của gia đình ông Lưu cũng là nỗi lo của gần 50 hộ dân đang sinh sống tại đây. Với họ, ước mơ đơn giản chỉ là có điện để thắp sáng.

“Sống ở thành phố giống như vùng quê hàng chục năm trước"

Với hầu hết mọi người, buổi tối là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, nhưng ở khu dân cư Dịch vụ 2 phường Đồng Mai, lại là nỗi ám ảnh về điện mỗi khi màn đêm buông xuống. Bếp củi, đèn dầu, đèn pin... những thứ không ai nghĩ còn được sử dụng ở thành phố, đã vô tình trở thành vật dụng quen thuộc của người dân thủ đô.

Cách đó không xa, vợ chồng chị Phạm Thị Phượng (sinh năm 1983) luôn nơm nớp nỗi lo không có điện để dùng. Kể về cảnh sống khổ sở khó tin ngay giữa lòng Hà Nội, chị Phượng ngao ngán: “Nhà 3 đứa con nhỏ, nhưng ăn uống, học hành phải sử dụng đèn dầu; thậm chí còn không có mạng internet để đáp ứng nhu cầu học tập của các con. Mang tiếng sống ở thành phố, mà không bằng ở quê”.

Con gái mới 5 tháng tuổi của chị Phượng chìm trong ánh đèn dầu mập mờ.
Con gái mới 5 tháng tuổi của chị Phượng chìm trong ánh đèn dầu mập mờ.

Chị cho biết thêm: “Khổ lắm, đi đánh răng rửa mặt hay ăn cơm cũng phải tranh thủ khi trời còn sáng, đi vệ sinh thì phải đội đèn, nhà có quạt lại không thể dùng vì không có điện. Nhiều đêm phải quạt giấy cho con đến rã cả tay, mệt mỏi bất lực nhưng không thể làm gì hơn”.

Không có điện, thiệt thòi nhất vẫn là đám con cháu trong nhà. Cả ngày đến trường đã vất vả, về đến nhà, vừa vứt cặp xuống là chúng phải tranh thủ lôi bài vở ra xem khi còn ánh sáng mặt trời. Không kịp thì tối đến, cả ba, bốn đứa túm tụm cùng nhau soi từng con chữ dưới ánh đèn.

Thương con phải sống khổ cực, chị Phượng nhiều lần có ý định thuê phòng trọ đầy đủ tiện nghi để con tiện học hành. Thế nhưng, thu nhập thấp, giá phòng đắt đỏ, nên đến nay gia đình chị vẫn cố gắng bám trụ.

Em Bùi Đức Mạnh học trong ánh đèn dầu…
Em Bùi Đức Mạnh học trong ánh đèn dầu…

Hơn 5 năm học dưới ánh đèn dầu, em Bùi Đức Mạnh, con trai đầu của chị Phượng vẫn rất chăm chỉ và đạt nhiều thành tích. Chia sẻ về ước mơ của mình, em Mạnh hồn nhiên: “Em chỉ muốn có điện để có thể học bài, bật quạt mỗi lúc trời nóng”. Có lẽ cuộc sống khó khăn, nên giấc mơ của Mạnh cũng trở nên giản dị, mộc mạc hơn bao giờ hết.

Trong khi nhiều vùng sâu, vùng xa ở đất nước đã có ánh sáng của điện, thì người dân nơi đây, quanh năm suốt tháng phải sử dụng đèn dầu tù mù. Thực tế, việc không có điện đang ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Người dân luôn mong muốn chính quyền quận Hà Đông sớm thực hiện lời hứa, cụ thể hóa bằng hành động, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cứ thế, cuộc sống của người dân nơi đây trôi qua một cách lặng lẽ. Sáng đi làm, tối về quây quần bên mâm cơm mập mờ ánh đèn, ăn xong không có điện, mọi người đi ngủ sớm, thế là hết ngày. Ước mơ ánh sáng điện của người dân chưa biết bao giờ mới thành hiện thực…

Không chỉ mỗi Mạnh, còn rất nhiều bạn nhỏ phải học trong tình trạng thiếu thốn ánh đèn.
Không chỉ mỗi Mạnh, còn rất nhiều bạn nhỏ phải học trong tình trạng thiếu thốn ánh đèn.

Ông Đoàn Viết Tưởng - Phó chủ tịch UBND phường Đồng Mai - cho biết: Phường Đồng Mai hiện tại có 4 khu đất dịch vụ, trong đó mới có khu 1 và một phần khu 2 được cấp điện sinh hoạt. Nguyên nhân do địa phương chưa giao hết được đất dịch vụ cho người dân, trong khi hạ tầng đã xây dựng cơ bản xong.

Các hộ dân ở 2 khu dịch vụ còn lại đang chờ cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện thủ tục theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Phường cũng đã đề nghị, mong muốn UBND quận Hà Đông chỉ đạo phòng ban chức năng sớm hoàn thiện đấu nối điện cho các hộ dân, vì dân cư đã đến đây xây dựng nhà và sinh sống thường xuyên…

Tường Vy

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI