Sợ ăn tết quê chồng vì những câu nói gây áp lực

29/12/2022 - 15:01

PNO - Những lời nói chê trách dịp tết, đến tận một - hai tháng sau vẫn đủ sức kéo tụt nguồn năng lượng cô nuôi dưỡng mỗi ngày.

 

 Tuấn là người chồng tâm lý nên ở bên anh, Vân rất thoải mái ( Ảnh minh họa)
Tuấn là người chồng tâm lý nên khi ở bên anh, Vân rất thoải mái ( Ảnh minh họa)

Ngày này năm trước, vợ chồng Vân ngồi cạnh nhau cùng chụp bức hình tươi tắn bên bó hoa hồng và chiếc bánh kem để kỷ niệm 3 năm ngày cưới. Hôm nay, Facebook hiện lên bức ảnh đó cùng lời gợi nhắc ngọt ngào, nhưng cô nhanh chóng lướt qua, Vân không muốn bấm chia sẻ để rồi nhận về cơn mưa lời hỏi han, thúc giục chuyện sinh con.

Là mối tình đầu của nhau, họ cùng chung trường đại học, chung ngành đào tạo. Vân là dân thành phố, còn Tuấn quê miền Trung. Sau khi ra trường và có việc làm ổn định, Tuấn và Vân đã kết hôn.

4 năm trôi qua, đời sống vợ chồng gắn kết, nhưng họ vẫn chưa có con. Tốn nhiều chi phí, từng khám chữa vài nơi, bác sĩ kết luận sức khỏe sinh sản của cả vợ và chồng bình thường.

Tuấn hiểu và thương vợ, anh chưa bao giờ cư xử, nói năng những câu đụng chạm khiến Vân chạnh lòng, thế nhưng, xã hội ngoài kia thì khác. Người thân, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm láng giềng đôi không biết do vô tình hay cố ý mà vẫn có những câu hỏi rất "khó đỡ", kém duyên.

Vân nhớ mãi dịp tết cách đây 2 năm. Vợ chồng cô từ thành phố về, vừa xuống xe, chưa kịp kéo vali vào nhà cha mẹ chồng, thì mợ Thanh - vợ của cậu - đã ra cổng vuốt vuốt, xoa xoa vào bụng Vân.

Mợ tuôn một tràng: “ Dạo này bụng cháu nhìn lùm lùm rồi đấy, cái thai được mấy tháng rồi? Vợ chồng đều bận rộn làm ăn mà cũng nhạy đấy chứ. À mà nhanh gì nữa, cũng đã gần một năm rồi, không đẻ nó tịt luôn thì sau này chỉ có khổ!”.

Sự sỗ sàng của mợ Thanh đẩy Vân vào thế khó. Cô gượng gạo: “Đâu ạ, do trời lạnh nên cháu mặc nhiều áo chút thôi”.

Hay như ngay tết năm ngoái, trong buổi tiệc gia đình tổ chức để chia tay vợ chồng Vân trở lại thành phố, mẹ chồng cô nửa đùa nửa thật: “Năm nay con nghén nhanh nhanh đi nhé. Để lâu quá không đẻ là thằng Tuấn nó đi hỏi vợ 2 đấy!”.

Thấy vợ biến sắc, Tuấn nhanh miệng chữa cháy: “Tụi con không phải không đẻ, mà chưa đẻ thôi”.

Những cuộc vui mà lại mất vui vì những câu thúc giục như bữa tiệc hôm ấy không hiếm. Có khi là trong bữa họp lớp gặp bạn học cũ, có khi là ở bữa tiệc tân gia bạn bè, có khi ở chốn công sở. Những lời hỏi thăm vô dye khiến Vân chưng hửng, muốn “tàng hình”. Tuy nhiên, không nơi nào khiến cô buồn phiền bằng những lúc về nhà chồng. Nhà là nơi để về, là nơi người thân có thể chia sẻ, thấu hiểu, bao dung lẫn nhau, thế mà với cô, mỗi lần về nhà là mỗi lần Vân phải rơi nước mắt ấm ức, tủi hổ. 

Vì những câu nói chê trách lặp đi lặp lại mà Vân cũng dần tin mình kém cỏi, không xứng với chồng ( Ảnh minh họa)
Vì những câu nói chê trách lặp đi lặp lại, Vân cũng dần tin mình kém cỏi, không xứng với chồng ( Ảnh minh họa)

Vốn là một người tích cực, lạc quan, trước đây, Vân không nghĩ mình sẽ có lúc bị lung lay hay lấn cấn bởi những lời xì xầm, hỏi han, bàn ra tán vào thiếu thiện chí. Tuy nhiên, như một bài học truyền thông mà cô từng nghe trên giảng đường đại học ngày xưa: “Điều gì đó dù không hề có thật. Khi một người nói nó tồn tại thì bạn không tin. Nhưng 2 người nói thì bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ. Đến khi 10 người nói thì bạn cũng sẽ tin nó từng hiện hữu”.

Bài học ấy bây giờ đã ứng nghiệm vào Vân. Lần nào về quê chồng, Vân đều bị đẩy vào thế tổn thương, khó xử. Cô thấy mình có lỗi vì chuyện chậm con.

Những lời nói chê trách trong dịp tết, đến tận một - hai tháng sau vẫn đủ sức kéo tụt nguồn năng lượng mà lẽ ra cô cần phải nuôi dưỡng mỗi ngày. Đã nhiều lần, cô cũng tin mình vô dụng, kém cỏi, không xứng đáng với tình yêu trọn vẹn của chồng.  

Năm nay, cô ngập ngừng nói với Tuấn: “Hay mình ở lại phố đón tết đi anh”...

Thùy Tiên

                                        

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI