Sinh con trong thời hiện đại: Một chỉ số xã hội, không còn là lựa chọn bản năng

13/07/2025 - 07:03

PNO - Tỷ suất sinh của Việt Nam giảm xuống 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024, chúng ta không thể xem việc sinh con là quyết định thuần túy thuộc về mỗi gia đình.

Tỷ lệ sinh không còn là vấn đề riêng của cá nhân mà là chỉ báo tổng hợp của một xã hội: nơi các điều kiện kinh tế, giáo dục, y tế, phúc lợi và cả kỳ vọng về chất lượng sống đều hội tụ để hình thành quyết định mang tính dân số học. Dưới góc nhìn của người làm giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý vĩ mô, đây là tín hiệu cảnh báo đáng quan tâm hơn bất cứ cuộc khảo sát cảm tính nào.

Việc sinh con đang bị chi phối không phải bởi giá trị đạo đức hay truyền thống gia đình mà bởi cấu trúc hệ thống. Một cấu trúc trong đó chi phí giáo dục tăng nhanh hơn thu nhập, hệ thống y tế công lập quá tải, sự phân hóa trong cơ hội học tập ngày càng rõ rệt, trong khi áp lực “nuôi con nên người” không ngừng gia tăng. Đó là lý do tại sao ngay cả các gia đình có trình độ học vấn tốt, công việc ổn định, cũng ngày càng thận trọng hơn với lựa chọn sinh con.

Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông học tại các cơ sở giáo dục công lập, đồng thời hỗ trợ học phí cho người học trong cơ sở dân lập, tư thục theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định (không vượt quá mức học phí thực thu) là một bước đi đúng hướng về mặt chính sách. Tuy nhiên, nếu nhìn bằng tư duy hệ thống và biện chứng, chính sách này mới chỉ chạm vào bề nổi của vấn đề.

Miễn học phí không phải là giải pháp toàn diện, càng không phải là yếu tố then chốt quyết định tỷ suất sinh. Học phí dù chiếm tỷ lệ đáng kể trong chi tiêu nuôi dạy trẻ vẫn chỉ là một thành tố nhỏ trong tổng thể các gánh nặng tài chính mà một gia đình phải đối mặt khi sinh con: từ tiền sinh nở, chi phí dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, đến những khoản đầu tư ngoài chương trình chính khóa - lớp kỹ năng, ngoại ngữ, nghệ thuật, tư vấn tâm lý... Điều đáng nói là những khoản chi ngoài hệ thống này ngày càng mang tính “cần thiết” chứ không còn là “tùy chọn”, do niềm tin của xã hội vào chất lượng đồng đều của giáo dục công lập đang bị bào mòn.

Một yếu tố thường bị bỏ quên trong các thảo luận chính sách khuyến sinh là tác động luỹ tiến của lạm phát đối với thu nhập thực tế, đặc biệt là khi thuế thu nhập cá nhân vẫn đang được tính trên khung thu nhập cố định, chậm điều chỉnh qua nhiều năm. Khi mức khấu trừ gia cảnh chưa tương ứng với biến động giá cả, người lao động đang bị đánh thuế như thể họ sống trong một xã hội không có lạm phát. Điều này tạo ra một bất công hệ thống: thay vì bảo vệ người lao động ở mức thu nhập trung bình, chính sách thuế hiện tại đang làm xói mòn chính khả năng tích lũy và đầu tư cho con cái của họ. Trong khi đó, các chính sách khuyến sinh vốn đòi hỏi sự đồng thuận dài hạn lại chỉ mới dừng ở những cam kết bước đầu như hỗ trợ học phí hoặc tăng thời gian nghỉ thai sản... Rõ ràng có một độ vênh giữa các kỳ vọng chính sách và năng lực đáp ứng thực tế.

Đặt trong tư duy biện chứng, chúng ta cần nhìn nhận sinh con không chỉ là một đầu vào của cấu trúc dân số mà là một đầu ra của cấu trúc xã hội. Người dân sẽ chỉ lựa chọn sinh con nếu họ tin rằng xã hội có đủ cam kết, đủ nguồn lực và đủ công bằng để hỗ trợ họ hoàn thành trách nhiệm nuôi dưỡng. Việc tỷ suất sinh giảm không phải là sự đổ lỗi cho giới trẻ “ích kỷ” hay “sống hưởng thụ”, mà là sự phản chiếu của cảm nhận về rủi ro hệ thống. Khi hệ thống giáo dục bị thương mại hóa, khi dịch vụ y tế có dấu hiệu tư nhân hóa trên nền hạ tầng công còn thiếu thốn, và khi chi phí sống tăng nhanh hơn mức điều chỉnh của chính sách tài khóa thì việc trì hoãn sinh con không còn là lựa chọn tiêu cực, mà là một phản ứng logic.

Muốn thay đổi tỷ suất sinh một cách bền vững, cần dịch chuyển chính sách từ tư duy “hỗ trợ điểm” sang “thiết kế hệ thống”. Đó là hệ thống trong đó giáo dục công lập không chỉ miễn học phí mà còn cần nâng cao chất lượng thực chất; y tế công không chỉ được hỗ trợ mà phải bảo đảm tiếp cận công bằng theo vùng miền; thị trường lao động không chỉ mở rộng cơ hội mà phải bảo vệ cha mẹ trẻ nhỏ khỏi sự kỳ thị ngầm vì nghỉ sinh, nuôi con. Đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân cần được cải cách theo hướng gắn với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), có điều chỉnh định kỳ, nhằm bảo vệ sức mua thực tế của người lao động trong trung và dài hạn.

Tỷ suất sinh không thể tăng trở lại nếu chỉ dựa vào tuyên truyền, vận động hay kỳ vọng đạo đức. Trong xã hội hiện đại, mọi hành vi đều bị chi phối bởi các cấu trúc ngầm. Và chính sách tốt chỉ hiệu quả nếu nó đánh trúng được các cấu trúc đó. Điều mà người dân chờ đợi không phải là lời kêu gọi sinh thêm con mà là một hệ thống khiến việc sinh con không còn là gánh nặng riêng tư, mà là lựa chọn hợp lý trong một xã hội đáng tin cậy.

Lê Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI