Siêu âm thai không phải là tất cả

21/05/2020 - 06:39

PNO - Nhiều phụ nữ khi mang thai chỉ quan tâm đến siêu âm để xem tình trạng của thai nhi mà quên sức khỏe của mình, dẫn đến sự cố đáng tiếc khi mang thai và sinh con.

Sản phụ tử vong sau sinh vì bệnh tim

“Hôm đó, chúng tôi vừa đỡ đẻ xong cho thai phụ T. liền thông báo với người nhà là sản phụ bị thông liên thất và xảy ra hiện tượng đảo sinh (tình trạng máu ở tĩnh mạch và động mạch trộn vào nhau) nên chuyển lên khoa tim mạch theo dõi. Người nhà vây quanh bác sĩ ám chỉ ca mổ có vấn đề. Họ khẳng định thai phụ mới 27 tuổi, đi siêu âm đều đặn và không nghe bác sĩ nói gì về bệnh tim”, bác sĩ chuyên khoa sản ở một bệnh viện đa khoa nhớ lại. Sau đó, thai phụ đang theo dõi sức khỏe tại khoa tim mạch thì tử vong. Người nhà lại vây bệnh viện, pháp y phải vào cuộc. Cuối cùng, tiến hành giải phẫu tử thi cho kết quả sản phụ tử vong do bệnh tim…

Để có thai kỳ an toàn, thai phụ cần phải khám bệnh nền, chứ không chỉ dựa vào siêu âm thai
Để có thai kỳ an toàn, thai phụ cần phải khám bệnh nền, chứ không chỉ dựa vào siêu âm thai

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho hay: hiện nay, nhiều thai phụ chỉ quan tâm đến siêu âm vì nghĩ siêu âm sẽ phát hiện được hết bệnh lý của thai kỳ mà bỏ qua các xét nghiệm, theo dõi bệnh nền… của mình.

Thực tế, siêu âm thai chỉ có vai trò quan trọng trong một khoảng thời gian nhất định của thai. Ví dụ, trong ba tháng đầu thai kỳ, thai phụ chỉ cần siêu âm 2-3 lần. Một lần để xác định thai nằm đúng vị trí trong lòng tử cung hay chưa (thường 1 - 2 tuần sau khi trễ kinh), giúp mẹ tránh tử vong do thai ngoài tử cung. Nếu siêu âm đã thấy tim thai thì chỉ siêu âm thêm một lần nữa trong khoảng thời gian từ 11 - 13 tuần 6 ngày. Trong ba tháng giữa, siêu âm không còn vai trò kiểm soát bệnh nền cho thai phụ. Lúc này, siêu âm giúp xác định bé có bị sứt môi, bị tim bẩm sinh… hay không. Đến ba tháng cuối, khi thai 32-34 tuần, nếu bác sĩ thấy bụng nhỏ hơn tuổi thai dự kiến sẽ chỉ định làm siêu âm doppler màu xem thai có chậm tăng trưởng hoặc bánh nhau ở vị trí bình thường không. Điều này giúp phát hiện sớm thai phụ có bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược để mổ sớm cho bệnh nhân. 

Như vậy, siêu âm gần như chỉ có vai trò trong ba tháng đầu với cả mẹ lẫn con; còn các tháng sau, gần như siêu âm chỉ “có lợi” cho thai nhi. Do đó, thai phụ cần phải kiểm tra bệnh nền của bản thân để cuộc vượt cạn “mẹ tròn con vuông”.

Cần tầm soát sức khỏe trước khi mang thai 

Để ghi nhận tiến triển bình thường hoặc khi thầy thuốc nghi ngờ có sự bất thường của thai nhi thì mới có chỉ định làm siêu âm thai để có kế hoạch theo dõi, quản lý và xử trí kịp thời. Thế nhưng những phụ nữ mang thai thường cứ đòi bác sĩ cho siêu âm, vì nghĩ siêu âm sẽ phát hiện hết bệnh. 

Mặt khác, hiện nay, giữa bác sĩ siêu âm và thai phụ còn “chưa hiểu nhau”. Thai phụ chỉ tìm đến bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để siêu âm theo dõi thai. Còn bác sĩ siêu âm thì trả kết quả cho thai phụ mà không tư vấn hoặc nói rõ thai phụ phải cầm kết quả này đến bác sĩ sản khoa giải thích. Do đó, thai phụ cứ tưởng sức khỏe bình thường mà không biết mình tiềm ẩn các bệnh nền như đái tháo đường thai kỳ, tim mạch, dễ dẫn đến tử vong. 

Trong khi đó, nếu bác sĩ sản khoa biết sớm được thai phụ bị cao huyết áp trước khi có thai sẽ chuyển đến gặp bác sĩ tim mạch để điều trị, thậm chí phải uống thuốc lâu dài. Ngược lại, để thai sau 20 tuần mới phát hiện cao huyết áp, bác sĩ không biết thai phụ bị huyết áp từ trước hay huyết áp trong thai kỳ để xác định có nguy cơ tiền sản giật hay không (dễ xảy ra ở tuần thứ 20 của thai kỳ). Lúc này, nguy cơ bỏ thai rất cao vì bác sĩ không thể để thai từ tuần 20 kéo đến tận ngày sinh sẽ nguy hiểm cho người mẹ.

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, Cố vấn khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM, khuyến cáo: để có thai kỳ khỏe mạnh, trước khi mang thai, phụ nữ cần tầm soát một số bệnh để tránh lây truyền cho con hoặc khiến bé sinh ra bị dị tật do mẹ mắc một số bệnh như giang mai, HIV, viêm gan siêu vi B, Rubella, Thalassemia… Bản thân người mẹ cần khám xem có mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, bướu giáp… hay không. Phụ nữ khi mang thai cần theo dõi huyết áp, thử nước tiểu, chích ngừa, theo dõi sự phát triển của thai và các bệnh lý có trước và trong khi mang thai. 

Không ít trường hợp thai phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược và tử vong đột ngột khi sắp đến ngày dự sinh, một phần do bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhưng không chuyên về siêu âm thai, chủ yếu ở các bệnh viện tuyến tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi phân tích, khoa chẩn đoán hình ảnh ở các bệnh viện đa khoa (không có chuyên khoa sản) thường sẽ thực hiện siêu âm cho tất cả các khoa. Do đó, nếu thai phụ đến khám, bác sĩ siêu âm chỉ đặt đầu dò xem mặt trước và mặt sau của bánh nhau mà không khảo sát bánh nhau. Trong khi, bác sĩ chuyên siêu âm sản khoa sẽ “đọc rõ ràng” thai phụ có đang bị nhau tiền đạo nhóm 1, 2, 3; xem bánh nhau ăn vô lớp cơ tử cung theo thể nào… Điều này giúp bác sĩ sản xác định được thời điểm nào nên mổ cho bệnh nhân, chuyển đến đâu để mổ và ca mổ chuẩn bị như thế nào, lượng máu dự kiến bao nhiêu và nên phối hợp với bác sĩ chuyên khoa nào để bảo vệ tính mạng cho sản phụ. 

Chưa kể, bác sĩ siêu âm không chuyên về sản khoa sẽ để bệnh nhân nhau tiền đạo, nhau cài răng lược chuyển dạ bình thường đến tuần 39-40 mới sinh, chứ không được mổ sớm. Điều này rất nguy hiểm.

Lan Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI