"Sau một năm đại dịch mà chúng ta còn được ngồi lại bên nhau là hạnh phúc"

25/01/2021 - 06:42

PNO - Ký ức Tết xưa được nhà văn Lê Văn Nghĩa và GS. Phan Văn Trường chia sẻ vào buổi chiều cuối năm ấm áp.

"Lúc tám tuổi, tôi có hỏi ba tôi rằng ngày đầu năm mới thì người ta thường làm gì? Ông trả lời người ta sẽ khai bút đầu năm. Vậy là tôi chạy đến bên cạnh bà, bày tỏ mong muốn rằng tôi cũng muốn khai bút như người lớn. Bà bảo ngồi xuống, rồi bà lấy giấy bút, viết nắn nót lên đó một bài thơ và bảo tôi viết lại" - GS Phan Văn Trường nhớ ký ức tết của năm tháng tuổi thơ khi ông còn ở Việt Nam. Thói quen ấy ông vẫn còn gìn giữ để khởi đầu một năm mới đầy sự lạc quan, hy vọng. 

Còn nhà văn Lê Văn Nghĩa nói mỗi dịp tết đến xuân về, ký ức sâu đậm nhất trở về trong ông chính là năm tháng tuổi thơ. "Cứ tầm 20 tháng Chạp là bọn trẻ chúng tôi chộn rộn. Trẻ con nhà nghèo lúc nào cũng háo hức mong chờ Tết đến có quần áo mới, được ăn thịt kho tàu... Đứa nào ham chơi lem luốc mấy đến thời khắc đón Giao thừa cũng tắm rửa thật sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, thắp hương theo người lớn. Rồi mùng Một vui vẻ xếp hàng chúc tết ông bà, cha mẹ, nhận phong bao lì xì, sau đó bắt đầu đi chơi tết" - nhà văn Lê Văn Nghĩa nhớ lại. 

Ký ức Tết xưa được GS Phan Văn Trường và nhà văn Lê Văn Nghĩa chia sẻ cùng bạn đọc
Ký ức tết xưa được GS. Phan Văn Trường và nhà văn Lê Văn Nghĩa chia sẻ cùng bạn đọc

Những kiểu "chơi tết" của những đứa trẻ Sài Gòn ngày ấy là đi xem chiếu bóng, coi cải lương, ăn hủ tíu mì, chơi bầu cua cá cọp... Cái rạp chiếu bóng khi ấy chỉ là chiếc hộp có lỗ, đứa nào muốn xem thì chui đầu vào nhìn, cứ một đồng thì xem được 15 phút, phim được quay bằng tay. Vậy mà đám trẻ vẫn vô cùng hào hứng vì được coi "cinema" trong xóm. 

"Hạnh phúc ngày ấy không lệ thuộc vào ngoại cảnh, điều kiện hay những tiện nghi vật chất. Hạnh phúc được định nghĩa bằng những điều đơn giản như trèo cây bắt được con ve sầu, hay một hôm xuống sông bơi tình cờ nhặt được hòn sỏi trắng..." - chia sẻ của GS. Phan Văn Trường chạm đến những mộng ước giản dị bình thường của mỗi người về cái gọi là hạnh phúc trong cuộc đời. 

Chương trình Tết đến mọi nhà, tặng quà sách hay do NXB Trẻ tổ chức vào chiều ngày 24/1 tạo cơ hội cho nhiều người được ngồi bên nhau, lắng nghe sẻ chia từ ký ức tết xưa của diễn giả nhưng cũng là dịp để soi chiếu ý nghĩa của tết nay, tìm thấy hạnh phúc từ những điều bình thường sau một năm  thiên tai, dịch bệnh đầy bất an.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa tâm tình, trong cuộc đời ông đã có những lần ăn tết trong chiến khu, trong tù, rồi thậm chí là đón năm mới ở trời Âu. Nhưng tiềm thức vẫn luôn nhắc về mâm cúng ngày 30 tết, nồi thịt kho tàu và những sum vầy đoàn tụ. Đó mãi là những giá trị tinh thần quý báu không bao giờ phai nhạt. 

"Tết là khoảng thời gian dành cho những cuộc trở về, những sum họp, hàn gắn, chuyện trò ôn cố tri tân. Đó là sợi dây thiêng liêng nối dài quá khứ - hiện tại - tương lai. Từng thế hệ lớn lên vẫn tiếp tục gìn giữ truyền thống của ông bà cha mẹ. Cho dù là tết xưa hay tết nay, tôi vẫn thấy một vẻ đẹp, giá trị không thay đổi đó chính là những cuộc trở về. Trong tâm thức của người Việt dù ở phương trời xa xôi nào cũng đều là thao thức muốn về quê ăn tết"- GS. Phan Văn Trường tâm tình. 

Những người già, những người trẻ đến nghe chuyện Tết xưa
Người già lẫn người trẻ đến nghe chuyện tết xưa

"Tết nay" là một cái tết thật đặc biệt, khi mà thế giới đã và đang trải qua, phải đối mặt từng ngày với COVID-19. TPHCM cũng vừa có yêu cầu hạn chế tổ chức lễ hội, tránh tập trung nơi đông người và khuyến cáo người dân chấp hành yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng.

"Một năm đại dịch mà chúng ta còn được ngồi lại bên nhau đây là điều thật sự hạnh phúc. Tôi chỉ mong rằng, năm nay những chuyện như hát karaoke làm ồn hàng xóm, đua xe gây tai nạn sẽ được giảm thiểu, ý thức của từng cá nhân được nâng cao" - nhà văn Lê Văn Nghĩa gửi một thông điệp cho năm mới. 

Đón tết, gìn giữ những giá trị truyền thống như gìn giữ "mùa xuân của triết lý dân tộc" - theo cách nói của GS. Phan Văn Trường. Đó là những giá trị tinh thần quý giá chứ không phải là dịp để quà cáp biếu xén mong cầu cơ hội. Ngày xưa, quà tết cho nhau có thể là báo tết, CD nhạc xuân, quà sách... Nét đẹp văn hóa ấy cũng cần được nhen nhóm, khôi phục lại trong cộng đồng. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI