Chốn học đường của nhà văn Lê Văn Nghĩa

20/11/2020 - 10:59

PNO - “Mùa tiểu học cuối cùng” là cuốn sách mới nhất góp mặt vào danh sách những tác phẩm viết cho tuổi học trò của nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa (sinh năm 1953) viết sách ở nhiều thể loại khác nhau nhưng dù tản văn, truyện dài, truyện ngắn, tạp bút... ông đều đưa vào giọng văn dí dỏm, trong sáng. Sự hài hước, yêu đời thường trực của nhà văn Lê Văn Nghĩa coi vậy mà hợp với những tác phẩm viết cho tuổi học trò.

Dù đã bao nhiêu năm bước qua thời “mài đũng quần trên ghế”, văn ông viết cho lứa tuổi này vẫn phảng phất nguyên vẹn không khí lớp học, tình thầy trò, bè bạn và cả cái chất nghịch phá nhưng hóm hỉnh đáng yêu của lứa tuổi "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò".

Cuốn sách mới ra mắt của nhà văn Lê Văn Nghĩa.
Cuốn sách mới ra mắt của nhà văn Lê Văn Nghĩa

Mới đây, tác giả cho biết ông vừa hoàn thành cuốn sách chủ đề học đường tiếp theo mang tên Mùa tiểu học cuối cùng, góp vào series học sinh Trường tiểu học Bình Tây. Trước đó, ông đã ra mắt Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (truyện dài, 2018); Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014); Mùa hè năm Petrus (truyện dài, 2012)... Đây là những cuốn sách viết về đề tài học đường, tuổi thơ của nhà văn và một vài trong số đó có nhắc đến Trường tiểu học Bình Tây.

“Bạn ngồi xuống đây nghe tui kể chút nè, về mấy thằng bạn cà tưng lớp nhứt Hai trường tiểu học Bình Tây của tui. Cũng lâu lắm rồi á, hồi năm 1967 lận. Chẳng hiểu sao lớp tui hồi đó toàn những đứa cà tưng thích làm mấy chuyện cà tửng. Ví dụ như thằng Chương tìm phép tàng hình như trong mấy tuồng Ấn Độ và thành công thật. Thằng Thu bỗng một ngày biến thành con Thu. Thằng Ty té cây chùm ruột và trở thành thiên tài toán học… Tất nhiên là có cả tui nữa, quân sư quạt mo kiêm thầy dạy võ và là một nhà báo đại tài”, một đoạn văn dí dỏm mà NXB Kim Đồng giới thiệu về cuốn Mùa tiểu học cuối cùng.

Trong các tác phẩm của mình, tác giả vẽ ra nhiều bối cảnh và thời gian khác nhau nhưng có một điểm chung là gợi lại những kỷ niệm buồn vui trên giảng đường bằng giọng kể hài hước, giàu năng lượng. Tụi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” trong các tác phẩm của nhà văn đâu đó là những nhân vật có thật (nhưng thường được đổi tên), xuất hiện trong chính những câu chuyện ông từng trải qua. Trường tiểu học Bình Tây ở Sài Gòn - nơi những nhân vật trong truyện học hành, cũng là một chi tiết có thật như thế.

Trong Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, nhà văn Lê Văn Nghĩa “lội” về Sài Gòn đầu những năm 60 để tả không khí trường học thuở đó. Với ông, một Sài Gòn xưa cũ trong tâm khảm luôn chứa đựng những điều đẹp đẽ và may mắn thay cho những đứa trẻ lớn lên trong thời kỳ đó vì chúng được ngắm nhìn thành phố đổi thay từng ngày. "Tụi học trò" thời Lê Văn Nghĩa ngày trước, đọc truyện của ông bồi hồi nhớ chuyện cũ, còn với những bạn đọc trẻ hơn, họ đọc để “trải nghiệm” một không gian phố thị hoàn toàn khác.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa hay nhắc đến Trường Bình Tây trong sách.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa hay nhắc đến Trường Bình Tây trong sách

Mùa hè năm Petrus là một lần hồi tưởng khác của Lê Văn Nghĩa. Ông viết về Trường THPT Lê Hồng Phong (trước đây là Trường TH Petrus Trương Vĩnh Ký) là ngôi trường mà nhà văn đã từng học. Tác giả từng có một thời học tập, tham gia hoạt động sôi nổi tại trường. Những câu chuyện về trường lớp, thầy cô, bè bạn là chất xúc tác chính để ông viết nên Mùa hè năm Petrus mang nhiều tiếng cười. Nhưng đương nhiên, có một số nội dung trong sách được hư cấu thêm để tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm. Cuốn sách  được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012).

Còn Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy không hẳn tập trung về trường học mà xoáy vào cuộc sống của tụi trẻ con ở một xóm nhỏ rìa thành phố. Tụi nhỏ có đến trường nhưng trường học không phải là không gian chính trong truyện. Vậy mà trong sách, nhà văn vẫn khéo léo gợi cho độc giả nhớ về một không gian lớp học của Sài Gòn hơn 40 năm trước.

Chốn học đường của Lê Văn Nghĩa hài hước đó mà lắng đọng đó vì cuốn nào cũng có thêm nhiều câu chuyện thời cuộc phía sau, phần nào phản ánh bối cảnh xã hội, không đơn thuần là tuổi học trò mơ mộng. Nhưng nhà văn có chia “vai” chính, phụ rõ ràng nên đọc tới đâu thấy ngập tràn niềm vui của cô cậu học trò tới đó, còn khi nhìn rộng ra hơn, đó là một xã hội thu nhỏ, một Sài Gòn thu nhỏ “ôm” vào bên trong câu chuyện học đường.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI