Sân khấu ngày càng cũ mòn

22/07/2015 - 10:36

PNO - PN - Khoảng cách giữa sàn diễn sân khấu kịch nghệ và công chúng đang ngày một xa. Thực trạng này được thấy rõ qua hai sự kiện vừa diễn ra: Cuộc thi sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2015 và Liên hoan sân khấu về hình tượng người...

Thực tế cuộc sống, nhu cầu thưởng thức của khán giả thay đổi hàng ngày, nhưng nhiều năm qua, sàn diễn quá ít đổi thay. Vẫn bục bệ các kích cỡ, vẫn cảnh trí ước lệ cao. Khán giả sân khấu (SK) vẫn phải vừa xem kịch, vừa tưởng tượng bối cảnh của vở diễn. Những tấm gỗ vẽ màu hai mặt, người xem phải nghĩ đó là những hàng cây đủ sức che chắn cho bộ đội ở chiến khu. Những chiếc bục gỗ đơn giản được dùng làm bàn ghế cho cả hai không gian khác nhau, chỉ khác ở cách xoay hướng…

NSƯT Đỗ Kỷ cho rằng: “Ngày còn khó khăn, tính ước lệ ở SK rất cao. Diễn viên (DV) nhảy một bước và nói vừa nhảy qua vũng nước, khán giả sẽ tưởng tượng ra vũng nước trên SK. Bây giờ phải khác. Không thể bắt người xem cứ phải tưởng tượng”. Thiết kế SK hiện nay đa phần chỉ để trang trí, làm lối đi lên xuống, qua lại cho DV… không chỉ thiếu hòa nhập với bối cảnh của tác phẩm, mà còn thu hẹp không gian biểu diễn, sáng tạo của DV.

San khau ngay cang cu mon

Bao nhiêu khán giả có thể tưởng tượng những “tấm bảng” hình cây là rừng cây ở chiến khu?

Cách kể chuyện của không ít tác giả (TG), đạo diễn (ĐD) cũng cũ kỹ. Trong nhiều vở diễn, khán giả đoán được diễn biến tiếp theo và cả cái kết ngay sau cảnh mở màn. Chẳng hạn, kiểu mô tả những tay trùm buôn bán ma túy, cán bộ tha hóa luôn gắn với hình ảnh vừa giao dịch làm ăn vừa mơn trớn, vuốt ve, các em “chân dài”. Hễ tay anh chị là phải bặm trợn, quát tháo, la hét, giang hồ là phải xăm mình, hối lộ là phải dùng samsonite để đựng tiền…

Cách xây dựng nhân vật với những nét tiêu biểu đó không sai, nhưng đã quá cũ kỹ, quá quen thuộc trên sân khấu hàng chục năm nay. Thực tế cuộc sống ngày nay đã rất khác. Nếu dùng những chất liệu của đời thường để xử lý trên sân khấu, chắc hẳn vở diễn sẽ vừa gần gũi hơn với hiện thực, vừa góp phần tạo ra yếu tố bất ngờ.

Sự rề rà trong dàn dựng cũng làm người xem ngán ngẩm. Tình huống kịch đang cao trào, thay vì giải quyết dứt điểm để đẩy nhanh tiết tấu, thì lại được xử lý cho chùng xuống để đưa vào lời khuyên lơn, dạy bảo của nhân vật “người tốt”, vẫn xảy ra ở không ít vở diễn. Một số vở lại lý luận dài dòng, DV ra rả nói đúng kiểu “kịch nói” , khiến khán giả khó “nuốt” hết lời thoại của nhân vật.

Diễn xuất của DV cũng là chuyện cần phải nói. Hiếm DV có cá tính hoặc tìm ra được điểm nhấn để đem đến sự sinh động cho vai diễn. Nhiều DV, trong đó có cả những nghệ sĩ có danh hiệu, chỉ diễn xuất đều đều, một màu. Công thức đau đớn, tức giận thì la hét, gầm gào; buồn khổ thì nức nở hoặc thều thào… được “lập trình” ở khá nhiều DV. Điều khác biệt chỉ là âm lượng của từng DV, chứ không phải sự đa dạng trong biểu cảm sắc thái tâm lý, cảm xúc nhân vật ở những con người khác biệt về hoàn cảnh sống, tính cách, bản lĩnh, sự trải nghiệm…

DV chỉ diễn từ “cổ họng” mà thiếu độ rung cảm, sự tinh tế để hóa thân, khóc cười với số phận nhân vật. Vì thế, khi người xem đang nuôi cảm xúc theo diễn biến câu chuyện, tất cả bỗng trôi tuột chỉ vì tiếng gào khóc của DV.

Thực tế cũ mòn của SK so với sự phát triển chung của xã hội và nhu cầu khán giả được nhiều người trong nghề thừa nhận. Nhiều ý kiến cho rằng sự cũ mòn là do SK thiếu đội ngũ biên kịch, tác giả giỏi nghề. Thế hệ đi trước đa phần đã lớn tuổi, sức sáng tạo không còn; lớp trẻ lại ít chịu phá cách mà chỉ đi theo những lối mòn xưa cũ. Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cũng là nguyên nhân hạn chế khả năng sáng tạo của những người làm nghề, nhất là lớp trẻ.

NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng: “Với diện mạo SK quá nhiều những điều cũ mòn như hiện tại, có lẽ công tác đào tạo cũng cần được xem lại. Không ít ĐD trẻ không nắm được nguyên tắc ĐD mà chỉ dựng vở bằng cảm tính hoặc bắt chước khuôn mẫu nào đó. Thiếu kiến thức căn bản, những sáng tạo sẽ không có căn cơ và khó có thể có một vở diễn đạt yêu cầu”.

TG, ĐD Bùi Quốc Bảo bày tỏ: “Việc SK thiếu thốn phương tiện kỹ thuật khiến khả năng sáng tạo của người làm nghề bị hạn chế là có thật. Nhưng người Việt có câu “liệu cơm gắp mắm”, với tình hình hiện nay, nếu cứ chờ phương tiện hiện đại thì biết đến bao giờ? Tôi cho rằng nên chấp nhận những gì có trong tầm tay, cố gắng không ngừng sáng tạo và lao động, ít ra mình cũng làm được phần nào những gì mong muốn. SK cũ kỹ vì các thành phần từ biên kịch đến ĐD, DV lười sáng tạo, cứ lặp đi lặp lại những cái cũ mà thiếu sự siêng năng, máu lửa. Câu chuyện không mới lạ, nhân vật không mới lạ, dàn dựng không mới lạ, thành ra tổng thể cũ mòn”.

Đã đến lúc người làm nghề cần thay đổi tư duy và nỗ lực sáng tạo bằng tất cả khả năng của mình, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho khâu khác. Sân khấu mới hay cũ, là do yếu tố con người.

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI