Sài Gòn nóng khó chịu, hơn 11.000 trẻ nhập viện

28/03/2019 - 06:00

PNO - Những ngày qua, người dân TP.HCM phải hứng chịu nắng nóng đến 37 độ C khiến nhiều trẻ em mắc bệnh. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 số lượng trẻ đến khám, nhập viện vì nắng nóng đang có dấu hiệu tăng dần.

Nóng ngoài trời, nóng cả... bệnh viện

8 giờ sáng 27/3, khu Khám bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đông nghẹt người. Nhiều trẻ nhỏ liên tục khóc thét, nôn ói, sốt cao. Bên ngoài trời nắng nóng hầm hập như chảo lửa.

Sai Gon nong kho chiu, hon 11.000 tre nhap vien
Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2: đa phần trẻ đến khám thường bị nhiễm siêu vi, bệnh về tiêu hóa, hô hấp do nắng nóng

Vừa dõi nhìn con đang được các bác sĩ hội chẩn, chị An (nhà ở quận Bình Thạnh) kể con trai chị - bé T.H.Đ. sốt cao 3 ngày liên tục nhưng ông bà “đổ thừa” mẹ quấn nhiều khăn trong lúc ngủ bé bứt rứt, quấy khóc.

Đến khi bé Đ. ngủ li bì, người nóng bừng không hạ, cả nhà mới ôm bé đến bệnh viện rồi tá hỏa khi bác sĩ chẩn đoán bé Đ. bị viêm màng não.

Đứng ngoài phòng bệnh, mẹ của bé liên tục khóc trong khi ông bà chết lặng trên ghế đợi. Sau nhiều tiếng đồng hồ cấp cứu, bé Đ. may mắn qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định trở lại. Tuy nhiên, bé phải được nhập viện điều trị và theo dõi thêm một thời gian.

Sai Gon nong kho chiu, hon 11.000 tre nhap vien
Tính từ tuần rồi đến nay, số trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã trên dưới 6.000 trẻ mỗi ngày

Bác sĩ CKII Đặng Thị Kim Huyên – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - cho biết: TP.HCM đang bước vào mùa nắng nóng nhưng lại có dấu hiệu bất thường. Thay vì khí hậu mát buổi sáng, trưa mới nóng, chiều hạ nhiệt nhưng những ngày qua người dân phải hứng chịu nắng gay gắt cả ngày. Đến chiều và tối càng oi bức khiến trẻ con khó có thể chống chọi với sốt siêu vi, bệnh đường tiêu hóa, bệnh về hô hấp. 

Thời tiết nắng nóng nên trẻ em đến khám bệnh đang có dấu hiệu tăng dần. Hơn một tuần qua, số lượng trẻ đến khám bệnh trung bình khoảng 5.200 đến 5.900 trẻ mỗi ngày. Nhưng từ đầu tuần đến nay, có ngày số trẻ đến khám vượt 6.000 ca.

Trẻ nhập viện chủ yếu do mắc các bệnh trong mùa nắng nóng như: sốt siêu vi, tiêu chảy, bệnh hô hấp, tay chân miệng… Đặc biệt, thời tiết đang nắng nóng nhưng nhiều trẻ vẫn mắc sốt xuất huyết.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ đến khám các bệnh mùa nóng cũng bắt đầu tăng lên. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM – cho biết: “Hiện mỗi ngày bệnh viện có khoảng 5.000 trẻ đến khám, trong đó có 200 trẻ phải nhập viện điều trị. Hơn một nửa số trẻ nhập viện do mắc bệnh về hô hấp và tiêu hóa".

Sai Gon nong kho chiu, hon 11.000 tre nhap vien
Các bác sĩ cảnh báo, cha mẹ không nên chủ quan tự chẩn đoán bệnh, hay mua thuốc cho con uống khi trẻ bị sốt, cần theo dõi bệnh và đưa đến bệnh viện ngay khi trẻ sốt kéo dài

Con bệnh nặng vì mẹ chủ quan

Không ít trường hợp cha mẹ chủ quan tự chẩn đoán bệnh và để con ở nhà hoặc ra tiệm mua thuốc cho bé uống khiến bệnh của trẻ trở nặng. 

Như trường hợp của bé N.B.T. (2 tuổi, nhà ở quận 1, TP.HCM) sốt âm ỉ suốt 5 ngày nhưng mẹ của bé không đưa con đến bác sĩ. Với những dấu hiệu sốt của bé, người mẹ nghĩ bé T. đang mọc răng nên để ở nhà theo dõi. Tuy nhiên, ngoài sốt, bé T. còn vật vờ, biếng ăn, thở mệt và quấy khóc. Đến khi những người thân trong gia đình liên tục khuyên, bé mới được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám bệnh.

Bác sĩ phát hiện bé T. bị viêm phổi đang tiến triển nặng, phải nhập viện điều trị nhiều ngày mới khỏi. May mắn, bệnh diễn tiến chậm và chưa gây biến chứng.

Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên khuyến cáo: “Khi trẻ bị sốt, cha mẹ đừng chủ quan tự chẩn đoán bệnh. Nếu con trẻ sốt cao 39 độ C, liên tục 2 giờ đồng hồ không dứt, sốt trên 2 ngày, phụ huynh phải đưa ngay đến bệnh viện. 

Đặc biệt với sơ sinh 2 tháng tuổi trở xuống, cho dù bé sốt nhẹ nhưng hay quấy khóc, bỏ bú, vàng da… cũng đưa đi khám ngay tránh gây biến chứng hoặc quá chậm trễ”.

Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, ngoài các bệnh mùa nóng, cha mẹ cũng không chủ quan với các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết. Tuy tháng 4, tháng 5 mới bước vào “mùa” tay chân miệng, sốt xuất huyết nhưng vẫn có trường hợp trẻ bị hai bệnh này. 

Điều đáng mừng là phụ huynh đã có nhiều kỹ năng, kiến thức hơn trước đây nên khi trẻ vừa chớm bệnh đã cho bé đi khám. Vì vậy năm nay ít ca nặng hơn năm trước.

Sai Gon nong kho chiu, hon 11.000 tre nhap vien
Mùa nóng nhưng nhiều trẻ vẫn bị tay chân miệng, sốt xuất huyết

Đã có trường hợp tử vong vì say nắng

Theo bác sĩ Hoàng, bên cạnh bệnh mùa nóng, cha mẹ cũng phải hạn chế cho trẻ ra đường vào thời điểm 10g sáng đến 14g trưa; đặc biệt những ngày gần đây nắng nóng lên đến 37 độ C và chỉ số tia UV đang vượt ngưỡng cho phép thì nên hạn chế ra đường đến 16 giờ.

Nắng nóng dễ gây ra tình trạng sảng nhiệt ở trẻ. Trẻ xuất hiện dấu hiệu sốc nhiệt, sảng nhiệt đến mệt mỏi, mê sảng. Thậm chí, bệnh viện từng tiếp nhận trẻ tử vong do bị sảng nhiệt trong đợt nắng nóng kéo dài. Nếu phát hiện trẻ bị sảng nhiệt, nên đưa trẻ vào nơi mát mẻ để hạ nhiệt, cho trẻ uống nước lọc. Nếu trẻ có hiện tượng mê sảng, phải đưa đến ngay bệnh viện.

Với thời tiết nắng gắt như hiện tại, phụ huynh, thầy cô nên giám sát con em mình, nhắc nhở trẻ ngồi chơi ở những nơi thoáng mát, có bóng râm, lưu ý uống đủ nước, hạn chế uống đá lạnh, không uống nhiều nước ngọt có màu.

Tránh để trẻ chạy nhảy nhiều, tắm ngay khi đang ra mồ hôi hoặc bước ngay vào môi trường có máy lạnh, bật quạt hướng vào trẻ khi đang ngủ sẽ vô tình khiến trẻ bị bệnh. 

Trường hợp bật máy lạnh, máy tạo ẩm trong phòng, người lớn cần vệ sinh thường xuyên để loại bỏ nấm mốc, bụi bẩn gây bệnh.

Nếu trẻ phải ra đường để đi khám bệnh thì ngay cả người lớn và trẻ em phải mang khẩu trang, khoác áo, kính đen để giảm nhẹ ảnh hưởng lên da và mắt của trẻ.

Sai Gon nong kho chiu, hon 11.000 tre nhap vien
Phụ huynh nên nhắc nhở trẻ chơi ở nơi có bóng râm, tránh vào phòng máy lạnh đột ngột để trẻ không bị sốc nhiệt, sảng nhiệt khi trời quá nóng

Ngoài ra, bác sĩ Kim Huyên cho hay thời tiết nắng nóng dễ làm các đồ ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn. Vì vậy, cha mẹ cần bảo đảm vệ sinh ăn uống cho trẻ, nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh. Không cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn, thức uống cùng lúc. 

Nếu trẻ đang đi học mắc bệnh, phụ huynh nên thông báo với thầy cô giáo xin cho trẻ ở nhà để tránh lây nhiễm sang những trẻ khác. Trẻ vừa hết bệnh hoặc không mắc bệnh phải được mang khẩu trang ở nơi có đông người. Hơn hết, trẻ phải được tiêm ngừa đầy đủ để phòng bệnh.

Với những bệnh sốt, phải theo dõi kỹ biểu hiện của trẻ, nếu trẻ sốt kèm theo giật mình thường xuyên, chới với, hốt hoảng, nôn ói liên tục phải đưa đi bệnh viện ngay. Theo dõi ngày sốt của trẻ, nhất là những trẻ bị sốt xuất huyết, ngày thứ 3 của bệnh, nếu trẻ hạ nhiệt có thể trẻ rơi vào tình trạng bệnh nặng.

Thời điểm này, dù trẻ có dấu hiệu mọc răng nhưng ngoài sốt, trẻ còn có thêm triệu chứng lừ đừ, mệt mỏi, sốt trên 38 độ C phải đưa đến bệnh viện để được khám bệnh vì rất có khả năng trẻ đang mắc phải bệnh khác.

Sai Gon nong kho chiu, hon 11.000 tre nhap vien
Theo dõi kỹ triệu chứng bệnh ở trẻ, nhất là sơ sinh 2 tháng tuổi trở xuống


Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI