Sài Gòn làm tới nơi, chơi tới... lò

26/02/2015 - 07:23

PNO - PN - Theo ông Tám Lò, Sài Gòn vốn là vùng đất “phong hồi thủy tụ”, trũng thấp nên việc đi lại lệ thuộc không ít vào kênh rạch. Ở đâu tàu bè cập được đều thành bến.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sài Gòn có bến Nghé, bến Thành, bến Chương Dương, bến Vân Đồn, bến Bình Đông, bến Phú Định, bến Phú Lâm, bến Lò Gốm, bến Mễ Cốc...

Người Sài Gòn rạch ròi, làm ra làm, chơi ra chơi, đã làm thì làm tới nơi, còn chơi thì phải tới bến. Ai nói thế mặc họ, còn với ông Tám thì người Sài Gòn đã chơi thì phải chơi tới... lò mới đúng!

Sai Gon lam toi noi, choi toi... lo

Ông Tám Lò là cách gọi tắt chỉ một người đàn ông thứ tám, làm chủ một cái lò sản xuất ông lò (ông táo).

Ông Tám Lò, năm nay vừa tròn 75 tuổi. Cái tuổi mà theo ông là không quá già để có thể thông hiểu hết mọi chuyện xưa nhưng có lẽ cũng đủ để biết nhiều chuyện trước kia mà “sắp nhỏ bây giờ mù tịt”.

Trước khi lấy vợ, ông Tám đi nặn ông táo thuê ở khu bến Lò Gốm bên quận 6 mấy năm trời. Ở đó, ông quen được “cô gái tưới đậu” vùng Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Long An. Năm 1961, hai người cưới nhau và ông thôi làm thuê ở khu Lò Gốm, rồi vợ chồng ông từ giã khu cầu Nhị Thiên Đường về bến Phú Định cặp bờ Mã Trường Giang (kênh Ruột Ngựa hiện nay, thuộc địa bàn P.16, Q.8) cất mái nhà tranh, tự mình làm chủ cái lò nặn ông táo cho chính mình.

Ông nói: “Hồi mới đến đây, kênh Ruột Ngựa tôm cá nhiều vô kể, nước trong xanh, con nít trong xóm nhảy tắm ầm ầm”. Còn bây giờ? Ông dẫn khách đi vòng ra phía sau nhà, băng ngang khoảng đất rộng, xưa kia là nơi tập kết đất sét trước khi được chuyển vào khu vực nhồi, đạp, trộn, nắn, nung... rồi chỉ con rạch nhỏ có dòng nước đen ngòm nằm kề bên đám dừa nước xanh tốt cao nghệu được gia đình chăm sóc giữ gìn và lắc đầu: kênh Ruột Ngựa nè!

Năm 1961, ông Tám là một trong những người đến khu này trước tiên để mở lò nặn ông táo. Bờ đất mà ông chọn để cất nhà, làm lò nằm ven kênh Ruột Ngựa, cạnh nhà máy xay lúa đã đóng cửa từ thời Pháp. Mặt trước nhà nhìn thẳng ra lộ cái (đường bến Phú Định) chừng dăm bước chân.

Hơn nửa thế kỷ gắn liền với địa danh Ruột Ngựa, những gì ông nhớ, ông biết về nó trước kia cũng chỉ từ những gì thuộc “phạm trù”... nghe kể, hoặc đọc được đâu đó. Rằng từ cửa sông Rạch Cát về đến rạch Lò Gốm hồi xưa chỉ có con rạch nhỏ nước đọng, thuyền bè đi lại không được.

Năm 1772, Đốc chiến Nguyễn Cửu Đàm (con trai của Chánh thống Nguyễn Cửu Vân) cho đào thành kênh dài gần ba cây số, thẳng như ruột ngựa. Nghe đâu năm 1819, kênh Ruột Ngựa đã bị cạn lấp, ghe xuồng đi lại khó khăn nên Phó tổng trấn Gia Định thành là Huỳnh Công Lý vâng lệnh đốc thúc hơn 10.000 dân phu đào kênh mới từ đầu rạch Lò Gốm đến cuối rạch Ruột Ngựa, nối kênh Tàu Hủ thông với sông Rạch Cát. Từ đó, ghe tàu có thể rẽ trái đi Cần Đước, Cần Giuộc; rẽ phải đi Chợ Đệm, Bến Lức...

“Đi đâu thì đi, nhưng trước ngày ông táo về trời thì tàu ghe vẫn quay về lò của tui để... xuống ông táo, đi giao khắp nơi”.

Sai Gon lam toi noi, choi toi... lo

“Lâu lâu, nhớ nghề, tui chạy sang lò nặn ông lò của Năm Tiếp, phụ người quen nặn ông lò cho đỡ buồn...”

Ông Tám Lò, giờ đã đóng cửa lò. Theo thời gian, cùng với sự biến đổi của cuộc sống, của môi trường, của quy hoạch, chỉnh trang... không chỉ có lò làm ông táo của ông Tám “giải thể” mà lò của ông Tư, ông Năm láng giềng xưa kia cũng đã không còn.

Giờ đây, dọc theo phía phải của rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, kênh Lò Gốm, rạch Ruột Ngựa là đại lộ Võ Văn Kiệt hiện đại rộng thênh thang với tám, mười làn xe.

Còn phía bên kia là những bến Vân Đồn, Ba Đình, Bình Đông chạy dài đến kênh Lò Gốm, rạch Ruột Ngựa thưa thớt những tàu ghe ngày cuối năm chở chuối, chở xoài, chở mai, chở quất, chở chén, chở lò của thời... xa vắng.

Gần hai mươi năm nay, tính từ khi lò ông Tám tắt lửa, nhất là khi con trai lớn thôi chức chủ tịch phường để làm cán bộ quận, con trai út cũng trở thành công chức cấp phường, thì ông Tám thuộc diện người cao tuổi với chế độ ưu đãi đặc biệt trong nhà.

Ông không phải làm bất cứ việc nào dính dáng đến cái nghề đã giúp ông nuôi vợ và bầy con trưởng thành. Sáng ông có thể la cà ra quán cà phê gần nhà “tám” với những người bạn già cùng nghề ngày xưa cho tới trưa rồi về ăn cơm, xem truyền hình.

Ngồi trong phòng khách, ông nhìn ra cái nền đất, nơi từng là cái lò nặn ông táo năm nào bằng ánh mắt xa xăm của một người hoài niệm, dù nơi đó giờ là ngôi nhà khang trang hai tầng của cậu con út.

Mái nhà xưa của vợ chồng ông giờ thành ngôi biệt thự, cho gần ba mươi nhân khẩu theo quy mô tứ đại đồng đường cùng với bốn con trai, hai con gái, sáu dâu rể và một bầy cháu nội ngoại từ đại học đến mẫu giáo, mầm non. Dấu vết của cái nghề nặn ông lò trong ông giờ có lẽ chỉ còn trên ánh mắt.

Ông Tám vốn là người ít nói, nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện chèo ghe đi mua đất sét, chuyện nhồi đất trộn tro trấu bằng đôi chân trần và chuyện nặn ông lò bằng... cả trái tim, ánh mắt ông sáng lên như thể ông đang ngồi quây lò, mở miệng (lò) cùng với bạn nghề.

Cũng phải, nặn được cái ông lò cho thành hình, rồi mang ra phơi nắng cho ráo, lại mang vô mở miệng, gò láng rồi chuyển vô nung một ngày một đêm cho ông táo ửng hồng lên, lại nghĩ tới cái lò của mình như một niềm vui chào đón năm mới cho mọi nhà, quả là hạnh phúc nào bằng.

Theo ông, nghề nặn ông táo là nghề chỉ cần học lóm cũng làm được, nên không có bái sư cầu thầy để được dạy nghề, cũng không có cúng tổ như những ngành nghề khác.

Hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp, ghe thuyền chở ông lò cặp bến Lò Gốm, Mễ Cốc, Rạch Cây... lấy hàng, giao hàng cũng là lúc các chủ lò chuẩn bị nhang đèn bánh rượu để cúng... ông táo tiễn ông về trời và coi đó như là cúng ông tổ của nghề. Ông Tám nheo mắt, nói nhỏ như thể không muốn cho mọi người xung quanh phát hiện ra điều bí mật: “Lâu lâu, nhớ nghề tui chạy sang lò nặn ông lò của thằng Năm Tiếp ở chân cầu Rạch Cây gần bến Lò Gốm, phụ người quen nắn ông lò cho đỡ buồn”.

Sai Gon lam toi noi, choi toi... lo

Năm Tiếp vốn là thợ của ông Tám ngày xưa, sau khi xuất ngũ về, Năm Tiếp mở lò nắn ông táo. Theo Năm Tiếp, ông Tám Lò là một nghệ nhân thực sự, chỉ nhìn cách gò láng ông lò của ông Tám người ta thấy rõ ở ông có một tình yêu kỳ lạ với những ông lò làm bằng đất sét.

Các con ông không ai theo nghề nặn ông lò. Cũng phải, vì thành phố ngày càng hiện đại, những vật dụng nhà bếp ngày càng theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường không khói bụi, liệu còn mấy ai xài ông lò bằng đất nữa.

Ông Tám không trách các con. Ông cũng không có khả năng bày tỏ sự hoài niệm của mình như thi sĩ Tú Xương. Nhưng dù không “vẳng nghe tiếng ếch bên tai, giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, Tám Lò vẫn tin nghề nặn ông lò của mình sẽ vẫn không mất đi vì theo ông, năm nào cũng phải đưa ông táo chầu trời mà...

Bài và ảnh: NGUYỄN THIỆN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI