Rợn người những kiểu chữa bỏng lạ đời khiến bệnh thêm nặng

11/11/2021 - 06:35

PNO - Nhiều người áp dụng kinh nghiệm dân gian như dùng nước mắm, bôi sữa, thuốc nam… thậm chí dùng cả lông thú đắp lên vết bỏng để trị bỏng. Khỏi đâu chưa thấy, phần lớn các bệnh nhân đều thêm nặng, phải nhập viện điều trị dài ngày hơn.

Ngày 10/11, bác sĩ Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, sau nhiều ngày tích cực điều trị, bệnh nhi T.A (8 tháng tuổi, quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã qua nguy kịch, sức khoẻ dần ổn định. 

Theo bác sĩ Bình, hiện các bác sĩ vẫn chưa xác định được loại lông được đắp lên các vết bỏng trên người bé A. để chữa bỏng. “Bé được đắp lông thú lên khắp các vết thương, nhưng chưa rõ đây là loại lông gì. Có rất nhiều bệnh nhân bị bỏng được sơ cứu bằng nhiều biện pháp phản khoa học, tuy nhiên đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy đắp lông thú để trị bỏng như vậy” - bác sĩ Bình nói.

Bé A. được thầy lang đắp lông thú lên các vết bỏng để chữa bỏng
Bé A. được thầy lang đắp lông thú lên các vết bỏng để chữa bỏng

Ít ngày trước, bé A. không may bị bỏng cháo nóng vào phần ngực, bụng, đùi, chân khi chơi ở nhà. Chiều 5/11, bé A. được đưa vào bệnh viện cấp cứu sau khi đã được sơ cứu. Khi mở lớp băng gạc quấn quanh người cháu bé, các bác sĩ sốc khi phát hiện một lớp lông được rải đều trên vết bỏng. Người nhà bệnh nhi cho biết khi bé bị bỏng đã đưa đến nhà một thầy lang và được sơ cứu như trên. 

Các bác sĩ truyền dịch, giảm đau và đưa bệnh nhi vào bồn tắm bỏng để loại bỏ hoàn toàn lớp lông trên vết thương, sau đó mới có thể bắt tay vào điều trị. Theo đánh giá, cháu bé bị bỏng độ 2, độ 3 trên diện rộng và được đưa đến khoa Hồi sức - Cấp cứu để tiếp tục theo dõi sức khoẻ.

Tháng 11/2020, bé Đặng Nhật Anh (13 tháng tuổi, quê xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng rơi vào tình trạng hoại tử đen kèm theo chảy mủ hôi, nhiễm trùng nặng do bị bỏng nước sôi. Tình trạng này bắt đầu chỉ ít ngày sau khi bé được một thầy lang trong vùng cho đắp thuốc lá để chữa bỏng.

Chị Trần Thị Uyên (29 tuổi, mẹ bé Anh) cho biết, vì thấy nhiều người dân tin tưởng, tìm đến vị thầy lang này chữa bỏng nhiều, hơn nữa, người này cũng xuất trình giấy chứng nhận, đồng thời cam kết chắc chắn sẽ làm lành vết thương nên người mẹ này quyết định để con trai chữa trị tại đây.

Phần ngực, bụng bé Anh bị hoại tử da (hình nhỏ), buộc phải cắt da ở phần đùi để cấy ghép
Phần ngực, bụng bé Anh bị hoại tử da (hình nhỏ), buộc phải cắt da ở phần đùi để cấy ghép

“Chúng tôi cũng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì bị nhiễm trùng do chữa bỏng sai cách. Tuy nhiên, các trường hợp này đều dễ bị nhiễm trùng nặng, khi được đưa tới bệnh viện thì tình trạng đã nặng. Việc điều trị thêm tốn kém, kéo dài hơn” - bác sĩ Bình nói.

Theo bác sĩ Bình, khi trẻ bị bỏng, việc đầu tiên là phải cách ly khỏi tác nhân gây bỏng để tránh tình trạng nặng thêm, sử dụng nước (nước sôi để nguội thì càng tốt) ngâm, xả nhẹ từ 15-20 phút để làm dịu vết bỏng. Tuyệt đối không dùng đá lạnh hay nước đá lạnh, gây bỏng lạnh đối với da đang bị tổn thương. Nếu có băng gạc sạch thì băng phần da bị bỏng, nếu không có thì sử dụng vải sạch để bảo vệ phần tổn thương khỏi các tác nhân và nguy cơ nhiễm trùng khác.

Sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Tuyệt đối không sử dụng kem đánh răng, trứng gà, nước mắm... hay bất kỳ thứ gì khác để tránh gây nguy cơ nhiễm trùng cho vùng da bị bỏng.

“Các vết bỏng ban đầu nó ở nhiệt độ cao, bị cháy da như thế thì nó là ở môi trường vô khuẩn, do đó cần phải tiếp xúc với một môi trường vô khuẩn tiếp. Thông thường các vật liệu người ta đưa vào từ dân gian không vô khuẩn. Khi bị bỏng, nếu bôi các loại như nước mắm, đá lạnh… lên càng dễ tăng thêm độ sâu của vết bỏng” - bác sĩ Bình nói và cho hay việc sơ cứu ban đầu đúng cách sau khi bị bỏng là rất quan trọng.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI