Robot có thay thế được người thầy?

20/11/2020 - 09:56

PNO - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự can dự ngày càng sâu của trí tuệ nhân tạo (AI) vào giáo dục, nảy sinh những băn khoăn: liệu nghề giáo truyền thống sẽ bị “giải tán”; liệu robot có thể thay thế người thầy?

Cuốn sách Dạy học trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành (tựa gốc: Teching in the Fourth Industrial Revolution, tập hợp các bài viết của sáu nhà giáo là ứng viên lọt vào chung kết Global Teacher Prize của quỹ Varkey Foundation) phân tích nhiều khía cạnh quan trọng có tính bối cảnh hóa của nghề giáo, đồng thời tìm câu trả lời cho mối băn khoăn trên.

Vai trò của người thầy trong áp lực công nghệ

Sức hấp dẫn của cuốn sách này, trước hết ở những ý hướng khai phóng được đúc kết từ sự dấn thân tìm kiếm giá trị mới cho một mô hình giáo dục tương thích với những nan đề của cuộc sống hiện đại. Như trong lời dẫn nhập của hai nhà giáo Armand Doucet và Jelmer Evers - họ đều có chung mối lo lắng trước những thách thức mang tính toàn cầu, nơi con cái và học trò của họ sẽ phải thích ứng, trưởng thành, làm chủ tương lai - giáo dục sẽ đem lại gì, giáo viên giữ vai trò thế nào trong một thế giới chia cắt, môi trường khủng hoảng, bất bình đẳng trầm trọng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và độc đoán dẫn tới xung đột khắp nơi…

Từ những hoàn cảnh không phải dễ dàng cho nghề dạy học, các tác giả (Armand Doucet, Jelmer Evers, Elisa Guerra, Nadia Lopez, Michael Soskil và Koen Timmers) đưa ra các sáng kiến để minh chứng cho một điều cốt lõi: công nghệ có thể được sử dụng vào trường học, lớp học, chương trình giáo dục như một công cụ hữu ích để xóa khoảng cách do sự bất bình đẳng, hướng đến những giải pháp tích cực, tối ưu hóa hoạt động giảng dạy.

Nhưng đó chỉ là phương tiện. Cứu cánh giáo dục hướng đến, như Michael Soskil, giáo viên ưu tú ở Pennsylvania, nói: “Một hệ thống giáo dục không thể thích ứng với tốc độ đổi mới trong xã hội là một hệ thống lỗi thời. Một hệ thống giáo dục không chuẩn bị cho công dân được hạnh phúc và khỏe mạnh trong thế giới họ sẽ sống là một hệ thống vô giá trị”. 

Ông thuyết phục độc giả bằng câu chuyện xảy ra ở khu vực nghèo đói South Bronx trên đất Mỹ, nơi trẻ em vô gia cư và thất học. Chương trình đưa kỹ thuật làm vườn bằng khí canh (aeroponics) của thầy giáo Stephen Ritz đã kéo học trò ở South Bronx tới trường, sau buổi học các em có thể mang rau xanh về cho gia đình. Tương tự, giáo viên Wemerson da Silva Nogueira ở Brazil đã biến một ngôi trường đang điêu đứng bởi ma túy trở thành nơi khai sinh dự án giải cứu một dòng sông ô nhiễm trong thị trấn. “Giáo án mở” của anh đã cho thấy hiệu quả: tỷ lệ học sinh đến lớp tăng, tệ nạn được khống chế.

Người thầy và máy móc

Một trong những kiến thức mà thế giới mới đòi hỏi ở giáo dục chính là khả năng giải quyết vấn đề của đời sống với lòng bao dung, thấu hiểu và tìm được giải pháp xử lý các vấn đề cuộc sống đặt ra. Chẳng hạn, với những hình ảnh được truyền qua cuộc gọi trên Skype, một giáo viên phương Tây đã đánh thức các học sinh của mình tìm ra giải pháp kêu gọi quyên góp giúp các bạn ở một vùng nông thôn nghèo ở Kenya có cây cầu bắc qua sông để có thể an toàn đến trường... 

Theo nhà giáo Jelmer Evers, người thầy trong thời đại này không dừng lại ở vai trò truyền đạt kiến thức, hoạt động như một cỗ máy được chỉ dẫn bởi hệ thống giáo dục bảo thủ, mà phải là một nhà hoạt động xã hội.

Để đạt tới điều đó, các tác giả trong cuốn sách đều đề cập đến một điểm mấu chốt: cần giải phóng người học khỏi sự đóng khuôn như những sản phẩm sản xuất hàng loạt. Giáo dục trong kỷ nguyên này cần phải từ bỏ lối tư duy dạy học để thi cử và bằng cấp, loại bỏ những tiêu chí đánh giá năng lực, chất lượng theo một quy chuẩn nặng tính giáo khoa. Cùng với khoa học, giáo dục cần có tính bối cảnh hóa để thoát khỏi tính ốc đảo. Nhà trường phải là nhà trường của cuộc sống con người và giáo dục phải là xương sống của phát triển. 

Vấn đề còn lại nằm ở chỗ, khi truyền thông xã hội, những thành tựu công nghệ đã thâm nhập vào lớp học, làm thay đổi thực hành dạy học, các kiến thức dễ dàng được tìm thấy qua một cú nhấp chuột, thì sự thay đổi về mô hình trường lớp là không tránh khỏi, nhưng có một điều mà cuốn sách này củng cố cho những ai quan tâm đến giáo dục tiến bộ, rằng người thầy không vô hình trước máy móc và trí tuệ nhân tạo. 

Với nhà giáo Michael Wamaya đến từ Kenya, các nhiệm vụ có thể dễ dàng trao phó cho AI và là các nhiệm vụ chủ yếu mang tính hành chính - chấm bài, theo dõi sự chuyên cần, thu thập dữ liệu - và thậm chí là dọn dẹp lớp học, nhưng AI không bao giờ phát triển “mối liên hệ cảm xúc đối với học sinh” - điều mà những người được hỏi đều công nhận là rất quan trọng cho việc giảng dạy thành công.

Vậy thì yên tâm, robot sẽ không thay thế được người thầy, nhưng cũng cần tôn trọng những không gian sáng tạo trong giáo dục trước yêu cầu bối cảnh mới, để người thầy không bị ép uổng trở thành những robot, hay tệ hơn là công cụ cho những chủ trương phản giáo dục. Trong một thế giới toàn cầu hóa, suy tư của những nhà giáo trong cuốn sách này hẳn cũng là suy tư của nhà giáo Việt Nam nói riêng, những ai quan tâm đến sự dịch chuyển trong giáo dục Việt Nam nói chung. 

Nguyễn An Nam

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI