Rashomon: Đỉnh cao chiêm nghiệm của điện ảnh Nhật

09/07/2022 - 15:53

PNO - Một vụ án, ba nhân chứng, sáu diễn viên chính, đạo diễn Akira Kurosawa đã tạo ra một tác phẩm để lại dấu ấn vĩnh cửu trong nền điện ảnh thế giới.

Ngày 25/8/1950 được xem là cột mốc đặc biệt của điện ảnh Nhật Bản. Đó là ngày bộ phim Rashomon của đạo diễn Akira Kurosawa được công chiếu toàn quốc. Tác phẩm dài 88 phút này sau đó liên tiếp giành nhiều giải thưởng lớn, trong đó có Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 1951 cùng giải thưởng danh dự của Viện Hàn lâm tại Oscar năm 1952.

Bộ phim Rashomon như viên ngọc quý suýt bị bỏ quên
Bộ phim Rashomon như viên ngọc quý suýt bị bỏ quên

Phim dựa trên hai truyện ngắn của Ryunosuke Akutagawa là In a Grove Rashōmon. Trong lịch sử, Rashōmon là một cánh cổng nằm gần các thành phố Nara và Kyoto. Trong phim, đây là nơi trú mưa của một tiều phu (Takashi Shimura), một thầy tu (Minoru Chiaki) và một thường dân (Kichijiro Ueda). Người tiều phu và thầy tu bắt đầu kể về một vụ án mà họ cho rằng không thể tin nổi, bởi tình tiết mà ba người trong cuộc kể lại hoàn toàn khác biệt và mâu thuẫn.

Trước đó, người tiều phu phát hiện xác của một samurai (Masayuki Mori) trong rừng. Anh hoảng loạn và thông báo cho triều đình. Còn vị thầy tu là người cuối cùng thấy samurai khi còn sống - khi đó đang đi cùng vợ (Machiko Kyō). Họ đều được tòa triệu tập để tường thuật sự việc.

Ba góc nhìn của một vụ án

Nghi phạm hàng đầu được giải tới, đó là Tajōmaru (Toshiro Mifune) - một tên cướp khét tiếng vừa sa lưới pháp luật. Tajōmaru thừa nhận tội giết người và kể lại sự việc bằng giọng điệu hả hê. Hắn khai vì quá say mê sắc đẹp của vợ vị samurai nên muốn chiếm đoạt. Tajōmaru lừa người chồng vào rừng sâu, trói lại rồi cưỡng hiếp người vợ trước mặt anh ta. Sau đó, hai người đàn ông đã quyết đấu sòng phẳng và đầy nghĩa khí để giành quyền sở hữu cô vợ. Với võ nghệ cao cường, Tajōmaru chiến thắng và sát hại người chồng nhưng khi quay lại thì người phụ nữ đã trốn.

Lời khai của người vợ lại hoàn toàn khác. Theo cô, sau khi cưỡng hiếp, Tajōmaru đã bỏ đi. Người chồng chẳng nói lời nào với cô nhưng tỏ ra khinh bỉ người vợ đã thất tiết. Người vợ sợ hãi ánh nhìn đó đến mức ngất đi, vô tình đâm dao vào ngực chồng. Sau đó, cô đã tự tử nhiều lần nhưng không thành.

Với hai lời khai mâu thuẫn, tòa án quyết định triệu tập một bà đồng để thỉnh vong hồn vị samurai. Tuy nhiên, cuộc điều tra thêm bế tắc khi người quá cố lại kể một câu chuyện khác. Theo đó, sau khi bị cưỡng hiếp, cô vợ đồng ý trốn theo tên cướp và còn bảo hắn giết chồng. Tên cướp không chấp nhận lời đề nghị trái đạo nghĩa nên đã xô người phụ nữ ngã xuống và hỏi vị võ sĩ là nên tha hay giết cô vợ phản bội. Giữa tình thế đó, cô vợ bỏ trốn rồi tên cướp cởi trói cho vị samurai. Quá đau lòng vì sự phản bội, anh đã tự sát trong rừng.

Những giá trị của phương Đông bắt đầu được các nhà làm phim Âu - Mỹ chú ý sau chiến thắng của Rashomon tại Liên hoan phim Venice
Những giá trị của phương Đông bắt đầu được các nhà làm phim Âu - Mỹ chú ý sau chiến thắng của Rashomon tại Liên hoan phim Venice

Khi cơn mưa bao phủ cổng Rashōmon ngày càng nặng hạt, đạo diễn Akira Kurosawa dẫn người xem vào lớp sương mù của tình tiết. Cả ba người đưa lời khai khác nhau và đều nhận đã ra tay. Lời khai của người thứ tư được kể ra, nhưng liệu có chân thực hơn của những kẻ trước đó?

Bộ phim về nhân tính

Trên nền câu chuyện, Kurosawa quan tâm đến câu hỏi về nhân tính thay vì cố đưa đáp án chính xác về hung thủ. Giống như lời của một nhân vật, con người có khuynh hướng nói dối, kể lại sự việc theo hướng có lợi cho mình. Do đó, sự thật qua lời con người là một điều hoàn toàn chủ quan. Bằng tình huống của ba người trong phim, đạo diễn lần mở lý do tại sao họ phải nói dối.

Tajōmaru, một tội phạm khét tiếng, biết mình chẳng có cơ hội toàn mạng khi đã sa lưới luật pháp. Vì thế, hắn cố chứng tỏ mình là một cường tặc võ nghệ siêu quần và trọng danh dự. Vợ người võ sĩ cố xây dựng hình ảnh là một phụ nữ chung thủy, bị chồng khinh bỉ. Còn trong câu chuyện của vị samurai thì anh là người bị hại, phản bội và tự sát để bảo toàn khí tiết.

Từ góc nhìn của kẻ thứ tư, cả ba người trong vụ án đều không đẹp đẽ như họ tự kể. Nhưng chính người kể chuyện này cũng giấu đi những tình tiết bất lợi cho bản thân. Con người luôn tô vẽ chính mình và tạo ra vỏ bọc dù biết rõ sự thật. Điều đó khiến vị sư dần lung lay niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Tuy nhiên, kịch bản được xử lý tài tình ở đoạn cuối để Rashomon không chỉ có một gam màu xám. Đâu đó, cái thiện vẫn tồn tại giữa nhân loại. Đứng trước sự suy đồi của xã hội, có người ngả theo nhưng cũng có người chống lại nó. Như cánh cổng Rashōmon một bên nham nhở và hư hại, một bên vẫn đường hoàng và tươm tất. Cảnh cuối phim để lại hy vọng và cảm giác hướng thiện cho người xem, sau hơn 80 phút trong mê cung của đạo đức và những câu hỏi. 

"Sự thâm trầm đặc trưng của người Nhật là dấu ấn xuyên suốt bộ phim. Dù kết cục vụ án chưa sáng tỏ, bộ phim vẫn tạo cảm giác trọn vẹn.

Kurosawa đã gửi gắm hàng loạt câu hỏi để khán giả phải suy nghĩ hồi lâu sau khi phim kết thúc. Ông cũng truyền tải nhiều nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản như cầu hồn, vẽ lông mày phụ nữ, đặc biệt là tinh thần trọng danh dự, có khi quan trọng hơn cả tính mạng.

Vị đạo diễn tạo ra một bộ phim lớp lang như vậy chỉ với sáu diễn viên chính và ba bối cảnh quan trọng (khu rừng, công đường và cánh cổng). Dù vậy, tác phẩm không thiếu những kỹ thuật điện ảnh bậc thầy và khiến nhiều thế hệ sau học tập. Cú máy đầu phim, theo chân người tiều phu vào rừng và phát hiện xác chết, được xem là kinh điển trong việc tạo kịch tính và ẩn ý. Ở một cảnh khác, người phụ nữ được đặt trong khung hình ở vị trí giữa hai chân người đàn ông, ẩn dụ cho sự lệ thuộc của nữ giới vào nam giới trong thời phong kiến.

Akira Kurosawa khéo linh hoạt thay đổi phong cách phim để tương ứng với từng lời khai. Câu chuyện từ góc nhìn của tên cướp mang chất phiêu lưu, nghĩa hiệp. Phần của người vợ đầy da diết với nỗi đau phụ nữ, còn chuyện của samurai tràn ngập khí tiết của tầng lớp này. Câu chuyện thứ tư lại mang chất hiện thực, thậm chí hơi hài hước khi cả ba nhân vật đều kém cỏi hơn thứ họ tự nhận.

Rashomon không thể thành công đến thế nếu thiếu đi những màn diễn xuất ấn tượng. Do câu chuyện được kể dưới nhiều góc nhìn, mỗi diễn viên phải bộc lộ nhiều cá tính khác biệt, ví dụ như người vợ đầy đức hạnh trong câu chuyện của mình lại trở thành người xấu qua lời vị samurai. Tài tử Masayuki Mori, trong vai vị samurai, có ánh nhìn lạnh lùng gây kinh hoàng trong lời kể của cô vợ. Còn Machiko Kyō, trong vai người vợ, có cảnh diễn bùng nổ đầy nội lực trong lời khai thứ tư. Các diễn viên còn lại cũng đều xuất sắc và tạo nên một bữa tiệc diễn xuất, đưa khán giả qua đủ cung bậc cảm xúc.

Bộ phim khiến phương Tây phải tôn trọng người Nhật

Tác phẩm của Kurosawa có số phận đặc biệt khi suýt chút nữa đã bị bỏ quên. Khi ra mắt trong nước, phim bị giới phê bình Nhật Bản chê bai và cũng không quá ăn khách. Trước thềm Liên hoan phim Venice năm 1951, bà Giuliana Stramigioli - một người chuyên nghiên cứu về Nhật Bản - đã giới thiệu tác phẩm này tham gia sự kiện. Dù hãng phim từ chối vì cho rằng nó không đủ hay, ban tổ chức vẫn quyết chọn Rashomon.

Trailer phim Rashomon: 

 

Tại liên hoan phim, Rashomon vẫn chưa thật sự được coi trọng bởi điện ảnh Nhật khi đó còn mờ nhạt ở tầm thế giới. Nhưng, những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử khi Rashomon thắng giải cao nhất của Venice. Hơn nữa, thành công của bộ phim khiến phương Tây thay đổi ý kiến và dần kính trọng điện ảnh Nhật Bản.

Hàng loạt tạp chí và cây bút chọn Rashomon vào danh sách phim hay nhất mọi thời. Tác phẩm trở thành ví dụ kinh điển về cách trình bày một ý tưởng triết học mà vẫn mang đến câu chuyện màn ảnh hấp dẫn. Cụm từ “hiệu ứng Rashomon” được dùng rộng rãi để mô tả một sự kiện có những cách giải thích khác nhau từ những người liên quan. Bản thân đạo diễn Akira Kurosawa cũng được yêu thích và đến giờ vẫn được công nhận là một trong các nhà làm phim vĩ đại nhất mọi thời. 

Ân Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI