Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Làm phim lịch sử đừng mô phỏng sách sử

07/07/2022 - 05:59

PNO - Bảy năm sau bộ phim truyền hình dài tập Đường lên Điện Biên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mới trở lại màn ảnh nhỏ với tác phẩm Bình minh phía trước (10 tập), kể về cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Nhân dịp phim được phát trên VTV1 lúc 8g5 từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, kể từ ngày 6/7, nhằm kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022), đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã có những chia sẻ xung quanh bộ phim này, cũng như chuyện làm phim đề tài lịch sử.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (trái) trên trường quay phim Bình minh phía trước
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (trái) trên trường quay phim Bình minh phía trước

Phóng viên: Bình minh phía trước là một bộ phim đặt hàng, đề tài lịch sử, kể chuyện “người thật việc thật” - ba yếu tố rất “khó nhằn”. Từng làm những phim điện ảnh dạng này, hẳn anh có nhiều kinh nghiệm khi nhận lời? 

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Đây là phim thứ ba thể loại chân dung tôi làm. Trước đó, tôi đã làm Những người viết huyền thoại nói về tướng Đinh Đức Thiện và Thầu Chín ở Xiêm về Nguyễn Ái Quốc. Từ thời còn sinh viên, tôi đã bán được kịch bản. Tôi viết nhiều, nhất là về vấn đề lịch sử, vấn đề con người và thời đại. Việc viết như là thói quen, là đam mê. Sau này dù làm bất kỳ phim nào, tôi cũng bung kịch bản của biên kịch ra, viết lại kịch bản đạo diễn rất kỹ. Tôi cho đó là một thói quen tốt.

Phim này cũng vậy, tôi mất thời gian xây dựng đề cương, còn viết kịch bản lại rất nhanh. Nhờ có thời gian dài nghiên cứu cổ văn, nên việc viết thoại xưa với tôi cũng đơn giản. Bối cảnh thì lựa mà dựng, không phải chọn cảnh là có thể quay được. Họa sĩ thiết kế cũng phải bỏ vào đấy nhiều công phu. Các khâu phục trang, hóa trang cũng vậy. COVID-19 hoành hành thì lựa mà làm. Chúng tôi chủ động trong sản xuất, tính toán kỹ lưỡng thì tránh được những rủi ro không đáng có.

* Làm phim về các chính khách lãnh đạo có đặc thù gì không thưa anh, nhất là khi phim ảnh thì buộc phải hư cấu, mà với chân dung lãnh tụ thì không thể “phạm thượng”?

- Phim chân dung thì có bài bản, rồi cứ vậy mà làm. Tôi hiểu và trung thành với nhân vật, không tô vẽ ngụy trá. Tất cả mốc của cuộc đời ông là thực, phải giữ nguyên. Tham khảo thêm các chi tiết, sự kiện diễn ra cùng thời để tra chéo và kết nối các sự kiện. Các nhân vật trong gia đình cũng vậy, không cần thêm bớt thì sự thật cũng đủ hay rồi. Tuy nhiên, tôi có rất nhiều nhân vật hư cấu ở làng xóm, trong trường học và ngoài xã hội… để tạo xung đột, kịch tính, làm mềm đi những yếu tố khô cứng mà các phim về đề tài này hay mắc phải.

Ngoài ông và gia đình ông, những nhân vật còn lại hầu hết đều là hư cấu. Tôi bỏ công phu vào họ, cả nhân vật thật hay nhân vật hư cấu, bằng chi tiết văn hóa, bằng tính cách, bằng tầm tư tưởng, bằng hơi thở thời đại của họ sao cho hòa quyện, có ý có tầm.

Diễn viên trẻ Thanh Tuấn vào vai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Diễn viên trẻ Thanh Tuấn vào vai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

* Vậy chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sẽ được khắc họa như thế nào trên phim?

- Khi nghiên cứu về hình tượng Nguyễn Ái Quốc cho phim Thầu Chín ở Xiêm, tôi có nhiều tư liệu về các nhân vật lịch sử thời kỳ này, trong đó có tư liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ông là một người tinh hoa phát tiết ra từ rất sớm. Giữa những anh tài chính trị xã hội cùng thời, năm 26 tuổi, ông đã trở thành Tổng Bí thư. Thời ông chính là thời điểm mà triết học Ánh sáng của Tây phương du nhập vào Việt Nam, cùng với các trào lưu dân chủ từ Pháp quốc lan rộng và gây ảnh hưởng nhiều tới xứ Đông Dương thuộc địa.

Hành trình tái hiện tuổi trẻ của Nguyễn Văn Cừ

Mạch truyện chính của phim bắt đầu từ cuộc sống của nhiều giai tầng ở một làng quê thời loạn vùng Kinh Bắc, khoảng giữa thập niên 20 thế kỷ trước. Khi người dân khắp nơi đang lầm than trong cảnh một cổ nhiều tròng. Ngoài sự áp chế của quan quân Pháp, cơ binh triều đình, tàn quân nhà Thanh... còn có cả sự cướp bóc của thổ phỉ, nghĩa binh, nông dân bần cùng nổi loạn, trộm cướp quanh vùng...

Những điều đó tác động trực tiếp đến Nguyễn Văn Cừ, người thanh niên mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết và sáng láng. Mạch truyện phụ thứ nhất đi sâu vào những mối quan hệ gia đình, bằng hữu, gia tộc của họ Nguyễn và các thế lực khác ở làng Phù Khê - quê hương của Nguyễn Văn Cừ.

Mạch truyện phụ thứ hai khai thác tuyến nhân vật phản diện nằm ở phía những quan lại, cường hào ác bá, nhân sĩ chính tà, những người đồng trang lứa đã từng đi chung với nhân vật chính một đoạn đường, nhưng vì nhiều lý do mà thành kẻ thủ ác.

Ngoài ra, còn có những kẻ cơ hội, tham lam, hoặc là Việt gian, mật thám chạy song song với bản chất của cái ác, sự tàn bạo, vô cảm, đớn hèn và phản bội. Phim có sự góp mặt của các diễn viên Thanh Tuấn, NSƯT Hoài Hải, NSƯT Vũ Đình Thân, Phạm Anh Tuấn…

Những tài liệu dịch, công trình ông viết ra, nhất là việc phát triển và xây dựng các tổ chức xã hội ở địa bàn ông hoạt động, chứng tỏ sự uyên bác và kiến văn rộng rãi. Những tư liệu từ Pháp cho thấy ông là một thanh niên mạnh mẽ, giàu nghị lực và kiên trung. Tôi không cần khắc họa gì nhiều, lịch sử khắc họa ông đã đủ rồi. Bằng phong cách kể chuyện hiện đại, tôi không cố mô phỏng, minh họa một chân dung lãnh tụ lịch sử được ghi chép, mà thông qua khối mâu thuẫn xã hội đi sâu vào đời sống văn hóa, chính trị của thế giới nhân vật đang sống, từ đó hình thành lên chân dung của nhân vật chính.

* Với phim chân dung lãnh tụ, việc chọn diễn viên thủ vai chính không đơn giản, anh đã dụng công cho khâu này như thế nào? 

- Ngay từ khi viết kịch bản, tôi đã có ý tìm và phải đến một năm sau mới gặp. Thanh Tuấn được mời vì cậu ấy có tất cả thứ nhân vật cần và tôi hài lòng. Tôi thường có nhiều phương án cho những vai phụ, nhưng vai chính hoặc thứ chính thì không. Làm phim với nhau nhiều khi còn là cái duyên, gió tầng nào, mây tầng ấy. Tôi thích cách sống, làm việc, hóa thân vào nhân vật và nhân cách của cậu ấy.

* Xem trailer, khán giả cũng rất quan tâm sự trở lại của “ông cố vấn” Vũ Đình Thân, anh có thể chia sẻ về quá trình mời NSƯT Vũ Đình Thân tái xuất?

-Anh Vũ Đình Thân là một đạo diễn và rất lâu rồi không đóng phim nữa. Lúc đầu, tôi cũng gặp khó khăn với vai này, nhưng rồi tôi nhớ ra anh. Ngoài vẻ ngoài rất giống nhân vật, anh lại là một người anh lớn cùng làm việc chung một hãng. Tôi gọi điện và gửi kịch bản. Anh Vũ Đình Thân là diễn viên tiếng tăm, nhưng nếu thích vai, anh ấy sẽ tham gia ngay.

* Đã khá lâu anh mới trở lại làm phim truyền hình. Anh nhận thấy cách làm phim truyền hình hiện nay phải thay đổi như thế nào để phù hợp với nhu cầu thời đại của khán giả?

- Khán giả giờ có nhiều lựa chọn khi xem phim, rất nhiều phim điện ảnh với chất lượng hình ảnh tốt và âm thanh hay đã và đang trình chiếu trên các kênh network. Các gia đình cũng thường dùng những chiếc ti vi lớn với chất lượng hình ảnh và âm thanh rất cao, vì vậy tư duy làm phim sẽ cần phải thay đổi. Trong Bình minh phía trước, ngoài việc quay chất lượng hình ảnh 4K sử dụng bộ cine lens cho hình ảnh như phim điện ảnh, tôi cũng sử dụng cách kể với ngôn ngữ âm thanh và dựng phim gần với điện ảnh hơn. Điều này cũng là con dao hai lưỡi, nếu khán giả xem phim trên một hệ thống hình ảnh và âm thanh tồi. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta cứ giữ mãi lối mòn.

* Anh là số ít đạo diễn làm đều phim điện ảnh lẫn truyền hình mà phần lớn phim lấy đề tài lịch sử. Vì sao anh có hứng thú với dòng phim này? Anh nghĩ làm phim lịch sử có cần nhiều tiền không và nhiều tiền sẽ dễ dàng có phim hay không?

- Tôi cũng làm nhiều đề tài đương đại khác nữa chứ… nhưng tại các nhà sản xuất phim lịch sử hay mời thôi. Lịch sử thì luôn hấp dẫn tôi, vì vốn dĩ nó thường lạ và rất hay. Tất nhiên đừng làm phim mô phỏng sách sử, những thứ mà ai cũng biết. Mà phim lịch sử thì phải nhiều tiền rồi. Nhưng cũng phải biết cách làm chứ không phim sẽ rất kỳ. Làm đấy mà chưa chắc đã chiếu được.

* Cảm ơn anh. 

Hương Nhu (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI