Ra suối bắt cua...

17/05/2021 - 07:07

PNO - Những con cua chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái, chắc thịt nên cho ra những tảng riêu cua thơm, ngon đậm đà.

Tô bún riêu cua đặc biệt của quán bún gần nhà có giá gần 60.000 đồng, không bình dân, nhưng không hiểu sao, mỗi tháng, tôi đều đặn ghé một lần, gọi một tô, xì xụp, rồi nhẩm câu hát: "về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua". Người ta về đồng ăn, còn tôi, xuống suối.

Bún riêu
Cũng có thể là riêu nhưng cũng có thể là đĩa rau sống với bắp cải và xà lách xắt thật mỏng nhắc tôi về tô bún ngày còn nhỏ

Tôi sinh ra và lớn lên ở cao nguyên B'lao. Nơi có đất đỏ bạt ngàn, những ngọn dốc cao thấp và các con suối quanh năm cuồn cuộn chảy. Có suối thì có cá, có tôm, có cua... mỗi loại có số lượng khác nhau, cách bắt cũng khác nhau, thú vui cũng khác nhau nhưng cua hiếm, khó bắt nên khiến tôi nhớ nhất.

Tôi nhớ, mình từng đọc rằng vào tháng 8, khi nước lên, cua đồng rất nhiều. Cua đồng đào hang khiến ruộng bị mất nước, cắn lúa non, ảnh hưởng đến việc làm ruộng nên chủ ruộng ghét cua lắm. Thấy đám trẻ nào mang đồ đi bắt cua, không những không cấm mà còn chỉ chỗ có nhiều hang cua, chỉ cách bắt. Cua đồng, số lượng cũng nhiều nên chỉ cần thò tay xuống bụi lúa, đám cỏ hay dùng cây nhọn khoèo hang, là có. Nhưng cua sống ở suối thì khác.

1

Cua suối không quá nhiều như cua đồng. Cua suối lại núp trong những góc khuất của đá lớn, đá nhỏ ven suối. Những tảng đá có thể gỡ lên còn đơn giản, với những viên đá nhìn có vẻ nhỏ, nhưng phần ẩn dưới nước khá to, nặng, thì không dễ dàng. Vì thế, khi bắt cua suối, chúng tôi phải đi từng nhóm 4-6 người, đứa gỡ đá, đứa bắt. Cua suối không nhiều nhưng đứa nhanh tay, đứa lẹ mắt, non buổi chiều, chúng tôi cũng kiếm được kha khá cua và một ít tôm (thường những hang đá nhỏ nào có cua, cũng sẽ có tôm suối).

Mang cua về nhà đứa gỡ, đứa giã. Đứa này giã mệt, đứa khác thay chỗ, cứ thế, khi mẹ về nhà, cũng là lúc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, túa đi chơi. Hơn tiếng sau, mẹ gọi, nồi bún riêu cua với màu đỏ đẹp mắt của cà chua, của hạt điều màu khiến bụng đứa nào cũng đánh lô tô đã được bưng lên chiếc phản gỗ.

Mẹ tôi nấu rất khéo, mỗi tô bún đều chằn chặn một miếng riêu cua lớn hơn ngón tay cái, hai miếng cà chua bổ cau, hai miếng da heo mà chúng tôi lại có cảm giác như mình đang ăn trân phẩm mỹ vị. Thích nhất là miếng riêu cua, nhỏ xíu nhưng thơm, đậm, béo. Có miếng cắn đụng con tôm suối đã lột vỏ, dai, sần sật.

Sau lớn dần, thành "đầu bếp chính" trong nhà, tôi mới biết để làm được phần riêu cua như thế, mẹ đã phải trải qua hàng loạt công đoạn từ lọc bỏ bã, nấu sôi để lấy thịt cua, ép bớt nước thế nào, thêm bao nhiêu trứng; thịt để trộn cùng riêu phải là phần thịt nào; thêm bao nhiêu mắm tôm, nêm nếm thế nào...

Miếng riêu của quán bún riêu Đà Lạt gần nhà không thơm, ngọt như riêu mẹ hay tôi làm nhưng trong riêu cũng có những con tôm khô nhỏ xíu, cũng có mắm tôm, tiêu hạt... Cũng ăn kèm đĩa rau sống với bắp cải và xà lách xắt mỏng, điểm xuyết vài lá rau thơm. Khi ăn, ký ức về những ngày ngồi trên chiếc phản bằng gỗ, mỗi đứa ngóng cổ, nhìn mẹ thoăn thoắt múc tô bún riêu cho mình, thầm so sánh để phản ứng nếu mẹ múc tô nào nhiều hơn dù chỉ là vá nước dùng.

Quê tôi, giờ này, những con suối đã bị thu hẹp rất nhiều. Cua, cá và tôm cũng không còn nhiều. Trẻ con bây giờ không đi học thì ôm điện thoại thông minh, ôm tivi, những thú vui như chạy nhảy hay bắt cá, bắt cua không còn nữa. Vì vậy, miếng ngon ngày xưa chỉ còn trong ký ức của những người hay hoài niệm như tôi.

Quán bún riêu Đà Lạt, 113 Đặng Dung, Q.1, TPHCM.

Bài, ảnh: Uyên Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI