Ra mắt quỹ điện ảnh hỗ trợ nhà làm phim

28/04/2021 - 15:55

PNO - Các nhà làm phim Việt có cơ hội nhận 100.000 USD để làm phim. Đây là số tiền hỗ trợ hàng năm từ quỹ của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ.

Ngày 28/4, Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) ra mắt quỹ điện ảnh MPA APSA Academy.

Theo đó, quỹ này hàng năm sẽ dành cho bốn người có kịch bản hay, đang ở giai đoạn triển khai quan trọng. Danh sách những người được hỗ trợ sẽ được công bố tại lễ trao giải liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào ngày 11/11 tới.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên công bố ra mắt quỹ điện ảnh MPA APSA Academy hỗ trợ các nhà làm phim
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên công bố ra mắt quỹ điện ảnh MPA APSA Academy hỗ trợ các nhà làm phim

Dịp này, VFDA và MPA tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên theo hình thức trực tuyến bàn về việc phát triển điện ảnh Việt Nam thành nền công nghiệp mang tính bền vững và có tính cạnh tranh quốc tế.

Hội thảo thu hút một số chuyên gia, nhà làm phim nổi tiếng trong và ngoài nước như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh; Jay Roewe - Phó chủ tịch cấp cao của HBO/Warner Media, Freddie Yeo - Giám đốc điều hành hãng phim Infinite Studios (sản xuất phim Crazy Rich Asia), Esther PEH - Trưởng nhóm đối ngoại và luật pháp quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương…

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra ba khó khăn lớn gây trở ngại bước tiến của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Đó là thiếu cơ chế ưu đãi, rào cản thủ tục và vấn đề bảo vệ bảo quyền chưa được xem trọng. Trong đó chuyện bản quyền nhận được sự quan tâm nhất của những người tham dự.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó chủ tịch Công ty BHD - kể lại kinh nghiệm xử lý vi phạm bản quyền: “Dạo phim Cô Ba Sài Gòn bị livestream tại một cụm rạp ở Vũng Tàu, chúng tôi phải xuống tới Vũng Tàu làm việc với công an và người livestream. Kết quả người livestream bị phạt 15 triệu đồng. Phim hoạt hình Soul được BHD mua bản quyền phát trên ứng dụng Danet cũng xuất hiện trên các trang web phim lậu”.

Chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn tình trạng xâm phạm bản quyền, ông Yew Kuin Cheah - cố vấn chống vi phạm bản quyền truyền thông kỹ thuật số của hãng Walt Disney - cho biết: “Năm 2019-2020, ở Indonesia có 60% người dân từng xem các trang phim lậu nhưng sau khi các trang này bị chặn tỷ lệ này chỉ còn 20%”. Việc phát hiện và ngăn chặn ngay các trang web lậu được xem là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này hầu như không khả thi vì chặn trang này xuất hiện trang khác tên miền tương tự.

Hội thảo đưa ra thống kê gây giật mình về trang phimmoi.net và phimmoizz.net. Theo đó, số lượt truy cập hàng tháng hai trang này lần lượt là 69,3 triệu lượt và 25,38 triệu lượt. Trong đó hơn 98% người truy cập là từ Việt Nam.

Tại hội thảo, đạo diễn NGuyễn Quang Dũng thẳng thắn đề nghị bỏ kiểm duyệt để giúp điện ảnh VN phát triển
Tại hội thảo, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thẳng thắn đề nghị bỏ kiểm duyệt để giúp điện ảnh Việt Nam phát triển

Góp ý để đưa điện ảnh tiến lên thành nền công nghiệp, đứng ở góc độ đạo diễn làm phim, đạo diễn Charlie Nguyễn chỉ rõ ba yếu tố cụ thể: kể câu chuyện chính mình, đừng remake; có các trường lớp đào tạo mang tính thực tế, nghề học nghề; có hiệp hội kiểm soát bảo vệ các vấn đề lao động trong ngành làm phim.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thẳng thắn yêu cầu tiến tới bỏ kiểm duyệt để bảo vệ nguyên vẹn ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của người làm phim.

Còn theo đạo diễn Phan Đăng Di: “Phải đầu tư đúng mức cho khâu đào tạo và trả lương xứng đáng cho biên kịch vì điện ảnh Việt đang gặp vấn đề về kịch bản khiến khó tiến bộ”.

Hương Nhu

 

                                                                                                                                                  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI