Ra khỏi màn sương, đấu tranh cho luật tục bị biến tướng

20/07/2023 - 09:03

PNO - Từ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm, tốp 15 phim tài liệu xuất sắc tại giải Oscar lần thứ 95, 2023), Má Thị Di - nhân vật trong phim - trở thành người cất tiếng nói cho quyền tự do hôn nhân của phụ nữ vùng cao.

Ra khỏi màn sương là sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021-2030). Sự kiện vừa diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia chia sẻ của 2 mẹ con Châu Thị Say và Má Thị Di 

Là nhân vật trong bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương, Má Thị Di cũng trở thành người góp phần cất tiếng nói cho phụ nữ vùng cao  về nữ quyền - ẢNH: INTERNET
Là nhân vật trong bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương, Má Thị Di cũng trở thành người góp phần cất tiếng nói cho phụ nữ vùng cao về nữ quyền - ẢNH: INTERNET

Trong phim, Má Thị Di (dân tộc Mông, sống tại Sa Pa, Lào Cai) phải đối diện và phản kháng với luật tục “kéo vợ” truyền thống của đồng bào mình. Cô quyết liệt kháng cự. Mẹ cô - bà Châu Thị Say - cũng phải nhiều lần thương thuyết với gia đình nhà trai. Còn bà nội và ba Di cho cô bé tự quyền quyết định. Phim có kết thúc mở về con đường tự do của Di.

Khi xuất hiện tại tọa đàm Ra khỏi màn sương, Má Thị Di đã có chồng, lấy được người cô yêu và đang theo đuổi nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Cô được quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Điều này có được một phần nhờ có gia đình can thiệp và tôn trọng lựa chọn của Di, nhưng chính cô mới là người tự quyết cho tương lai và hạnh phúc của mình. Lời cô chia sẻ: “Chỉ cần tìm được người mình yêu thương, hiểu mình và cùng thực hiện ước mơ của mình” như một giá trị phổ quát cho tình yêu - hôn nhân mà phụ nữ mong ước. 

Trailer Những đứa trẻ trong sương:

 

Còn bao nhiêu “đứa trẻ trong sương” đang phải sống và đối diện với những va chạm, xung đột văn hóa giữa giá trị truyền thống và hiện đại? Bao nhiêu đứa trẻ vùng cao chỉ mới 14, 15 tuổi đã phải trở thành vợ, làm mẹ và bị tước mất cơ hội tìm kiếm, thực hiện những ước mơ của đời mình? Má Thị Di như một đại diện cất tiếng nói cho trẻ em vùng cao, đấu tranh cho những luật tục bị biến tướng. “Kéo vợ” (tiếng Mông là “hei pux”) vốn là một phong tục văn hóa có ý nghĩa lâu đời đối với đồng bào dân tộc Mông. Xưa, “kéo vợ” diễn ra trên cơ sở tự nguyện của các đôi và đó thậm chí là một phần nghi thức trong đám cưới của người Mông. Luật tục này còn tạo cơ hội cho các chàng trai nghèo có thể lấy được cô gái họ yêu, tránh được việc thách cưới quá cao của nhà gái. Nay, “kéo vợ” trở thành “bắt vợ, cướp vợ”, thậm chí đã có nhiều trường hợp tổ chức buôn người lợi dụng phong tục này để bắt phụ nữ và trẻ em gái miền núi.

Sự hiểu sai hoặc biến tướng của luật tục vốn là giá trị văn hóa bản sắc đã tạo nên hệ lụy trong chính cộng đồng dân tộc Mông và gây hiểu lầm cho các chủ thể văn hóa khác. Đặc biệt khi ngày càng nhiều clip bắt vợ, cướp vợ được đăng tải trên mạng xã hội, càng khiến cho cộng đồng có góc nhìn lệch lạc về phong tục văn hóa này. Sự mâu thuẫn giữa những hệ giá trị của cộng đồng đã tạo nên xung đột, va chạm giữa yếu tố truyền thống, bản sắc và hiện đại, hội nhập. Việc hiểu và thực hành sai lệch phong tục văn hóa đã tạo nên nhiều biến tướng, hệ lụy, phản văn hóa. 

Câu chuyện của Di như một diễn ngôn văn hóa cho nữ quyền của phụ nữ Mông thời hiện đại, đấu tranh và vượt lên những định kiến, luật tục được xem là truyền thống văn hóa lâu đời của đồng bào mình để tìm đến con đường tự do hôn nhân. Bộ phim Những đứa trẻ trong sương còn cho thấy một khía cạnh khác về hôn nhân - gia đình của văn hóa Mông: tảo hôn. Kéo vợ là phong tục, nhưng tảo hôn là hủ tục. Điều này cũng có thể được nhìn thấy ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số khác. Những đứa trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên đã lấy vợ lấy chồng. Đó là những đứa trẻ bị mắc kẹt trong hủ tục mà không có quyền hoặc chưa đủ nhận thức để phản kháng. 

Đạo diễn Hà Lệ Diễm từng chia sẻ khi phim ra mắt: điều cô mong muốn nhất là trẻ em vùng cao có thể tiếp cận với nhiều cơ hội học tập hơn, “bởi vì bầu trời ngoài kia rất rộng lớn”. Nhưng muốn được vậy, cần bắt đầu từ chính nhận thức của cộng đồng các dân tộc Mông nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung. Nhiều năm qua, rất nhiều cá nhân/tổ chức góp quỹ xây trường, nhà văn hóa, mở các dự án giáo dục, khuyến đọc… ở vùng cao đều có cùng mong cầu giúp trẻ em miền núi có điều kiện học tập tốt hơn, nâng cao nhận thức, có hiểu biết và sự tự tin, bản lĩnh để làm chủ cuộc đời. 

Má Thị Di và câu chuyện của cô như một tiểu tự sự của thế hệ mình, đang lan tỏa và được chia sẻ với cộng đồng. Sự cất tiếng ấy rất cần đến được với đồng bào nhiều dân tộc thiểu số, nơi vẫn còn nhiều phong tục truyền thống dần bị biến tướng, những hủ tục lạc hậu cần xóa bỏ.

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI