edf40wrjww2tblPage:Content
Quả táo châm ngòi một tranh giành giữa ba nữ thần: Hera - nữ thần tối cao - vợ thần Zeus, Athena - nữ thần Trí tuệ và Aphrodite - nữ thần Tình yêu. Cuộc chiến bất phân thắng bại ấy đã phải nhờ đến Paris, hoàng tử thành Troy phân định; để rồi nảy sinh biết bao âm mưu, xung đột dữ dội.
Bước ra khỏi thần thoại, trở về đời thực của hàng nghìn năm sau, “quả táo bất hòa” vẫn nằm trong tay ai đó, không phải phụ nữ.
Thế nào là đẹp? Ai xứng được ngưỡng mộ ngợi ca? Ai đáng bị phỉ báng, dè bỉu?
Hãy hỏi “Paris”!
Bằng không, những vẻ đẹp tự mang, tự khoác lên mình, sẽ lạc loài như một trò ảo tưởng.
Mới đây, một nhà văn nữ đã đăng lên trang cá nhân bức ảnh nude nghệ thuật của mình. Bức ảnh miêu tả một thể xác mà chị thực sự yêu quý, thực sự tự tin, khi đã vượt qua được nỗi sợ hãi một cơ thể bất hoàn hảo. Cùng với bức ảnh, chị kêu gọi phụ nữ học cách quý trọng và giữ gìn bản thân, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Lập tức, hàng trăm sự ngỡ ngàng, dè bỉu, phê phán đổ ập lên chị. Nhiều người đàn ông miệt thị chị như một người đàn bà hư hỏng.
Đòn roi từ phái khác vốn chẳng lạ gì, khi trong thế giới của chúng ta, cái đẹp đã trở thành danh hiệu được (họ) ban phát; và “đẹp theo cách của mình” trở thành một trò chơi mạo hiểm, sống còn. Ngọt ngào từ quả táo vàng khắc tên danh hiệu cũng dễ dàng vụt hóa đắng cay. Nhưng, điều lạ lẫm, bất ngờ và nặng nề hơn cả trong câu chuyện này, lại là sự đồng tình được nhiệt liệt thể hiện qua những chỉ trích, châm biếm, chế giễu, thậm chí là chà đạp, bài trừ của những-phụ-nữ-khác. Họ nhiệt tình luận tội “người đàn bà đăng hình”, và lý giải cho những hành vi bạo hành của những “nhân vật” nam - như một cái giá đích đáng - đối với một hành động ô uế, lầm lạc.
Rốt cùng, điều gì đáng tự hào, điều gì phải che giấu? Chính phụ nữ cũng hoang mang, bất đồng trong cái nhìn về mình.
Cũng mới đây, một cô gái khá nổi tiếng trong cộng đồng bạn gái trẻ trên facebook đã chia sẻ ý kiến về việc hành kinh của phụ nữ. Cô chống lại những quan niệm xem đó như một sự cấm kỵ, một chuỗi ngày nhơ nhớp và xấu hổ của nữ giới; cô bất bình trước những người đàn ông đã không biết thông cảm, trân trọng mà xem điều đó như một cái gì hạ đẳng, xui xẻo. Nhiều người đã xúc động trước suy nghĩ tế nhị và gợi mở từ cô, song cũng không ít ý kiến cho rằng cô phần nào ngụy biện cho những phụ nữ đuểnh đoảng đã vô tình cho người khác biết mình đang hành kinh. Bởi, theo họ, ý tứ, kín đáo vốn là phẩm chất quan trọng làm nên giá trị người phụ nữ.

Quả thực, câu chuyện kinh nguyệt, chuyện “thể xác kín đáo”, hay còn vô số vấn đề khác nữa, hãy còn là những cấm kỵ được tạo nên để gìn giữ hình tượng nữ giới - như một trách nhiệm. Trách nhiệm ấy vượt lên cả sở thích, ý muốn hay sự tồn tại tự nhiên của một con người. Trách nhiệm ấy đã được hàng loạt phụ nữ tự áp vào mình, để rồi, qua thời gian, nó biến thành một món trang sức, một dấu hiệu giá trị, dấu hiệu quyền lực từ lúc nào không hay. Trách nhiệm ấy, là những chuẩn mực nhìn phụ nữ từ giới bên kia - giới nam. Và, có khi nào, chính việc phụ nữ tự sử dụng những chuẩn mực của đàn ông để định đoạt lẫn nhau, định đoạt chính mình đã tạo điều kiện cho không ít đàn ông xem phụ nữ như một “vật sở hữu”, “vật dưới quyền”, một hiện tượng “giải trí, mua vui”?
Mà, khoan hãy nói thêm về cái đẹp trừu tượng mang màu sắc nhân cách, đức hạnh; ngay cả chuyện đẹp-không đẹp thuần túy bề ngoài cũng đã dấy lên một cuộc “ẩu đả” nghiệt ngã. Khi vừa đăng quang hoa hậu Việt Nam, Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã tới tấp nhận những lời phán xét, chê bai, phỉ báng nhan sắc từ một đám đông phụ nữ hung dữ một cách hùng hồn. Câu chuyện “xứng đáng” hay “không xứng đáng” lại nối dài bất tận như cuộc chiến giữa các nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, hay bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào trên trái đất này.
Rốt cuộc, cái đẹp nào đó của một người phụ nữ, đã bị chính những người phụ nữ khác áp đặt lên các chuỗi quy chiếu, đã bị soi mói như một món hàng và nhận chịu bao nhiêu cay đắng, khắc nghiệt. Vấn đề không còn là đẹp-xấu, vấn đề là, phụ nữ, họ đã tự quay lưng đàn áp mình ra sao, đã đồng lòng đàn áp đồng loại mình thế nào, đã tự xem nhan sắc là một món hàng để định giá và đánh giá, vậy, huống gì đàn ông không tiếp tục… hưởng ứng?
Cuối cùng, sự tìm kiếm cái đẹp hồn nhiên của phụ nữ còn quá chông gai; bởi con đường từ cái đẹp tự nhiên đến cái đẹp-được-thừa-nhận còn cách nhau quá xa. Chúng ta không trách Kỳ Duyên với câu trả lời ứng xử đề cao sự hy sinh như phẩm chất phụ nữ Việt. Chúng ta trăn trở về sức mạnh của những cái-đẹp-được-thừa-nhận trong cuộc đời của những người phụ nữ. Chủ đề “hy sinh như một phẩm chất” đã là bóng ma ám ảnh, hằn sâu vào vô thức biết bao thế hệ người Việt. Nó đã được mặc định trở thành một “đức tính nữ” truyền đời, một tấm bảng trang trí ghi mấy chữ “công dung ngôn hạnh”, “tam tòng tứ đức” mà nhiều phụ nữ khư khư giữ trong mình như một niềm hãnh diện về giới.
Khi những danh hiệu, những cái-đẹp-được-thừa-nhận đã đi vào tâm thức người nữ nhuần nhuyễn đến nỗi họ tự ám thị rằng nó là một phần bổn phận, một nghĩa vụ tồn tại và đặc biệt hơn cả, là một giá trị nhân phẩm; thì những nét đàn bà nguyên sơ trở thành điều cấm kỵ cũng là điều dễ hiểu. Và cứ thế, họ tự “kiểm duyệt” mình, và rốt ráo “kiểm duyệt” nhau.
Quả thực, trong mọi cuộc tranh luận như trên, quả táo vàng đã được trao vào tay Paris mất rồi...
 Đòn roi từ phái khác vốn chẳng lạ gì, khi trong thế giới của chúng ta, cái đẹp đã trở thành danh hiệu được (họ) ban phát; và “đẹp theo cách của mình” trở thành một trò chơi mạo hiểm, sống còn. Nhưng, điều lạ lẫm, bất ngờ và nặng nề hơn cả trong câu chuyện này, lại là sự đồng tình được nhiệt liệt thể hiện qua những chỉ trích, châm biếm, chế giễu, thậm chí là chà đạp, bài trừ của những-phụ-nữ-khác. |
MINH TRÂM