K-pop và chiến lược “vũ trụ nội dung”

19/07/2025 - 06:29

PNO - K-pop giờ đây không chỉ dừng lại ở âm nhạc. Với các công ty giải trí lớn như SM Entertainment, mỗi nhóm nhạc, mỗi MV, mỗi lần ra mắt sản phẩm mới đều nằm trong một “vũ trụ” được xây dựng bài bản và kết nối chặt chẽ.

K-pop không chỉ để nghe

SM Entertainment - công ty đứng sau những cái tên đình đám như EXO, Red Velvet, aespa… - là đơn vị tiên phong theo đuổi hướng đi này. Từ cách đây khá lâu, SM đã không chỉ sản xuất âm nhạc mà còn xây dựng thế giới riêng cho từng nhóm nhạc, tạo nên các nhân vật, bối cảnh, câu chuyện… liên hoàn.

Đơn cử như aespa - nhóm nữ thế hệ mới của SM. Vừa ra mắt, nhóm đã được giới thiệu tồn tại giữa 2 thế giới thực và ảo, nơi mỗi thành viên tương tác với bản sao kỹ thuật số của mình trong không gian mạng mang tên KWANGYA. Trước đó, EXO cũng được xây dựng với mô típ siêu năng lực. Mỗi thành viên đại diện cho một nguyên tố (băng, lửa, ánh sáng…). Các sản phẩm của EXO là âm nhạc mạnh mẽ, đồng thời mang nội dung về khả năng siêu năng lực của từng thành viên.

Nhóm aespa với MV Supernova được đánh giá cao bởi hình thức độc đáo, theo mô típ phim khoa học viễn tưởng - Nguồn ảnh: SM Entertainment
Nhóm aespa với MV Supernova được đánh giá cao bởi hình thức độc đáo, theo mô típ phim khoa học viễn tưởng - Nguồn ảnh: SM Entertainment

Chiến lược trên được gọi là SM Culture Universe (SMCU) - một vũ trụ văn hóa xoay quanh thần tượng, nơi mọi sản phẩm âm nhạc, hình ảnh, phim ngắn… đều có mối liên kết với nhau, tạo nên một “vũ trụ” độc đáo. Đây cũng là lý do người hâm mộ K-pop hiện nay không chỉ nghe nhạc mà còn xem MV, đọc truyện tranh, mua vật phẩm, chơi game, tham gia vũ trụ ảo hoặc những buổi live stream theo nội dung được dựng sẵn. Mỗi nhóm nhạc không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn mà còn là nhân vật trong một câu chuyện.

Phát triển hệ sinh thái nội dung từ nhạc

Việc xây dựng vũ trụ nội dung vừa tạo độ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ cho từng nhóm nhạc, vừa mở ra khả năng phát triển IP (sở hữu trí tuệ) đa dạng, từ game, webtoon, phim hoạt hình đến thời trang, mỹ phẩm. SM không đơn thuần sản xuất âm nhạc mà đang kể chuyện. Bên cạnh SM, các công ty khác như HYBE (công ty quản lý BTS) hay JYP cũng đang phát triển hướng đi tương tự, nhưng SM được xem là đơn vị khởi xướng và có hệ thống lý thuyết rõ ràng, từng bước kết hợp các yếu tố công nghệ như AI, hình ảnh ảo, sân khấu thực tế ảo để hoàn thiện thế giới kể chuyện của mình.

K-pop đang bước vào giai đoạn mới: không thuần túy là một thể loại âm nhạc mà là cả một hệ sinh thái nội dung, nơi người hâm mộ vừa nghe nhạc, vừa xem, vừa “sống” trong câu chuyện. Chiến lược này đang mở ra nhiều cánh cửa mới cho K-pop: nơi phim hoạt hình, game, thời trang… đều có thể gắn kết chặt chẽ qua một vũ trụ chung. Bộ phim hoạt hình K-pop Demon Hunters (Thợ săn quỷ K-pop) do Netflix và Sony Pictures sản xuất là minh chứng rõ ràng cho tầm ảnh hưởng của K-pop dưới dạng vũ trụ nội dung.

Hoàng Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI