Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai: Linh hoạt theo từng địa phương

19/07/2025 - 10:15

PNO - Bộ GD-ĐT vừa tổ chức hội thảo tham vấn về giải pháp triển khai đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo với sự tham dự của đại diện các sở GD-ĐT, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Trần Hiệp

Tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Kết luận 91 của Bộ Chính trị. Đây là mục tiêu dài hạn, cần triển khai khẩn trương, không chờ đề án được ban hành mới bắt đầu thực hiện.

Theo Thứ trưởng, để triển khai hiệu quả, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp lý, phát triển đội ngũ giáo viên có năng lực tiếng Anh, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới kiểm tra - đánh giá và tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy.

Ông nhấn mạnh: “Giáo viên phải giỏi, sử dụng thành thạo tiếng Anh thì mới có thể truyền cảm hứng, đào tạo được học sinh sử dụng ngôn ngữ này”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ cho rằng, các địa phương cần có “3 tốt”: người dạy có năng lực tốt, người học có nhận thức tốt và môi trường học tập tốt. Cần Thơ đã linh hoạt sử dụng giáo viên bản ngữ và liên kết với trung tâm tiếng Anh để tăng chất lượng dạy - học.

Đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An, ông Nguyễn Tiến Dũng đề xuất: các chính sách cần linh hoạt, có lộ trình rõ ràng, phù hợp với điều kiện địa phương, không cứng nhắc. Đồng thời, cần mở rộng cơ chế liên kết, hợp tác với tổ chức trong và ngoài nước để triển khai hiệu quả.

Về phía TPHCM, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết: thành phố đã tích cực đưa tiếng Anh vào các môn học như toán, khoa học, triển khai thư viện tiếng Anh, kho học liệu điện tử, ứng dụng AI trong giảng dạy. Hiện có 68 trường học đã triển khai dạy các môn bằng tiếng Anh với người nước ngoài.

Trong khi đó, Sở GD-ĐT Đắk Lắk kiến nghị ưu tiên đào tạo giáo viên tại chỗ, thí điểm mô hình bồi dưỡng linh hoạt để đáp ứng điều kiện vùng khó. Đồng thời, xây dựng học liệu phù hợp với văn hóa - đời sống địa phương, tạo sự gần gũi, hứng thú trong học tập cho học sinh.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Thái Văn Tài, nâng cao năng lực ngoại ngữ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập, nhưng cần tầm nhìn chiến lược dài hạn và sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tiến sĩ Victoria Clark (Hội đồng Anh) nhấn mạnh: chính sách chỉ hiệu quả khi có sự đồng bộ giữa năng lực giáo viên, chương trình - phương pháp - đánh giá, sự đồng thuận xã hội và hệ thống giám sát chất lượng.

Hội thảo là một bước chuẩn bị quan trọng để Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện đề án trình Chính phủ, với tinh thần “địa phương nào sẵn sàng thì triển khai trước, làm đầu tàu cho các địa phương khác”, như Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI