Quá nhiều áp lực đối với giáo viên

17/10/2022 - 06:19

PNO - Áp lực nặng nề đến từ chuyên môn, sổ sách, từ chính dư luận và phụ huynh đang khiến tình trạng stress, trầm cảm trong giáo viên tăng cao.

Báo Phụ Nữ TPHCM đã phỏng vấn tiến sĩ Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục - về vấn đề này.

Phóng viên: Tình trạng căng thẳng tâm lý trong giáo viên đang tăng lên. Nhiều người cho rằng đó là một trong các nguyên nhân khiến nhiều giáo viên nghỉ việc. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Tiến sĩ Hoàng Trung Học: Theo nghiên cứu mới nhất của chúng tôi, giáo viên đang chịu rất nhiều áp lực, thể hiện bằng các chỉ số bên ngoài có thể đo đếm được. Khi sàng lọc bằng trắc nghiệm, chúng tôi thấy, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc, 35 - 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc, và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở giáo viên mầm non, sau đó lần lượt đến giáo viên bậc tiểu học, THCS và cuối cùng là THPT. Như vậy, dưới góc độ khoa học có thể thấy được áp lực bên ngoài đã chuyển hóa thành những dấu hiệu căng thẳng tâm lý bên trong ở giáo viên.

Vậy tình trạng căng thẳng đến từ đâu? Áp lực đầu tiên đến từ chính đặc trưng công việc. Giáo viên mầm non, tiểu học thì áp lực công việc càng lớn. Giáo viên mầm non có khi phải làm việc đến 12 tiếng/ngày, không có thời gian nghỉ trưa. Giáo viên THCS và THPT lại gặp những áp lực đến từ chính học sinh và chuyên môn. Học sinh bây giờ thái độ và tinh thần hợp tác, tiếp nhận giáo dục khác ngày xưa nhiều. Điều này ảnh hưởng đến đam mê nghề nghiệp và gây áp lực cho giáo viên.

Không chỉ vậy, giáo viên cũng đang chịu quá nhiều sức ép từ các loại giấy tờ, sổ sách, họp hành, tập huấn, thành tích… Nhiều cuộc thi mang nặng tính “trình diễn”, ví dụ hội thi giáo viên dạy giỏi, cũng góp phần gia tăng áp lực cho thầy cô. Chúng tôi vẫn nói nếu như thầy cô dạy tiết nào cũng như trong hội giảng dạy giỏi thì chất lượng giáo dục đã khác xa rồi. Thực tế thì mỗi giáo viên dạy được bao nhiêu tiết học “tròn trịa” như vậy? Những cuộc thi như thế không thực sự giúp củng cố hoạt động giáo dục thường xuyên, nhưng lại khiến giáo viên cảm thấy vô cùng mệt mỏi và áp lực.

* Ông đánh giá thế nào về áp lực của chương trình giáo dục mới đối với giáo viên?

- Việc thực hiện chương trình giáo dục mới như hiện nay cũng trực tiếp gây ra áp lực cho hai nhóm giáo viên. Trước hết là các thầy cô lớn tuổi, khó thích ứng cái mới, khó khăn trong áp dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy. Đối với nhóm giáo viên trẻ, mới vào nghề, họ không gặp vấn đề về khả năng thích ứng nhưng lại gặp áp lực “cơm áo gạo tiền”. Đặc biệt, với những người trẻ tuổi, nhu cầu vật chất có xu hướng gia tăng, khi họ thấy phải làm một loạt công việc áp lực, phức tạp với mức lương không đảm bảo, thì họ có thể lựa chọn bỏ nghề. Còn không, họ sẽ làm việc với một trạng thái ấm ức, khó chịu và đó là nguồn gốc sinh ra áp lực.

Giáo viên chưa được hỗ trợ những công cụ hữu hiệu để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục cũng là nguyên nhân gây ra áp lực. Hiện nay, chương trình, triết lý giáo dục mới hướng đến giáo dục học sinh bằng tình yêu thương, lấy học sinh làm trung tâm, cấm bạo lực… với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết giáo viên chưa có các công cụ nghiệp vụ để thực hiện tốt điều này. Phải dạy học sinh như thế nào theo triết lý mới? Phải kiểm tra, đánh giá học sinh như thế nào cho tốt nhất? Phải sử dụng những công cụ giáo dục nào để thực sự giáo dục bằng tình yêu thương, đặc biệt với những học sinh chống đối, chưa ngoan? Trước tình trạng này, giáo viên cảm thấy hoang mang, dẫn đến làm việc không hiệu quả, và nỗi lo sợ càng sáng tạo, càng đổi mới thì càng có nguy cơ làm sai. Vậy nên, nhiều người có xu hướng “tự vệ nghề nghiệp”, làm cho xong, thiếu cảm xúc tích cực trong công việc.

Ngày nay, áp lực cho giáo viên còn đến từ chính phụ huynh và xã hội. Nhận thức của phụ huynh về vai trò, vị thế của người thầy rất khác xưa. Đôi khi phụ huynh, dư luận không dành cho giáo viên sự trân trọng ở mức cần thiết. Tất cả những khó khăn trong triển khai chương trình mới và hàng loạt áp lực từ quản lý, phụ huynh, cộng với yếu tố lương thấp và giá trị xã hội thay đổi đã “đè nặng” giáo viên. Họ tự hỏi: Tại sao tôi phải làm một công việc khó khăn, không được coi trọng, không có công cụ để làm tốt mà đồng lương lại thấp? Như vậy, những áp lực bên ngoài đã chuyển hóa thành áp lực bên trong người thầy. Tôi cho rằng, con số 16.000 giáo viên bỏ việc trong một năm qua chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, là dấu hiệu bộc phát ra bên ngoài, là hệ quả ban đầu của những áp lực quá lớn mà giáo viên đang phải gánh.

* Quá nhiều áp lực và bất cập cho giáo viên, chúng ta nên bắt đầu tháo gỡ từ đâu, thưa ông?

- Để giải quyết áp lực cho giáo viên và giữ chân những giáo viên giỏi cần những giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài. Tôi vẫn cho rằng gốc rễ phải giải quyết cho giáo viên là vấn đề thu nhập. Họ phải đảm bảo được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Nếu không, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm. Một số giáo viên bán hàng online, làm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập chẳng có gì xấu, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Chúng ta đừng nghĩ mức lương trung bình 5-7 triệu đồng/tháng với giáo viên là cao. Bởi công nhân lao động phổ thông hiện nay đã 7-9 triệu đồng/tháng rồi. So sánh như vậy để thấy thu nhập của giáo viên thấp đến mức nào. 

Giáo viên và học sinh Trường THCS - THPT Lạc Hồng, Q.12, TP.HCM trong tiết học - ẢNH: P.T
Giáo viên và học sinh Trường THCS - THPT Lạc Hồng, quận 12, TPHCM trong tiết học - Ảnh: P.T

Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục phải ngồi lại với nhau, rà soát công tác quản lý giáo viên và cắt giảm hơn nữa những cuộc thi không cần thiết, những sổ sách hành chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm đang chi phối giáo viên. Hãy bỏ tất cả thủ tục nhiêu khê làm họ thêm mệt mỏi, để các thầy cô được thực sự dành thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một cách rất cụ thể các hướng dẫn, công cụ để giúp giáo viên thực sự nắm rõ và thực hiện tốt chương trình mới. Toàn bộ xã hội, truyền thông cần nhìn nhận, đánh giá và dành cho giáo viên sự tôn trọng nghề nghiệp ở mức độ cần thiết. Ghi nhận, trân quý người thầy cũng là cách để họ có động lực cống hiến. Cuối cùng, bản thân mỗi nhà giáo và nhà trường cũng phải làm công tác tư tưởng để xốc lại tinh thần, thay đổi tư duy làm giáo dục trong giai đoạn mới, ứng phó với những thách thức và khó khăn mới. Có nhận thức đúng những thách thức nghề nghiệp, có kỹ năng ứng phó, nhà giáo mới làm tốt công tác giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

* Xin cảm ơn ông! 

Một tuần giáo viên phải soạn cả trăm trang “kế hoạch bài dạy”

Hiện nay, với chương trình giáo dục mới, giáo viên phải soạn lại toàn bộ giáo án môn học dưới tên gọi “kế hoạch bài dạy”. Theo phản ánh của nhiều giáo viên THCS và THPT, với mẫu “kế hoạch bài dạy” theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì một bài dạy phải soạn hàng chục trang, với các phần rất máy móc và hình thức, yêu cầu liệt kê đủ loại kiến thức, năng lực, phẩm chất, kể cả liệt kê trang thiết bị dạy học. Mỗi hoạt động đều có các phần mục tiêu riêng, nội dung, sản phẩm, cách tổ chức hoạt động. Một “kế hoạch bài dạy” như vậy tốn rất nhiều thời gian, công sức của giáo viên nhưng mang nặng hình thức, không giúp phục vụ công tác giảng dạy. Chưa kể giáo viên vừa phải soạn giáo án theo hình thức PowerPoint trình chiếu để giảng dạy, vừa phải soạn bản Word để phục vụ công tác kiểm tra. Thực tế, nhiều giáo viên cho biết nếu bám sát “kế hoạch bài dạy” rườm rà như vậy thì sẽ luôn bị “cháy giáo án”, hơn nữa còn triệt tiêu sự sáng tạo, linh hoạt của thầy cô khi giảng dạy. 

Theo một giáo viên lớp Ba, đối với cấp tiểu học, mẫu “kế hoạch bài dạy” có đơn giản hơn nhưng một tuần cô cũng phải soạn đến 100 trang. Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học còn có sổ dự giờ, sổ chủ nhiệm, sổ báo giảng. Với giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng thì có thêm sổ kế hoạch tổ, biên bản, sổ theo dõi học sinh yếu kém và học sinh nổi trội, sổ chuyên đề… Tất cả những sổ sách này đều phải liệt kê chi tiết, chuẩn về hình thức để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá thi đua. Chưa kể gần như cuối tuần nào cũng đi họp tổ, họp hội đồng, họp chuyên môn trường, tập huấn…

Phương Thanh (thực hiện)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI