Gỡ khó cho tình trạng thiếu giáo viên dạy tích hợp

23/09/2022 - 09:04

PNO - Vừa qua, nhiều địa phương phản ánh để triển khai chương trình mới, các trường rất lúng túng khi dạy các môn tích hợp.

 

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc trung học cơ sở, lịch sử và địa lý sẽ được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý - Ảnh: Vietnam+
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc trung học cơ sở, lịch sử và địa lý sẽ được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý - Ảnh: Vietnam+

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho hay một trong những yêu cầu của chương trình mới là phải có đội ngũ giáo viên dạy tích hợp môn khoa học tự nhiên (lý - hóa - sinh) và môn sử - địa. Vừa qua, nhiều địa phương phản ánh để triển khai chương trình mới, các trường rất lúng túng khi dạy các môn tích hợp. Bởi thực tế hiện nay, giáo viên đều được đào tạo các môn riêng rồi qua tập huấn thêm để dạy tích hợp.

Từ khi chương trình mới ban hành, sở đã chủ động làm việc với các Trường đại học Sư phạm TPHCM và Trường đại học Sài Gòn để đặt hàng đào tạo giáo viên cho chương trình mới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giáo viên dạy tích hợp được đào tạo chính quy.

Ông Cao Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho biết, để chuẩn bị nguồn giáo viên dạy môn tích hợp, từ năm 2019, trường đã triển khai tuyển sinh và đào tạo môn tích hợp khoa học tự nhiên và sử - địa. Dự kiến khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp vào năm 2023, được khoảng 60 giáo viên cho môn khoa học tự nhiên và 40-50 giáo viên cho môn sử - địa.

Ông Võ Văn Thật - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn - cũng thông tin, đến năm 2019 mới có mã ngành sư phạm khoa học tự nhiên và sư phạm sử - địa. Trường chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mỗi môn 30 chỉ tiêu, dự kiến đến năm 2023, cả 2 môn này sẽ tốt nghiệp được khoảng 60 em. Trường cũng triển khai bồi dưỡng cho gần 5.000 lượt giáo viên để dạy các môn tích hợp, nên về cơ bản TPHCM không lo thiếu giáo viên giảng dạy chương trình mới. 

Đối với việc đào tạo giáo viên các môn tin học, ngoại ngữ, công nghệ, đại diện các trường cho rằng hằng năm số lượng tốt nghiệp đều đảm bảo nhu cầu. Tuy nhiên, đa phần sinh viên tốt nghiệp các ngành này không chọn đi dạy ở trường công lập bởi thu nhập thấp. Trong khi, nếu các em làm việc ở các công ty nước ngoài, trung tâm ngoại ngữ thì thu nhập rất cao, môi trường làm việc có thể phát huy được sở trường và đam mê.

Chẳng hạn, Trường đại học Sài Gòn mỗi năm đào tạo đến 700 chỉ tiêu ngành công nghệ thông tin nhưng nhiều sinh viên từ năm thứ 3 đã có công việc thu nhập cao. Do đó, nếu không có chính sách cho giáo viên các môn này thì có đào tạo đủ nhân lực vẫn không giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI