Quá chán nản một người chồng không biết chia sẻ kinh tế với vợ

06/09/2022 - 11:41

PNO - Phải chăng khi "làm mọi cách", rồi "nói nhiều lần", rồi "giận hờn", chị đã khiến anh ấy tổn thương, không muốn nói ra những khó khăn của mình nữa.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Cuộc sống hôn nhân nhạt nhẽo, hai vợ chồng không đồng cảm, tiền bạc mạnh ai nấy giữ. Tôi cảm thấy chán nản và muốn ly hôn sống một mình.

Tôi kết hôn được 15 năm, có hai con một trai 14 tuổi và một gái 8 tuổi. Tôi và chồng sống chung với nhau bên nhà mẹ tôi 10 năm. Suốt 10 năm đó, chi tiêu hàng tháng tôi đều trích lương gửi mẹ chỉ một khoản nhỏ. Còn lại bên nhà mẹ bao bọc tất cả.\

Lương chồng tôi làm ra ảnh tự giữ lấy, đất đai mẹ vợ cho hai vợ chồng tôi để có thêm thu nhập, ảnh cũng tự làm và thu hoạch cất túi riêng.

Chồng tôi không cho tôi biết lương anh ấy là bao nhiêu, bán cây trái trong vườn cũng cất riêng không nói cho vợ biết. Tôi hỏi thì ảnh nói mua phân thuốc hết rồi không có dư.

Chồng tôi là người chi tiêu tiết kiệm nên tôi cũng không gặng hỏi nhiều mà cho qua tới 15 năm. Ảnh dành dụm tiền cất nhà cho hai vợ chồng tôi ra ở riêng khoảng 5 năm.

5 năm ở riêng này, tôi vẫn phải bỏ tiền ra chi sinh hoạt hàng tháng, nuôi hai con. Tôi đã nói rất nhiều lần anh phụ một nửa số tiền hàng tháng với tôi, tiền thì anh phải công khai rõ ràng cho vợ biết. Tôi làm mọi cách nhưng chồng vẫn không đưa tiền hay công khai tiền bạc.

Những lần tôi đòi tiền, giận hờn, thì anh có tự mua đồ ăn, mua chút ít đồ trong nhà nhưng tuyệt nhiên không đưa tiền chi tiêu hàng tháng cho vợ.

Tôi cảm thấy uất ức nên cứ giận hờn. Anh thì cứ lầm lũi làm việc để dành tiền riêng, càng ngày anh ấy không muốn nói chuyện hay chia sẻ với vợ bất cứ điều gì.

Tôi đã chi tiền nhiều, làm nhiều việc để kiếm tiền nên tôi cảm thấy mệt mỏi. Những lúc tôi stress với công việc, gặp khó khăn bên ngoài, tôi chia sẻ anh ấy cũng lơ lơ, giống như sống mà không có nhiệt tình quan tâm chia sẻ với vợ con.

Về khoản quan hệ vợ chồng thì anh ấy vẫn bình thường, nhưng do tôi ức chế tiền bạc, thêm phần tôi nghĩ anh ấy không tôn trọng mình, nên tôi giận hờn anh ấy nhiều và chán nản muốn ly hôn.

Xin chị Hạnh Dung cho lời khuyên, tôi phải làm và thay đổi như thế nào mới đúng? Tôi cảm thấy mệt mỏi và hết cách. Tôi xin nói thêm anh ấy là người tiết kiệm (tiền bảo hiểm cho con không mua, nói là không có lời, con học thêm cũng không cho học, kêu ở nhà để tôi dạy, đám tiệc bên vợ thì kêu vợ tự đi đám). Mọi thứ tiền bạc tôi chi.

Riết tôi không còn tình cảm với anh ấy nữa, quá chán nản.

Phạm Thị Ngọc Nhung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Ngọc Nhung thân mến,

Việc gì cũng có sự bắt đầu của nó. Trước khi cưới, bắt đầu cuộc sống chung, anh chị có thỏa thuận thẳng thắn về vấn đề kinh tế trong gia đình hay không?

Anh chị từng có thời gian sống ở nhà mẹ chị, nên những điều như thế càng cần phải nói rõ ràng với nhau từ đầu. Ai có trách nhiệm như thế nào với các khoản chi tiêu, dành dụm trong sinh hoạt gia đình? Khi đã đề ra những thỏa thuận rồi thì mới tránh được những ấm ức, bực bội sau này.

Ông bà ta bảo rằng, trong đời con người có ba điều lớn lao nhất, khó khăn nhất để làm. Đó là tậu trâu, làm nhà và cưới vợ. Thời nay, việc làm một căn nhà bằng đồng lương công chức, theo Hạnh Dung hiểu, cũng là điều vô cùng khó khăn. Chồng chị chắc cũng có những cố gắng của anh ấy trong việc quyết tâm xây nhà, cho gia đình có chỗ ở riêng.

Khi anh ấy lầm lũi tiết kiệm tiền để xây nhà, chị có từng chia sẻ với anh ấy xem anh có khó khăn gì, phải nỗ lực như thế nào, tiết kiệm và dành dụm ra sao hay không? Và biết đâu, với một việc lớn như làm nhà, anh ấy còn phải vay nợ thì sao?

Cái cách chị miêu tả thái độ của chồng chị khiến Hạnh Dung có cảm giác rằng anh ấy cũng đã phải trải qua những ức chế nào đó về tâm lý: "lầm lụi, dành dụm tiền, là người tiết kiệm tiền". Có gì đó trong hình dáng người đàn ông chị kể là một sự cô đơn.

Phải chăng không chỉ chị thấy mệt mỏi, không người chia sẻ, thông cảm, mà chính chồng chị cũng như vậy? Phải chăng trong cái việc chị "làm mọi cách", rồi "nói nhiều lần", rồi "giận hờn", và có thể cả việc thể hiện muốn ly hôn... đã khiến anh ấy tổn thương, không muốn nói ra những khó khăn của mình? 

Hạnh Dung không hiểu hết được tính cách của vợ chồng chị, những gì đã xảy ra giữa hai người, và những cách chị đã làm, nên không thể đưa ra lời khuyên chị nên làm cách nào. Chỉ có thể có gợi ý nhỏ với chị: Hãy xem lại cách mình tiếp cận, thể hiện, đòi hỏi ở chồng.

Hãy tìm hiểu xem chồng có những khó khăn gì cần chia sẻ... Khi biết được vấn đề của chồng, chị mới có thể hiểu được mình cần làm gì để cả hai thật sự nương tựa vào nhau, mà không phải mỗi người lầm lũi một con đường của mình.

Thay vì gạn hỏi, yêu cầu anh phải đóng góp, giận hờn..., chị có thể có những cuộc trò chuyện theo hướng chia sẻ với chồng, nói về những khó khăn của mình, hỏi về những khó khăn của anh ấy, thể hiện mong muốn hai vợ chồng góp sức cùng nhau, người này hỗ trợ người kia. Hãy bàn bạc về những cách đóng góp, chi tiêu cho kinh tế gia đình xem khoản nào trong thu nhập của cả hai để chi tiêu, khoản nào để dành tích lũy... 

Hy vọng rằng với những cuộc trò chuyện thoải mái, hiểu biết, thông cảm, giải tỏa được những ấm ức của cả hai bên, chồng chị sẽ cởi mở và chia sẻ với chị hơn. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI