Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tình huống xấu nhất, chúng tôi đã dự tính tới 30.000 trường hợp bị nhiễm"

23/03/2020 - 11:31

Ngày 23/3, báo cáo tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ngày 23/3, báo cáo tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên tình hình đã có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu.

Theo Phó thủ tướng, chặng đường phía trước trong "cuộc chiến" phòng, chống dịch còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro, đòi hỏi các biện pháp phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phù hợp thực tiễn.

"Chúng ta cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong chống dịch, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng", Phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: VGP)
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP

Ngoài ra, Việt Nam cũng tranh thủ được sự chia sẻ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, ASEAN, các quốc gia trong phòng chống dịch bệnh. Một bài học kinh nghiệm khác đó là kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly- Khoanh vùng - Dập dịch và nguyên tắc "4 tại chỗ", điều trị phân tán.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh trong thời gian qua còn có những vấn đề cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm như công tác truyền thông có thời điểm, có nơi còn chưa thật tốt, gây hoang mang trong xã hội, như thời điểm xuất hiện ca bệnh thứ 17.

Việc quản lý, mua sắm, sản xuất vật tư, thiết bị còn không ít vướng mắc, chậm trễ do quá cứng nhắc trong áp dụng các quy định; có nơi chưa quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Việc điều chỉnh chương trình, thời gian, phương thức học (qua mạng) của học sinh còn chưa thật chủ động, thống nhất.

Cơ chế phối hợp liên ngành trong một số khâu, địa điểm, ví dụ tại sân bay còn chưa nhuần nhuyễn.

Phân tích tình hình mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiện tại đã có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần được lưu ý để có giải pháp cụ thể phù hợp. Việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp.

Do tình hình dịch và kể cả chính sách với người nước ngoài của các nước, nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị.

Ông Đam dự báo trong thời tới đây có thể sẽ phát hiện nhiều ca nhiễm mới, mỗi ngày có thể vài chục ca, nhưng nếu những ca đó phát hiện ở khu cách ly tập trung thì không đáng lo. Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ, với tinh thần là phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi, phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.

"Chúng tôi đã dự tính tới 30.000 trường hợp bị nhiễm. Chúng ta vào cuộc sớm, chủ động và đưa ra giải pháp sớm hơn, cao hơn so với khuyến nghị của WHO và các nước", Phó thủ tướng cho hay.

Người trở về từ nước ngoài được đưa đến khu cách ly tập trung.
Người trở về từ nước ngoài được đưa đến khu cách ly tập trung

Ngoài các giải pháp như đã thực hiện ở giai đoạn trước đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần phải tăng cường, chú trọng hơn các nhóm giải pháp là: Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.

Đồng thời, việc tăng cường năng lực xét nghiệm là rất cấp bách. Hiện ta đã chủ động được kit thử nhưng số lượng phòng xét nghiệm, máy móc, chuyên gia xét nghiệm còn rất ít so với các nước phát triển và so với yêu cầu.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của chính quyền, y tế cơ sở trong việc tiếp cận, tuyên truyền, hướng dẫn phân nhóm người dân thực hiện các biện pháp tự phòng dịch và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt chú ý nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật để có sự hỗ trợ y tế cần thiết tại chỗ.

An Vũ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • anhduong 25-03-2020 16:42:50

    30.000 người bị lây nhiếm, sẽ có 7% nguy kịch, nghĩa là Việt Nam cần 2100 máy thở, nếu dùng chung 2 người một máy thở thì cũng phải mất 1050 máy thở, vậy Bộ y tế đã chuẩn bị đủ máy thở chưa??? nếu chưa thì cần tự sản xuất chứ không ngồi chờ nhập khẩu, vì bầy giờ đến cuối năm nay làm gì có hàng mà mua?. Nên khuyến khích những người đã khỏi hiến máu để lọc lấy huyết tương chữa trị cho những ca nguy kịch, nên trữ phổi của những người bị tai nạn giao thông đã chết não... để thay phổi cho những ca nguy kịch ngay từ bây giờ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI