Phim về thần tượng: Không thắng nhờ fan

17/11/2018 - 06:00

PNO - Đối với phim về thần tượng, lượng 'fan cứng' luôn là yếu tố giúp phim có niềm tin về mặt doanh thu, nhưng điều đó không quyết định thành công chung cuộc.

Phim thần tượng ‘ăn theo’ fan

BTS – nhóm nhạc nam thành công nhất của K-pop vừa ra mắt bộ phim tài liệu Burn the Stage (tạm dịch: Sân khấu ánh sáng). Đúng như dự đoán, không chỉ tại Việt Nam, trên khắp các quốc gia có Burn the Stage ra rạp, vé bán tại chỗ và lượng đặt trước hết veo trong thời gian ngắn.

Burn the Stage sản xuất theo hình thức phim tài liệu, ghi lại chuyến lưu diễn The Wings năm 2017 của BTS. Chuyến lưu diễn đầu tiên nhưng thu hút hơn 550.000 người hâm mộ tại 19 thành phố trên khắp thế giới với 40 đêm nhạc. Trong phim, ngoài những hình ảnh hậu trường sẽ có thêm phần dẫn chuyện của nhóm trưởng RM và các đoạn phỏng vấn ngắn với từng thành viên: Jin, Suga, J-Hope, Jimin, V, Jung Kook và RM.

Phim ve than tuong: Khong thang nho fan
Hình ảnh trong phim Burn the Stage

Đây không phải là lần đầu tiên BTS ra mắt dạng phim tài liệu về hoạt động của nhóm. Vào tháng 3/2017, BTS thực hiện 8 tập phim tài liệu chiếu trên YouTube nhằm để người xem và ARMY (tên fan club của BTS) hiểu rõ hơn về nhóm. Đạo diễn Park Jun Foo, người thực hiện Burn the Stage cũng khẳng định về bản chất, bộ phim là phiên bản mở rộng của chuỗi video xuất hiện trên YouTube trước đó nhưng được chọn lọc hơn.

Đối với phim ra rạp, việc tiết lộ nhiều hình ảnh và dễ dàng đoán biết nội dung là tối kỵ, nhưng với BTS điều đó không quan trọng bởi mục đích của nhóm là phục vụ ARMY. Cũng theo ông Park Jun Foo, phim là món quà mà BTS dành cho fan của mình nên nếu được nhiều khán giả đón nhận sẽ là may mắn dành cho BTS, còn không, phim vẫn phục vụ đúng khán giả mục tiêu.

Phim ve than tuong: Khong thang nho fan
Sự cô đơn và áp lực làm việc khủng khiếp được thể hiện trong Burn the Stage

BTS có lợi thế về lực lượng fan. Lượng người hâm mộ tại thị trường Âu – Mỹ của boy band này cao ngất ngưỡng tạo thuận lợi để nhóm ra mắt phim. Fan là đích đến và cũng là lý do để BTS sản xuất Burn the Stage. Nếu gọi Burn the Stage là một tác phẩm “ăn theo” fan hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, liệu có một phim thần tượng nào không cậy nhờ fan để có niềm tin về mặt doanh thu?

Trước Burn the Stage, Bohemian Rhapsody là bộ phim gần nhất làm về thần tượng âm nhạc ra rạp. Phim nói về Queen – nhóm nhạc rock huyền thoại của Mỹ và cuộc đời thủ lĩnh nhóm Freddie Mercury. Trong lịch sử âm nhạc, Queen là cái tên mang đến nhiều cảm xúc nhất ở thể loại nhạc rock.

Những ca khúc như We are the champions, We will rock you, Don’t stop me now… đã trở thành những giai điệu không thể quên với người hâm mộ. Lượng khán giả mến mộ Queen rất đông nhưng phần trăm tò mò về góc khuất của Freddie Mercury đông hơn gấp nhiều lần. Do đó, Bohemian Rhapsody ra mắt và đại thắng phòng vé.

Trailer phim Burn the Stage:

Khi làm phim về thần tượng, yếu tố “fan cứng” luôn được coi trọng. Ở những nhân vật được hâm mộ đông đảo, số lượng người chờ đón phim ra rạp luôn đông hơn. Tuy nhiên, yếu tố fan sẽ trở thành vô nghĩa nếu nhà sản xuất bỏ mặc nội dung.

Và khi fan không cứu được phim…

Hai trong nhiều yếu tố quyết định một thần tượng được lên phim là độ nổi tiếng và câu chuyện đằng sau ánh hào quang. Ở những nhân vật càng nhiều góc khuất càng có chất liệu để ê-kíp sản xuất làm nên những bộ phim hay. Tuy nhiên, việc xây dựng nhân vật, cách thể hiện câu chuyện làm sao để lay động khán giả nhưng không phá vỡ hình ảnh của thần tượng trong lòng người hâm mộ là điều quan trọng.

Phim ve than tuong: Khong thang nho fan
Nhóm nhạc rock huyền thoại oanh tạc phòng vé Bắc Mỹ

Trong Bohemian Rhapsody, mặc dù dành nhiều tình cảm nhưng giới hâm mộ chỉ ra một số điểm khác với cuộc sống thật của Freddie Mercury. Đơn cử chi tiết nam ca sĩ gặp Mary Austin – người phụ nữ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của anh. Dù là người đồng tính nhưng Freddie Mercury từng có thời gian yêu Mary Austin, khác với trên phim.

Một chi tiết nữa cho thấy ý đồ của đạo diễn muốn đẩy bi kịch đến cho nhân vật là việc để nam ca sĩ biết mình mắc HIV trước đêm nhạc quan trọng nhất trong lịch sử hoạt động của Queen, trong khi ngoài đời thật, Freddie Mercury biết bệnh tình sau đó.

Mặc dù có nhiều thay đổi, Bohemian Rhapsody vẫn cực kỳ thành công ở thị trường Bắc Mỹ. Phim thu về 50 triệu USD ngay tuần đầu tiên ra mắt và 141 triệu USD sau khi công chiếu trên toàn thế giới. Với 50 triệu USD đầu tư và con số thu về gần gấp 3 lần, Bohemian Rhapsody đánh bật mọi lời chê bai từ phía chuyên gia.

Trailer phim Bohemian Rhapsody:

Nhưng, Bohemian Rhapsody cũng “vỡ trận” ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… vì khán giả không thật sự tiệm cận với âm nhạc của Queen. Trong khi độ tuổi người xem phim rạp rất trẻ, tại thị trường Việt Nam nằm trong khung từ 14 – 25 tuổi, giới hạn sự hiểu biết về nhóm nhạc đã thành lập từ năm 1970 khiến Bohemian Rhapsody không thành công về mặt doanh thu ở các quốc gia này.  

Với This is it, bộ phim làm về những ngày cuối đời của Michael Jackson từng khiến cả thế giới xúc động. Chuỗi 50 đêm nhạc dự kiến diễn ra tại sân khấu O2 Arena, London vào tháng 7/2009 đã không trở thành sự thật vì cái chết đột ngột của Michael Jackson là câu chuyện chính trong phim. This is it thu về doanh thu hơn 200 triệu USD trong 2 tuần ra rạp trên toàn cầu. Con số đáng mơ ước cho bất kỳ bộ phim thần tượng nào cách đây 10 năm về trước.

Trailer phim tài liệu về Michael Jackson:

Tuy nhiên, This is it vấp phải một làn sóng tẩy chay lớn từ người xem không vì nội dung phim mà vì khán giả cho rằng những hình ảnh trên phim là nguỵ tạo. Hàng ngàn fan đã lập nhóm "This is not it" để phản đối việc công chiếu bộ phim. Họ cho rằng 2 đơn vị đồng tổ chức sự kiện gồm: AEG và Sony đã bóc lột sức lao động của Michael Jackson khiến nam ca sĩ kiệt sức.

Bên cạnh đó, những tư liệu hiếm hoi trong lúc Michael Jackson tập luyện trước khi chết được hãng Sony chào giá 50 triệu USD là thông tin gây sốc với người hâm mộ. Họ không nghĩ cái chết của thần tượng trở thành cơ hội để các đơn vị nhảy vào kinh doanh.

Luật sư Mark Fleischer, người từng đảm nhận vị trí giám đốc điều hành của MGM Studios cho biết: "Đây là một câu chuyện hay (ý nói những video tập luyện của Michael Jackson – PV), nếu đặt cùng nhau, có thể rất hấp dẫn và thu hút được rất nhiều khán giả". Ông nói thêm những phản ứng tẩy chay của người hâm mộ là có lý do nhưng số lượng khán giả muốn nhìn ngắm Michael Jackson lần cuối quá đông nên cuộc tẩy chay thất bại.

Ở trường hợp phim Whitney Houston, dù cuộc đời của nữ ca sĩ là một câu chuyện xúc động nhưng phim không được đón nhận. Whitney Houston từng được nhiều đạo diễn làm phim. Trong đó, bản đầu năm 2017 – Whitney: Can I be me do đạo diễn Nick Broomfield thực hiện và bản năm 2018 – Whitney do đạo diễn Kevin Macdonald.

Phim ve than tuong: Khong thang nho fan
Hình ảnh Whitney House trong phim do Nick Broomfield thực hiện

Ở cả 2 lần, để phim ra được rạp đều gặp khó khăn. Lý do khó khăn là vì bản phim đầu tiên về Whitney mang tên Whitney (năm 2015) lên truyền hình chỉ toàn cảnh nóng và ma tuý. Khán giả tỏ ra thất vọng vì cách làm phim bi kịch hoá và chỉ chú trong vào đau khổ của nữ ca sĩ. Hậu quả, với 2 bản phim sau làm về Whitney đều đạt doanh thu thấp. Bộ phim đạt doanh thu cao nhất là Whitney 2018 đạt 4,7 triệu USD trên toàn cầu.

Nghệ sĩ sở hữu lượng fan khủng là lợi thế để các nhà sản xuất thực hiện phim về họ. Tuy nhiên, trong các yếu tố tạo nên thành công của một bộ phim, người hâm mộ không đủ sức quyết định. Không chỉ trường hợp của Whitney Houston, phim làm về Brian Wilson - thành viên chủ chốt nhóm nhạc huyền thoại The Beach Boys của Mỹ, phim I’m not there làm về huyền thoại Bob Dylan hay La Vie en Rose – phim làm về ca sĩ nổi tiếng người Pháp Edith Piaf… đều thành công và thất bại ở một số điểm nhất định về mặt nội dung. 

Fan là động cơ, là lý do để các bộ phim này ra đời, nhưng fan không phải là lực lượng bảo đảm cho doanh thu mà doanh thu của phim lại đến từ nhiều thứ khác, như nội dung, ý tưởng, thị trường phát hành phù hợp... 

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI