Phía sau những cuộc hồi hương chạy dịch - Bài 1: Gian nan ngày về

10/08/2021 - 06:21

PNO - Rời khỏi TPHCM, khổ sở vượt qua chặng đường cả ngàn cây số để về quê bằng xe máy, sau những ngày cách ly chống dịch, những người hồi hương sẽ đối mặt với cuộc mưu sinh mới đầy bấp bênh.

“Nghĩ lại thấy mình liều quá. May mà vợ con không sao, nếu không thì ân hận cả đời. Nhưng thực sự, em cũng hết cách” - Xồng Bá Xò, 21 tuổi, trú tại xã Tam Hợp, H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An, phân trần về quyết định hồi hương.

Liệu người vợ và con trai mới sinh mổ được năm ngày có về tới đích? Ở lại thì không trụ nổi bởi tiền chắt bóp lâu nay đã tiêu hết cho kỳ sinh nở. Đó là tình cảnh mà vợ chồng anh Xò đối mặt khi đưa ra quyết định đùm túm nhau từ TPHCM vượt cả ngàn cây số về quê bằng xe máy. May thay, khi tới TP.Đà Nẵng, họ được những người thiện nguyện tại đây đưa về đến quê nhà bằng ô tô. Nhiều gia đình khác cũng rơi vào tình cảnh ngặt nghèo khi quyết định rời Sài Gòn về quê tránh dịch.

“Không cầm cự nổi nữa”

Ngày 2/8, chuyến bay cuối cùng đưa bà con từ tâm dịch TPHCM về đến TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), khép lại chương trình đón người về từ TPHCM của chính quyền các tỉnh, thành miền Trung. Trước và sau đó, trên tuyến Quốc lộ 1, người lao động ở TPHCM chạy xe máy nối đuôi nhau về các tỉnh miền Trung tạo ra một cảnh tượng ngoài sức hình dung của nhiều người.

Nhiều người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 ở TP.HCM được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đó n về quê bằng máy bay (ả nh chụp tại sân bay Phú Bài - Huế) - ẢNH: THUẬN HÓA Bạn dã tiêm phòng COVID-19 hay chưa? Đội dặc nhiệm “bếp sáng” nhà mình Rời khỏi TP.HCM, khổ sở vượt qua chặng dường cả ngàn cây số dể về quê bằng xe máy, sau những ngày cách ly chống dịch, những người hồi hương sẽ dối mặt với cuộc mưu sinh mới dầy bấp bênh. BÀI 1: GIAN NAN NGÀY
Nhiều người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 ở TPHCM được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đón về quê bằng máy bay (Ảnh chụp tại sân bay Phú Bài - Huế) - Ảnh: Thuận Hóa

Tại chốt kiểm soát y tế số 4, thị trấn Lăng Cô, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 1/8, từng đoàn người đi xe máy tập trung thành nhiều nhóm bên vệ đường chờ đến lượt kê khai y tế để tiếp tục hành trình về quê. Theo thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông H.Phú Lộc, chỉ trong sáng 1/8, đã có hơn 1.000 người đi trên 700 xe máy từ các tỉnh, thành phía Nam về quê qua chốt này. 

Mệt mỏi sau hành trình hơn 1.000km, nhiều người lớn và trẻ em ngủ thiếp trên sàn nhà của trạm trung chuyển ở gần đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô. Anh Trương Đức Tri - 31 tuổi, ở P.Phú Hậu, TP.Huế - cho biết vào TPHCM làm nghề đóng giày hơn tám năm, thất nghiệp hai tháng nay do giãn cách xã hội để chống dịch: “Lo không kham nổi tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt nên tôi quyết định thu dọn hành lý, đi xét nghiệm để lấy giấy “thông hành”, chạy xe máy xuyên đêm về quê”.

Cách nơi anh Tri nằm nghỉ chân không xa, Nguyễn Duy Hùng - 23 tuổi, trú tại xã Quảng Châu, H.Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - cùng bốn người khác đang ngồi nghỉ trong chiếc chòi bên Quốc lộ 1A. Hùng nhỏ con, mặt hốc hác và đôi mắt đỏ quạch do chạy xe liên tục từ tỉnh Bình Dương về. Tính tới trưa 1/8, Hùng và em gái là Nguyễn Thị Ngọc Bích cùng mấy người trong nhóm đã chạy xe máy hơn 30 giờ. Dù đã ngồi nghỉ, pô xe máy của họ vẫn bốc khói khét lẹt.

Hùng kể, mình cùng hai em là Ngọc Bích và Linh Châu mới vào Bình Dương làm công nhân chưa được hai tháng. Bích và Châu đang học lớp 11, tranh thủ mấy tháng hè vào Nam để kiếm tiền về đóng học phí nhưng khi nhận việc chưa được một tháng thì đợt dịch thứ tư bùng phát. “Tụi em tính cầm cự cho hết dịch rồi làm tiếp, nhưng càng đợi thì thấy càng căng nên quyết định về quê. Ở lại thì không biết lấy gì ăn, đặt mua vé tàu xe để về cũng không có, mấy anh em buộc lòng phải đi xe máy dù rất nguy hiểm” - Hùng tâm sự.

Ngả lưng bên vệ đường ở chốt kiểm soát y tế số 4, anh Nguyễn Đường - quê H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - dò Google Maps trên điện thoại rồi ngoảnh lại bảo vợ: “Còn 450 cây (km) nữa là tới nhà vợ à”. Khoảng hai năm trước, vợ chồng anh gửi con cho người thân rồi vào tỉnh Bình Dương làm công nhân cho một xí nghiệp may. Gần một tháng nay, vợ chồng anh thất nghiệp, khu vực gần nơi trọ lại bị phong tỏa. “Mình còn sức, chịu khó chạy xe máy về cùng mọi người thôi” - anh Đường bàn với vợ. Chuẩn bị xong hành lý, vợ chồng lên xe máy lúc 21g ngày 28/7. 

Mấy năm xa nhà, anh Đường luôn sắp xếp để về quê dịp cuối năm. Có lẽ đây là chuyến về nhà đặc biệt nhất đối với hai vợ chồng. Anh Đường kể, đoàn đi cùng anh có hơn chục người, đa phần là người huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An, có người còn chở theo con nhỏ. Đường về hơn 1.000km, mọi người hẹn nhau lúc nào có người mệt thì cùng dừng chân nghỉ. Đoàn chạy ban ngày rồi đêm đến, dừng chân ở khu vực vắng vẻ, trải tấm ni-lông ven đường ngả lưng, nghỉ chừng hai giờ lại gọi nhau dậy, ăn bánh mì rồi tiếp tục nổ máy. “Chuyến này chắc ở lại quê để làm ăn. Sau khi cách ly về, mình đi phụ nề kiếm tiền nuôi vợ con, chứ dịch mãi thế này không biết ngày nào vào lại Bình Dương được” - anh Đường nói.

Không đón xuể người về quê

Tránh đợt dịch thứ tư tại TPHCM, có 14.000 người Thừa Thiên - Huế về quê. Chính quyền tỉnh này phải biến các trường học thành khu cách ly để đón người từ các tỉnh phía Nam về. Theo thống kê của UBND H.Phú Vang, huyện có gần 8.000 người đi làm công nhân ở TPHCM và tỉnh Bình Dương có nguyện vọng hồi hương, nên UBND huyện đã chuẩn bị 13 điểm trường để đón người trở về.   

Người dân đi xe máy từ TP.HCM về đến chốt kiểm soát y tế tại thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chờ làm thủ tục để đi cách ly tập trung
Người dân đi xe máy từ TPHCM về đến chốt kiểm soát y tế tại thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chờ làm thủ tục để đi cách ly tập trung

Ông Lê Đức Lộc - Phó Chủ tịch UBND H.Phú Vang - cho biết các khu cách ly được tổ chức khoa học, đúng quy định về phòng, chống dịch. Mỗi ngày, bà con được ăn miễn phí hai bữa chính và một bữa phụ với tổng tiền ăn 80.000 đồng/người. Cùng với đội ngũ y tế, quân đội, các nhà hảo tâm và bà con ở địa phương cũng tình nguyện lo hậu cần cho người trong khu cách ly.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 13.440 công dân đang cách ly tập trung tại các khu cách ly tuyến tỉnh và tuyến huyện. Hiện tại, 14 khu cách ly tuyến tỉnh (do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý) đã hết công suất phục vụ với hơn 12.000 người đang cách ly. UBND tỉnh đã có văn bản không nhận người về từ vùng dịch, nhưng dân vẫn đổ về. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho hay khi bà con về, chính quyền sẽ hỗ trợ cho nhóm yếu thế (người lớn tuổi, phụ nữ có thai, có con nhỏ) và tính phí với đối tượng còn lại trong thời gian cách ly. 

Những ngày đầu tháng Tám, chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở đèo Bình Đê, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi (giáp ranh tỉnh Bình Định) đã không còn cảnh người dân chen chúc, đợi chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 như hồi giữa và cuối tháng Bảy. Nhưng hiện tại, các khu cách ly y tế tập trung của tỉnh đã quá tải với hơn 8.000 người. Các cơ sở giáo dục ở xã, phường, thị trấn được tỉnh trưng dụng nhưng gặp nhiều hạn chế trong khâu quản lý, vận hành, sinh hoạt, xử lý rác thải... nên có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm chéo. Thêm vào đó, đội ngũ y, bác sĩ có hạn, năng lực y tế của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo yêu cầu chống dịch. Đó là những lý do mà chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tạm thời không tiếp nhận người về kể từ 0g ngày 1/8. 

Trước đó, chính quyền tỉnh đã tổ chức hai đoàn công tác đón hơn 400 người về tỉnh trong tổng số gần 5.000 người dân Quảng Ngãi ở TPHCM cần được hỗ trợ. Giờ UBND tỉnh chỉ cho các xe lưu thông liên tỉnh đi ngang qua, cấm dừng đỗ. Ông Phạm Minh Đức - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi - cho biết toàn tỉnh có 130 khu cách ly tập trung ở các doanh trại, trường học và năm khu cách ly ở các khách sạn. UBND tỉnh chưa có kế hoạch mở thêm khu cách ly tập trung.

Thông qua website dangkyveque.nghean.gov.vn đã có trên 18.000 người ở các tỉnh phía Nam đăng ký được trở về tỉnh Nghệ An. Để sẵn sàng cho cuộc hồi hương lớn này, UBND tỉnh Nghệ An đã khẩn trương chuẩn bị các khu cách ly tập trung tuyến tỉnh, đồng thời đề nghị các huyện, thành phố, thị xã chuẩn bị các khu cách ly tuyến huyện. Ông Bùi Đình Long - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết trong khoảng đầu tháng Tám, tỉnh sẽ bố trí đón bà con ở miền Nam trở về quê trên sáu chuyến bay. 

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cho biết chỉ trong vài ngày qua, đã có hơn 600 người ở các tỉnh phía Nam chạy xe máy về huyện này. H.Kỳ Sơn là một trong những địa phương có đông người vào miền Nam làm thuê, đa phần là người có hoàn cảnh khó khăn. “Do hoàn cảnh bắt buộc nên người dân phải trở về quê. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các khu cách ly tập trung tuyến huyện, các xã cũng bố trí thêm cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm ở trạm y tế, trường học để đón bà con nếu khu cách ly của huyện quá tải” - ông Hòe nói.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ chủ trương không để bà con về quê bằng phương tiện cá nhân, nhất là xe máy với số lượng đông đảo như vừa qua, vì vừa không an toàn giao thông, vừa gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh: “Ngày 30/7 vừa rồi, UBND TPHCM cũng đã có văn bản gửi các địa phương, đề nghị phối hợp thực hiện đúng các nội dung chỉ đạo của Chính phủ. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục đón bà con trở về bằng ô tô, máy bay và tàu lửa để giải tỏa áp lực cho TPHCM. Tôi nghĩ lúc này, nghĩa tình đồng bào cần được phát huy nhưng phải trong khuôn khổ quy định của Chính phủ”.

Được biết, trong phương án được phê duyệt, tỉnh Quảng Nam sẽ đón khoảng 2.500 người về bằng cả ô tô và máy bay; đến nay, đã đón được 1.700 và sẽ tiếp tục đón trong thời gian tới. 

Nhóm phóng viên miền Trung

(Còn nữa)

 

Người ở lại xoay xở áo cơm 

Không về quê tránh dịch, những người lao động đến từ các tỉnh hiện đang trụ lại TPHCM đang chật vật xoay xở chuyện áo cơm.

Đang làm nhân viên tạp vụ cho một công trình xây dựng ở Q.Tân Phú, TPHCM với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng, cuối tháng 5/2021, công trình tạm ngưng thi công, chị Nguyễn Hồng Loan - 41 tuổi, quê ở H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp - phải nghỉ việc không hưởng lương đến nay. Chồng chị làm nghề giao hàng cho các tiểu thương ở chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cũng phải nghỉ làm khi chợ này dừng hoạt động để chống dịch. “Tụi em ở trọ, mỗi tháng tốn gần 3 triệu đồng tiền thuê nhà, điện, nước, lại còn dành dụm gửi về quê để nuôi hai đứa con. Lúc bình thường, tằn tiện cũng đủ sống nhưng kể từ khi dịch bùng phát, tiền dành dụm cũng hết nhẵn. Từ đầu, tụi em không có ý định về quê vì nghĩ dịch sẽ mau hết. Không ngờ dịch kéo dài thế này”. 

Không thể cứ nằm ngồi trong phòng trọ mãi, cách đây mười ngày, chồng chị nhận chở hàng từ xe container đậu gần chợ đầu mối nông sản Hóc Môn sang xe tải nhỏ để giao cho các điểm bán rau củ quả. Trong quá trình chở hàng, chồng chị được các chủ hàng nhờ kiếm người sơ chế hành và ớt trước khi giao cho các đầu mối, liền đem ớt, hành lá chưa sơ chế về phòng trọ để chị sơ chế. Khu nhà nơi chị Loan thuê trọ có khoảng hơn 15 phòng, chị Loan chia việc cho mười người ở khu trọ để họ kiếm thu nhập 50.000-60.000 đồng/ngày, đủ để mua gạo, đồ ăn. 

Một điểm đón người dân đi xe máy từ TP.HCM về cách ly tại Thừa Thiên - Huế - ẢNH: THUẬN HÓA
Một điểm đón người dân đi xe máy từ TPHCM về cách ly tại Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Chị Loan kể, trước đợt dịch tháng 4/2020, chị làm nail, lương rất khá nhưng sau đợt dịch, tiệm nail đóng cửa. Mất việc, chị bán trái cây vỉa hè, nhưng lúc bán được lúc không nên sau vài tháng, chị xin đi làm tạp vụ cho công ty xây dựng. “Làm nghề tự do thì cứ ráo mồ hôi là hết tiền nên hễ buông cái này là phải bắt cái kia. Hai năm qua, mỗi đợt dịch là em lại có thêm “nghề” mới”. Giờ vợ chồng em chỉ mong dịch mau hết, chợ đầu mối mở lại để chồng em có nguồn thu nhập gửi về nuôi con” - chị Loan tâm sự.  

Hai năm trước, khi con gái học xong lớp 12, chị Trần Ngọc Duyên - 46 tuổi, quê ở H.Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - gửi con trai đang học lớp Năm cho ông bà ngoại nuôi, còn mình và con gái lên Sài Gòn xin làm công nhân may gia công cho một cơ sở may gia đình ở xã Bà Điểm, H.Hóc Môn. Công việc lệ thuộc đơn hàng nên thu nhập hằng tháng bấp bênh. Do vậy, buổi tối, hai mẹ con tranh thủ làm thêm ở cơ sở làm bánh mì kẹp với mức thu nhập thêm 100.000 đồng/buổi. Khi công việc dần thuận lợi thì đầu tháng 5/2021, các trường học nghỉ sớm, mối làm bánh mì buổi tối cũng nghỉ.

Đầu tháng Bảy, TPHCM giãn cách xã hội, cơ sở may cũng ngừng hoạt động. Đầu tháng Năm, con trai chị nghỉ học, lên Sài Gòn chơi với mẹ và chị gái. Dịch đến nhanh quá nên ba mẹ con mắc kẹt lại khu nhà trọ. 

“Hai tháng nay, tôi xin chủ trọ cho nợ tiền phòng. Vừa rồi, có người chị may chung ở cơ sở gia công kêu gọi cứu trợ cho mẹ con tôi gạo, mì, đường, bột ngọt. Cách đây một tháng, thấy cả gia đình tôi thất nghiệp, một người trong xóm trọ có người thân đang làm dịch vụ thương mại điện tử giới thiệu tôi thử việc trả lời khách hàng qua ứng dụng, lương thử việc hơn 3 triệu đồng/tháng, người này còn cho tôi mượn máy tính để làm việc. Ngày 10/8 này, tôi mới được lãnh lương thử việc, hy vọng đóng được tiền thuê trọ” - chị Duyên kể. 

Hoài An

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI