Tầm nhìn trong hòa hợp dân tộc vì sự phát triển quốc gia - Bài cuối:

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa bỏ định kiến

29/04/2023 - 06:38

PNO - Ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản kiêm nhiệm Cộng hòa Quần đảo Marshall - đã dành cho Báo Phụ nữ TPHCM cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề hòa hợp dân tộc.

 LTS: Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác hòa hợp, hòa giải, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau gần nửa thế kỷ hòa bình, thống nhất, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Sự hòa hợp, đoàn kết là một trong những thành tựu, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào thành tựu chung, đưa đất nước ngày càng đi lên.

Bài 1: Những sứ giả miệt mài khâu vết thương chiến tranh

Bài 2: Xóa khoảng cách để cùng hướng tới tương lai

 

 

Phóng viên: Xin thứ trưởng nêu những nhận định cơ bản về công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong thời gian qua? 

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, sự hưởng ứng của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Một trong những kết quả quan trọng nhất là nhận thức, ý thức trách nhiệm trong triển khai công tác này từ cả phía các cơ quan trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều có những chuyển biến tích cực.

“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”, “thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”. Những quan điểm nhất quán và xuyên suốt này đã được khẳng định trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị (năm 1993) về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và tiếp tục được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết 36 (năm 2004), Chỉ thị 45 (năm 2015), và gần đây nhất là Kết luận số 12 (năm 2021). 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận số 12 là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc”, “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, trong đó nổi bật là công tác đại đoàn kết và thu hút nguồn lực. Các nội dung trọng tâm của công tác người Việt Nam ở nước ngoài bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến kiều bào, vận động kiều bào và hỗ trợ kiều bào đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả, mang lại những chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng.

Bộ Ngoại giao tích cực, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội kiên trì triển khai công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc thông qua các hoạt động thường niên gắn với những ngày lễ lớn của đất nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích bà con ta ở nước ngoài hướng về quê hương. 

Chúng ta cũng đã từng bước phát huy được vai trò của các kênh truyền thông kiều bào trong việc cung cấp thông tin chính xác, khách quan về tình hình đất nước tới bà con ở nước ngoài, góp phần đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Với những nỗ lực trên, cùng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin, lòng tự hào dân tộc của mỗi kiều bào không ngừng được củng cố. 

Tuy nhiên, công tác đại đoàn kết dân tộc mang tính lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng không thể diễn ra trong một sớm một chiều mà đòi hỏi có thời gian để sự vận động, thuyết phục có thể phát huy hiệu quả. Những kết quả đạt được là to lớn nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, còn nhiều điều cần phải làm để công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới, cũng như kỳ vọng của đồng bào ta ở nước ngoài.

* Xin thứ trưởng cho biết một số khó khăn, thuận lợi trong công tác hòa hợp dân tộc? 
- Công tác vận động đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương luôn là nhiệm vụ trọng tâm của công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác này có thuận lợi to lớn là luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong những chuyến công tác nước ngoài hoặc những dịp kiều bào về nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con và chỉ đạo các cơ quan trong nước kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bà con.

Bên cạnh đó, nhận thức của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương về công tác đại đoàn kết dân tộc ngày càng được nâng cao. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh đã được xây dựng và triển khai. Nhiều hoạt động về nguồn nhằm gắn kết kiều bào với quê hương đã được tổ chức thường xuyên.

Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, những thành tựu lớn lao mà chúng ta đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… cũng là những nền tảng quan trọng cho công tác hòa hợp dân tộc, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Ngoài ra, những chuyển biến trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là những nhân tố thuận lợi, giúp cho công tác đại đoàn kết, quy tụ người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương đạt được những thành quả quan trọng. Có thể kể đến một số thuận lợi như: cộng đồng tăng mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Hiện có hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phần cộng đồng ngày càng được mở rộng và đa dạng hơn. Thế hệ kiều bào trẻ - những người sinh ra sau chiến tranh, có tư tưởng cởi mở hơn - đã và đang trở thành lực lượng chủ yếu, tác động đến nhận thức, thái độ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

Bên cạnh đó, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội nước sở tại ngày càng được nâng cao; kiều bào thực sự trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Một số kiều bào đóng vai trò nòng cốt, có sức ảnh hưởng, quy tụ lớn trong việc tập hợp, đoàn kết cộng đồng hướng về quê hương.

Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam ở nước ngoài. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, gắn bó với quê hương trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được khơi dậy và tăng cường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong triển khai công tác này. Về phía các cơ quan trong nước, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về người Việt Nam ở nước ngoài và công tác người Việt Nam ở nước ngoài có lúc, có nơi chưa thực sự đầy đủ và nhất quán; vẫn còn tồn tại tâm lý nghi kỵ, thành kiến, phân biệt đối xử với kiều bào. Về phía kiều bào, một bộ phận còn định kiến, nhận thức và hành động không phù hợp lợi ích quốc gia, dân tộc. Các thế lực thù địch và các lực lượng người Việt cực đoan thường xuyên thay đổi hình thức chống phá, ngày càng tinh vi hơn, tăng cường lợi dụng những vấn đề “nóng, bất cập” ở trong nước để lôi kéo, kích động bà con.

* Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, theo thứ trưởng, cần làm gì để công tác hòa hợp dân tộc đạt hiệu quả?

- Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cũng như Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị. 

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ và phát huy hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người Việt Nam - không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài - mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bộ Ngoại giao sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài - nhất là thế hệ trẻ - gắn bó và hướng về quê hương, đất nước; kiên trì vận động những kiều bào còn định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở phù hợp pháp luật của nước sở tại và Việt Nam; kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ đồng bào ta ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại trên tinh thần đối thoại, lắng nghe, cởi mở, chân thành, khoan dung, sẵn sàng chấp nhận khác biệt.
* Xin cảm ơn thứ trưởng. 

Cần kết nối mạnh mẽ hơn nữa


Chúng ta đang chứng kiến ​​một xu hướng là nhiều người Việt trở về để tìm kiếm hoặc tạo dựng cơ hội cho các dự án kinh doanh, đổi mới công nghệ, giáo dục, sáng tạo nghệ thuật, bảo tồn di sản văn hóa, hoặc các dự án cộng đồng. Họ thường góp ý cho hệ sinh thái ở Việt Nam tốt lên chứ không phải để được đối xử riêng biệt. 
Do đó, cần kết nối để người Việt đến với nhau, kết nối để đưa Việt Nam đến với thế giới và thế giới đến với Việt Nam. Với việc nhận thức được điều tạo nên sự độc đáo của Việt Nam, các cá nhân, tổ chức và ngay chính quốc gia có thể tận dụng thế mạnh của đất nước để củng cố sự hiện diện mạnh mẽ trên trường quốc tế cũng như thu hút đầu tư, thu hút cơ hội và nhân tài.

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh

“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” là tư tưởng nhân văn

Sau chiến tranh, Việt Nam “muốn làm bạn với tất cả các nước” và “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Tư tưởng nhân văn đó không chỉ bằng tuyên ngôn mà đã thực sự lan tỏa trong mỗi người dân Việt Nam và cần được tiếp tục phát huy. Người Việt Nam luôn lấy hòa hiếu làm trọng. Khoan dung, thân thiện, cởi mở chính là vốn văn hóa quý mà người Việt Nam mang từ quá khứ tới hiện tại, chuyển tải đến tương lai như một ADN văn hóa trường tồn. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM

Chính sự phát triển là cầu nối hòa hợp dân tộc

Gần 50 năm trôi qua, đã có 2 thế hệ trưởng thành. Tôi biết có nhiều bạn trẻ là con em kiều bào luôn tự hào khi nghe nhắc những thành tựu hay sự phát triển của đất nước. Do đó, chính sự phát triển, các thành tựu của đất nước đã chinh phục thế giới nói chung, trái tim kiều bào nói riêng. Cách để hòa hợp, hòa giải hiệu quả cũng chính là làm cho đất nước phát triển, làm cho Việt Nam trở nên đáng tự hào hơn.

Chúng ta có nền nông nghiệp phong phú, nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Chính phủ cần có chính sách để thu hút đầu tư, quảng bá và xuất khẩu nông sản. Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, tuyệt vời. Chính phủ cần có chương trình quảng bá lớn về ẩm thực Việt, nhất là phở và bánh mì. Nhà nước, Chính phủ cần có chủ trương, chính sách cụ thể để các tổ chức tư nhân, kiều bào tham gia vào 2 lĩnh vực trên bởi họ sẵn sàng góp tay xây dựng thương hiệu Việt.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt

nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ

Phụ nữ cần tham gia nhiều hơn vào hoạt động đối ngoại

Trong bối cảnh đối ngoại giữ vai trò rất quan trọng vào sự thắng lợi toàn diện của quốc gia, dân tộc ngày nay, nhiều nhà ngoại giao nữ xuất hiện trên trường quốc tế và có những đóng góp quan trọng, đưa đến thành công của nhiều quốc gia. Xu thế này đòi hỏi phụ nữ Việt Nam phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế.

Kế thừa tố chất ngoại giao của các nhà ngoại giao nữ trước đây, phụ nữ Việt Nam thời kỳ “thế giới phẳng” cũng được đặt ra những yêu cầu mới, là phải có trí tuệ, kiến thức và sự hiểu biết ở nhiều mặt của đời sống xã hội Việt Nam cũng như thế giới, trong đó, điều kiện tiên quyết là trình độ ngoại ngữ.

Bên cạnh phong cách tươi vui, cởi mở và thiện chí, phụ nữ Việt Nam nên phát huy tố chất nhạy bén, linh hoạt, uyển chuyển, mềm dẻo, sự khôn khéo, duyên dáng để tạo nên sức hút, sự cảm hóa. Sự tự tin, bản lĩnh, thái độ điềm tĩnh, kiên trì và vững vàng sẽ giúp các nhà ngoại giao nữ thích nghi, ứng phó tốt trước những thách thức, áp lực trong quan hệ quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam

Giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM

Thu Lê - Tuyết Dân (ghi)

Tuyết Dân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI