Căn tính Việt là nền tảng để hòa hợp

24/04/2023 - 08:30

PNO - Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, mẫu số chung của hòa hợp dân tộc là trong sự khác biệt, ta chấp nhận, tôn trọng nhau để cùng chung sống trong một cộng đồng gốc Việt rộng lớn. Điều đó càng đúng trong thời đại ngày nay.

Ta gặp nhau, không xoáy vào những khác biệt mà rộng mở, tăng cường quan hệ vì những cái chung tiến bộ, tốt đẹp của xã hội, nhân loại. Nền tảng cơ bản để dung hòa là dòng máu, gốc gác, căn tính Việt. Trên cái chung đó, ta có thể tiếp xúc với bất kỳ người Việt nào, và bất cứ ở đâu. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (ngoài cùng, bên phải) họp mặt với nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (thứ hai từ trái qua) và đoàn cán bộ TPHCM năm 1995 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (ngoài cùng, bên phải) họp mặt với nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (thứ hai từ trái qua) và đoàn cán bộ TPHCM năm 1995 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau năm 1975, ở miền Nam, có những cuộc ra đi vì nhiều lý do và với sự mở cửa hội nhập của đất nước, số người gốc Việt về thăm, tìm hiểu và tìm cơ hội làm ăn, hợp tác tăng lên. Gần đây, có hiện tượng những thế hệ kiều bào thứ hai quay về, theo tiếng gọi của gốc gác, căn tính Việt. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh dẫn chứng trường hợp anh Nguyễn Hoài Tiến chào đời trên đất Mỹ, không biết tiếng Việt và tiếp nhận nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhưng luôn muốn biết đất nước nơi cha mẹ mình sinh ra như thế nào, văn hóa ở đó ra sao. Khi làm cho một viện nghiên cứu ở phía nam nước Mỹ, anh Tiến tình cờ gặp con trai tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Mối duyên gặp gỡ này đã dẫn dắt Hoài Tiến trở về Việt Nam. 

Sau đó, anh Tiến đi đi, về về giữa 2 nước nhưng sống thường xuyên ở Hà Nội. Anh học và nói tiếng Việt trôi chảy như tiếng mẹ đẻ. Anh còn lập công ty chuyên làm rượu với hương vị đặc trưng của hoa lá vùng núi phía Bắc và miền Trung, xuất khẩu sang Mỹ. “Gần đây, tôi có gọi nhưng không liên lạc được với Tiến. Hóa ra anh đi châu Âu vài tuần, tìm cách xuất khẩu dòng rượu mang hương vị, bản sắc Việt Nam sang châu Âu. Thật thú vị” - bà Tôn Nữ Thị Ninh kể.

Dẫn chứng thêm những người trẻ khác chọn về Việt Nam theo tiếng gọi của gốc gác, căn tính Việt, bà nhận xét: “Điều đó cho thấy đất nước, kinh tế, xã hội Việt Nam đang đi lên và ngày càng cởi mở, cũng như bộ mặt của Việt Nam đối với thế giới bên ngoài ngày càng sáng lên. Những người gốc Việt chọn trở về nói lên rằng dòng chảy, vòng xoáy không còn một chiều nữa”. Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái tốt để làm ăn, sinh sống, đổi mới, sáng tạo, thủ tục ngày càng thông thoáng, thuận lợi để thu hút kiều bào.

Đó cũng là sự dẫn dắt để bà quyết tâm thực hiện diễn đàn “Thời khắc Việt”, dự kiến diễn ra tháng 3/2024. Và bà có niềm tin sâu sắc rằng, người Việt Nam, bất kể ở đâu, chính là những người làm nên tâm hồn và trí tuệ Việt, sức mạnh và bản sắc dân tộc của thương hiệu đất nước Việt Nam”. 

Thu Lê - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI