Ở nhà nhiều, sao da lại xấu?

30/11/2021 - 06:25

PNO - Nhiều chị em phụ nữ nghĩ rằng, thời gian ở trong nhà để phòng dịch COVID-19 là cơ hội để dưỡng da vì không bị tác động bởi ánh nắng, bụi bặm. Thế nhưng, có nhiều trường hợp dù ở lâu trong nhà nhưng da lại xấu hơn, thậm chí bị nám da.

Tá hỏa vì da sậm màu

Nhìn vào gương, chị Nguyễn Thanh Thảo (33 tuổi, ở quận Tân Phú, TPHCM) hoảng hốt khi thấy da sậm màu hơn trước, cho dù gần sáu tháng nay chỉ làm việc ở nhà. Trước kia, khi đi làm, chị Thảo thường thoa kem dưỡng da lên mặt, nhưng từ khi ở nhà, chị nghĩ không cần thiết nên chỉ dùng sữa rửa mặt vào buổi tối.

Ngoài ra, chị Thảo cũng không nghĩ rằng tia nắng chiếu vào cửa sổ nơi chị ngồi làm việc mỗi ngày có ảnh hưởng đến da mặt. 

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú - Phó Trưởng khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - đang khám cho bệnh nhân - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú - Phó Trưởng khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM - đang khám cho bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cũng giống như chị Thảo, chị Trần Thanh Thúy (34 tuổi, ở quận 8, TPHCM) cũng cho biết, từ lúc làm việc ở nhà, chị trở nên lười chăm sóc da. “Da tôi gần đây sậm màu hơn. Tôi cũng không biết lý do, cứ nghĩ có đi ra ngoài đâu mà thoa kem. Nghe nói ánh sáng từ máy tính cũng ảnh hưởng đến da nhưng không biết thật hư thế nào”.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời là tác nhân làm da đen và sậm màu. Khi làn da không được bảo vệ bởi kem chống nắng hoặc che chắn cẩn thận thì tia cực tím sẽ tác động, kích thích quá trình sản sinh melanin bất thường dẫn đến tình trạng nám má có tính chất dai dẳng, khó điều trị và dễ tái phát. 

Theo đó, dù ở trong nhà nhưng chị em vẫn có thể bị tác động bởi tia cực tím khúc xạ khi chiếu vào các mặt phẳng như kính, mặt nước, sân nhà… Do đó, dù chúng ta ngồi trong phòng kín nhưng ở nơi có nhiều ánh sáng chiếu vào, bàn làm việc gần cửa sổ, sân vườn, vách kính… thì làn da cũng chịu tác động gián tiếp với tác hại của tia cực tím. Tia cực tím A có thể xuyên qua kính cửa sổ gây lão hóa da sớm, biểu hiện với các nếp nhăn và đốm đồi mồi.

Tốt nhất nên tránh ngồi làm việc gần cửa sổ, cửa kính trong khoảng thời gian từ 10g sáng đến 16g chiều. 

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy việc tích lũy dần ánh sáng xanh từ các thiết bị kỹ thuật số như ti vi, màn hình máy tính, laptop, điện thoại thông minh có thể gây tổn hại da theo nhiều cơ chế khác nhau dẫn đến các vấn đề về lão hóa và tăng sắc tố da. Chúng có khả năng tạo ra các gốc tự do gây phá hủy ADN, gây chết tế bào, hủy hoại hàng rào bảo vệ da và tác động lên men tiêu hủy chất nền gây phá hủy collagen và elastin.

Ánh sáng xanh còn có khả năng kích hoạt các tế bào sắc tố, tạo ra các thương tổn tăng sắc tố như nám má, nhất là ở người có da sậm màu. Do đó, việc tiếp xúc với các thiết bị này lâu dài, ở cường độ cao làm cho da sậm màu và lão hóa nhanh hơn

Cần chăm sóc da đúng cách 

Theo bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, dịch COVID-19 dẫn đến việc tăng số lượng bệnh nhân có bệnh về da, trong đó nổi trội là mụn trứng cá. Do việc đeo khẩu trang có thể gây ra những thay đổi trên da như tăng nhiệt độ và hoạt động tuyến bã ở vùng má, quanh miệng và cằm.

Thói quen sử dụng điện thoại, máy tính thường xuyên vô tình tạo cơ hội cho ánh sáng xanh làm hại da (Ảnh minh họa)
Thói quen sử dụng điện thoại, máy tính thường xuyên vô tình tạo cơ hội cho ánh sáng xanh làm hại da (Ảnh minh họa)

Phòng ngừa bằng cách chăm sóc da khi đeo khẩu trang như: làm sạch da hằng ngày với các sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ, không chứa hương liệu, không chứa cồn, không gây bào mòn da, và cần bôi giữ ẩm thường xuyên, nhất là trước khi đeo khẩu trang. 

Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú cho biết bên cạnh việc duy trì một lối sống khoa học: cân bằng năng lượng giữa các bữa ăn, uống nước đầy đủ tối thiểu 8 - 10 ly/ngày, ngủ đủ giấc thì việc chăm sóc da tại nhà đúng sẽ giúp chúng ta có được một làn da khỏe đẹp.

Định kỳ tẩy tế bào chết một lần/tuần để loại bỏ các tế bào da già cỗi giúp da sáng và mịn hơn. Nên rửa mặt hai lần/ngày để làm sạch bụi bẩn, đồng thời loại bỏ các chất bã nhờn giúp giảm nguy cơ gây bít nang lông sinh mụn trứng cá.

Có thể bôi thêm các chế phẩm chứa vitamin C vào ban đêm giúp ngăn ngừa tổn thương da do các gốc oxy hóa cũng như làm da sáng hơn. Mặc dù ở trong nhà nhưng vẫn nên bôi kem chống nắng, để tránh bị tác động bởi tia cực tím và ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính, ti vi…

Một chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây sẽ giúp da khỏe đẹp. Ví dụ như cam, bưởi và kiwi có chứa lượng lớn vitamin C, giúp chống lại tác hại của gốc tự do từ ánh nắng mặt trời gây lão hóa da. Hay khoai lang, rau bina rất giàu beta carotene giúp giảm mẩn đỏ trên da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Trà xanh, nho đỏ, dâu tây, táo, mận, việt quất, sơ ri là các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp giảm cháy nắng và trung hòa các gốc tự do dẫn đến lão hóa da.

Ngoài ra, trái cây và rau quả còn giúp cơ thể bổ sung chất xơ, nuôi dưỡng hệ vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa, giúp hàng rào bảo vệ da được phục hồi, ít bị kích ứng và ít mất nước qua da hơn. 

Stress ảnh hưởng đến da như thế nào?

Căng thẳng trong cuộc sống (stress) cũng là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến làn da. Khi stress, cơ thể thường phản ứng bằng cách tiết ra nhiều cortisol, kéo theo sự sụt giảm chức năng hàng rào bảo vệ da, tăng mất nước qua da, khiến da trở nên khô và tăng nhạy cảm. 

Ngoài ra, cortisol còn kích thích androgen, dẫn đến tăng hoạt động các tuyến bã, bít lỗ nang lông, tăng sinh vi khuẩn C.acnes gây mụn trứng cá. Cơ thể cũng tiết ra hoóc-môn giải phóng corticotropin (CRP) dẫn đến đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Stress còn gây tăng phản ứng viêm, chậm lành thương, khiến một số bệnh da có sẵn tái phát hoặc diễn tiến nặng hơn.

Gia Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI