Nữ tù nhân nhỏ tuổi nhất chuồng cọp

28/04/2017 - 14:00

PNO - Chyện tình của những người làm nên lịch sử

15 tuổi Thiều Thị Tân bước vào chuồng cọp, Côn Đảo. Mười năm vất vả tìm kiếm cô gái nhỏ tuổi nhất chuồng cọp năm nào, chàng trai nước ngoài ấy tình cờ gặp cô ở Sài Gòn. Năm xưa, cô là người đã thắp lên trong anh và hàng nghìn thanh niên khác ngọn lửa phản chiến. Nay, họ là vợ chồng.

Nu tu nhan nho tuoi nhat chuong cop
Hai chị em Tạo, Tân

Tiểu thư đi làm cách mạng

Thiều Thị Tân cùng Thiều Thị Tạo (chị cô) là con gái bà Chín Bình, tiểu thương ở chợ An Đông. Bà Chín Bình mồ côi từ nhỏ, sớm buôn thúng bán bưng phụ mẹ nuôi mấy đứa em ăn học. Lập gia đình, bà có sáu mặt con rồi thành góa phụ.

Vốn quen mua bán từ bé, lại gặp người chồng biết làm ăn, bà có của ăn của để, gom góp mua được căn nhà mặt tiền cổng chợ An Đông sầm uất, nên càng có điều kiện buôn bán hơn. Không chỉ thế, nhà bà còn là một trong những cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng ở Sài Gòn.

Người đầu tiên nói chuyện với chị em Tân về cách mạng là con trai bà vú nuôi trong nhà. Anh và đồng đội vốn được bà Chín Bình cưu mang để hoạt động nên có điều kiện giác ngộ cho hai cô con gái bà.  

Ban đầu, thật ra các anh chị không nghĩ hai cô tiểu thư ngày ngày vẫn được xe hơi đưa đón đi học lại nhanh chóng giác ngộ và lao vào hoạt động dũng cảm như thế. Mười sáu tuổi, Tạo đã là đội trưởng đội binh vận F100; Tân mới mười ba, cũng sát cánh cùng chị. Cả hai đều là những giao liên giỏi trong nội đô.

Nu tu nhan nho tuoi nhat chuong cop
Cô Thiều Thị Tân

Năm 1968, Tân và Tạo nhận nhiệm vụ mang 10kg chất nổ vào Tổng nha Cảnh sát quốc gia Sài Gòn (1 trong 19 cứ điểm quan trọng mà quân cách mạng nhắm tới). Để thực hiện kế hoạch quan trọng này, hai chị em đã thuyết phục được Thanh, hàng xóm, con gái một tiểu thương từng có thời gian ở nhờ nhà mình, đang làm nhân viên trong Tổng nha, đồng ý đưa thuốc nổ vào.

Kế hoạch thực hiện được một nửa, nhưng mới đem 5kg vào thì bị lộ do có kẻ chỉ điểm. Tân và Tạo bị bắt trên đường đi học. Hóa ra, chính Thanh tưởng đã được giác ngộ bỗng dưng quay lại phản bội.  

Cô bé trong chuồng cọp

Giặc đã dùng đủ chiêu trò tra tấn để ép hai chị em khai ra những hoạt động của tổ chức nhưng họ một mực im lặng. Nghe chúng cho hai chị em là những nữ sinh trẻ bị Việt cộng lôi kéo, dụ dỗ; Tạo thẳng thừng đáp trả: “Tôi tự tìm đến Việt cộng, chúng tôi không hề bị ai dụ dỗ, lôi kéo cả”. 

Những ngày bị thẩm vấn cũng là ngày đầu tiên dấu hiệu dậy thì đến với cô nhỏ. Tân thấy điều gì thật khác lạ đang xảy ra với mình, xin vào nhà vệ sinh kiểm tra và chết đứng hồi lâu trong đó không dám ra vì… sợ! Ở trường tuy có dạy về sự thay đổi dậy thì nhưng khi điều đó xảy ra, bất kỳ cô gái nào cũng không khỏi chấn động.

Viên cảnh sát già gõ cửa phòng vệ sinh, hối thúc: “Làm gì lâu vậy? Có cần tôi giúp gì không?”. Tân ngần ngừ mở cửa, nhờ kéo giúp… dây rút quần. Vốn chỉ quen mặc đầm, áo dài, vào đây phải mặc những bộ đồ dải rút khiến cô nữ sinh tiểu thư đâm ra lúng túng.

Càng lúng túng hơn vì cô vừa phải lót một xấp giấy vệ sinh bùng nhùng để thấm máu đang chảy ra. Viên cảnh sát nhận ra “vấn đề” nhạy cảm mà “đối phương nhí” của mình đang phải trải qua, cười thân thiện, ánh mắt lộ vẻ cảm thông.

Giúp cô bé kéo dây quần, ông thở dài: “Đang tuổi ăn tuổi lớn không lo học hành, theo đám Việt Cộng chi cho ra nông nỗi này hả cô bé. Đến cái dây quần còn không biết cột sao cho chặt…”. Về sau, viên cảnh sát ấy càng khiến chị em Tân cảm động khi trộm hai bức hình trong hồ sơ Tổng nha ra đưa cho má Chín Bình. 

Sau những trận đòn tra khảo không lấy được lời khai, giặc đưa hai chị em Tân và Tạo qua khắp các nhà tù ở Sài Gòn, Biên Hòa. Thật bất ngờ, chính trong chốn địa ngục trần gian đó, không ít cai ngục đã động lòng trắc ẩn vì hai cô bé học sinh ngây thơ, học giỏi ngoại ngữ và có kiến thức Tây học.

Tên cai ngục này đề nghị Tạo đến dạy học cho con cái mình. Đổi lại, Tạo xin cho các chị em cùng phòng giam được tắm lâu hơn, có nhiều nước sinh hoạt hơn, bữa ăn tốt hơn… Đó là những điều chưa từng có trước đây. 

Không lâu sau đó, cũng như những tù nhân bị liệt vào hàng nguy hiểm, cứng đầu khác, hai chị em bị đày ra Côn Đảo, trở thành những tù nhân trẻ tuổi nhất bước vào chuồng cọp - khu vực giam tù nổi tiếng về sự tàn bạo.

Chứng kiến những tội ác trong nhà tù, hai chị em tiếp tục cùng các cô chú, anh chị đấu tranh đòi được trả tự do. Đáp trả sự phản kháng của tù nhân, bọn lính vừa đổ vôi bột từ nóc buồng giam xuống, vừa kéo người lên để đánh, khiến máu tràn ra từ cổ tay nữ tù nhân thấm vào vôi đặc quánh.

Tưởng đã không vượt qua được, Tạo dùng tay thấm máu viết lên tường: “Tân, Tạo hy sinh ngày 15/10/1969. Đả đảo chế độ đàn áp”. Tạo bị suy kiệt cơ thể nên được đưa về Bệnh viện Chợ Quán chữa trị. Dịp này, Tân giấu chiếc còng và cái áo thẫm máu đưa chị gửi về cho mẹ, để làm bằng chứng đấu tranh đòi trả tự do cho hai con.

Ngoài sức mạnh tinh thần đã chuẩn bị từ khi còn hoạt động, được các tù nhân lớn tuổi truyền cho, hai chị em còn có sức mạnh từ tình thương vô bờ bến của má. Lần đầu gặp má trong nhà tù, hai chị em cố kềm nước mắt khi nhận ra má đã gầy đi rất nhiều.

Chắc chuyện hai đứa con gái bị bắt đã khiến má quá lo lắng. Chỉ ánh mắt và bước đi má vẫn như ngày nào. Ánh mắt sáng tươi, ấm áp chia sẻ. Bước đi nhanh nhẹn, dứt khoát. Điều đó với hai chị em còn ý nghĩa gấp trăm nghìn câu nói. Khi về, má kề tai Tân nói nhỏ: “Hai chị em ở tù đừng lo gì. Ở ngoài đã có má”.

Lúc này, bà Chín Bình đang tham gia Hội Bảo vệ phụ nữ và trẻ em của luật sư Ngô Bá Thành để có cơ hội vào ra các nhà tù gặp hai con gái. Bà tìm đến các phái đoàn quốc tế, nhờ lên tiếng đòi chính quyền Sài Gòn trả tự do cho con.

Cơ hội bất ngờ xuất hiện chốn địa ngục. Một nhóm tù nhân là sinh viên khi được trả tự do đã vẽ lại sơ đồ chuồng cọp, khu vực được xem là bí mật đối với các đoàn kiểm tra quốc tế khi đến Côn Đảo.

Một ngày, các tù nhân đang mơ màng trong ánh sáng nhập nhoạng, thì nghe tiếng xì xào… Tiếng người. Nhưng là tiếng nước ngoài chứ không phải tiếng Việt. Tù nhân chộn rộn hẳn lên như đang có những tia sáng quét vào. “Who are you? Where are you from?” - Tạo cố sức hỏi lớn như sợ sau bao trận đòn, giọng nói yếu ớt của cô không còn đủ để phái đoàn có thể nghe.

Đoàn người giật mình dùng lại. Họ bất ngờ vì ở nơi như thế này lại có người sống. Họ càng ngạc nhiên hơn khi đó lại là một cô gái trẻ, nhưng giọng đầy tự tin khi nói chuyện bằng tiếng Anh với họ. Từ Tạo và Tân, phái đoàn hiểu rõ hơn về chốn địa ngục trần gian, nơi mà những người đang ở thế giới văn minh như họ không hề nghĩ là có thật.

Thông tin về chuồng cọp Côn Đảo lan nhanh khắp thế giới. Làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam càng lan rộng hơn. Chế độ hà khắc nơi chuồng cọp được nới lỏng. Các tù nhân lớn tuổi nhìn hai cô bé bằng ánh mắt tin yêu xen lẫn nể phục: “Bé hạt tiêu mà gan lớn, giỏi giang”.

Tình yêu tìm thấy

Một ngày hòa bình, cô gái nhỏ nhất chuồng cọp ngày nào ngồi soạn lại những bức hình đã ố màu thời gian trong căn quán nhỏ. Cô giờ là chủ quán trong Trung tâm văn hóa Pháp. Một người Pháp đã vài lần ghé quán đứng gần ngó nghiêng những bức hình.

Nu tu nhan nho tuoi nhat chuong cop
 

Cô giấu cái cau mày, thầm nghĩ anh Tây này sao mà... vô duyên. Người khách khiến cô phát cáu khi tiến sát lại bên cô, lắp bắp: “Xin lỗi, cho tôi hỏi, cô có quen hai cô gái này không?”. Anh ta chỉ vào hai bức hình bé xíu ngày hai chị em bị bắt vào tù: “Tôi muốn hỏi thăm về hai cô gái này”.

Tân chau mày: “Chính là tôi và chị tôi, ông hỏi có chi không?”. Người khách không giấu được vẻ xúc động, mặt anh bỗng đỏ bừng. Giọng anh như hụt hơi: “Trời ơi, em biết không, anh đang tìm cô gái bé nhỏ trong bức hình này. Ngày còn là sinh viên, anh và bè bạn từng nhiều lần ôm hình hai chị em em xuống đường đấu tranh”...

Giọng đứt đoạn vì xúc động, anh còn đặt tay lên ngực mình tỏ thái độ trân trọng. Sống mũi Tân chợt cay sè. Cô ngạc nhiên đến độ không thể nói được gì. Họ bỗng chốc thành thân thiết chỉ sau vài câu hỏi han. Anh chàng Tây hồn nhiên xin phép đến nhà Tân chơi. Hồn nhiên giúp má lau dọn nhà. Sau ba ngày kết thân với những người trong nhà, anh hồn nhiên hỏi cưới cô.

Nu tu nhan nho tuoi nhat chuong cop
Vợ chồng cô Thiều Thị Tân

Khi đó, cô gái nhỏ năm xưa đã qua một lần đò vì không hợp bến, có một con trai nhỏ. Anh chàng nước ngoài vẫn cương quyết theo đuổi dù cô tìm mọi cách “chạy trốn”. Cuối cùng họ cũng về chung nhà, rồi mở một quán ăn Việt ở Campuchia.

Quán ổn định, Tân quay lại sống trong ngôi nhà nằm giữa khu vườn rộng cùng những người ruột thịt; để mỗi ngày hai chị em có thể cùng ra ngồi bên mộ má Chín Bình ngay trong vườn, chuyện trò thân tình như má vẫn còn bên cạnh họ. Khoảng cách hàng trăm cây số giữa hai vợ chồng như không hề xa, bởi họ đã có thể được nhau sau hàng chục năm và hàng ngàn cây số.

Nếu muốn hiểu thêm câu chuyện như cổ tích này, bạn có thể tìm đến lớp võ Vovinam của bà Năm - cô Thiều Thị Tân ngày nào, ở Q.12, TP.HCM. Lớp võ này hàng ngày vẫn dạy miễn phí cho bọn trẻ quanh khu vực, hầu hết là con nhà lao động nghèo. Không chỉ dạy võ, bà Năm còn hút hồn bọn trẻ bằng những câu chuyện thời chiến tranh mà mình đã đi qua. Ở đấy, bạn có thể ngồi nghe bà Năm kể chuyện cổ tích có thật ngày nảy ngày nay...

Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI