NTK Chương Đặng: "Tôi ví phụ nữ là trà"

10/03/2013 - 02:09

PNO - PNCN - Câu chuyện về chàng trai rời ngôi làng nhỏ ở phố núi sang trời Tây du học với những khởi điểm đầu đời vốn dĩ không công bằng như mọi người (bị sốt bại liệt năm bốn tuổi) là minh chứng cho một tố chất quyết liệt,...

NTK Chuong Dang:

Cơ duyên để mọi người biết đến anh chính là thời trang. Rất bụi bặm với jean và rất “tình” với áo dài. Trang phục của anh không quá lòe loẹt bởi chi tiết. Người mặc có cảm giác gần gũi với đời sống và áo quần có dịp hao mòn vì tần suất sử dụng. Thời trang không phải là đích đến cuối cùng của anh, nó chỉ là con đường. Anh tìm được niềm vui cũng như sự quý mến của bạn bè, khách hàng bằng vô số những công việc tồn tại song song trên con đường ấy.

Gần đây nhất là vai trò tạo phong cách, làm đẹp cho chị em trên các show truyền hình bằng việc tư vấn lựa chọn trang phục, phục sức, cách trang điểm hay làm “công tác tư tưởng” để họ tập làm quen với khái niệm yêu quý bản thân mà thấy mình đẹp hơn, biết tận hưởng từng phút giây sống hơn. Với anh, không chỉ “phụ nữ đẹp mới có quà”, anh muốn họ hiểu tất cả đều xứng đáng nhận những món quà do chính mình tạo ra và đủ khả năng đón nhận những món quà ngưỡng mộ từ một ai đó vì sự thiện cảm với mình. Có thể điều ấy có chút phù phiếm, nhưng lại hết sức cần thiết cho những nặng nề không lời đang làm ách tắc cuộc sống mà họ không có phương pháp hóa giải. Đó chẳng phải một việc làm đậm nhân văn sao!

Những cuộc tìm đến trò chuyện và lựa chọn quần áo cùng anh, xét cho cùng là mong muốn tìm kiếm cảm giác êm dịu của tấm lụa mát mềm áp khẽ lên má khi đời sống “nóng hổi” ngoài kia. Câu chuyện làm ra chiếc áo dài khiến người ta có cảm giác như nó chỉ dành cho riêng mình vì sự thấu hiểu, ân cần họ nhận được từ anh. Như chuyện một người đàn ông hết mực yêu thương người đàn bà của họ mà không nề hà rót một ly nước đưa tận tay nàng hay phe phẩy vài hơi quạt khi thoáng thấy đâu đó hơi thở nhọc.

Anh tri ân mảnh đất sinh ra mình bằng ngôi trường nhỏ dạy ngoại ngữ cho trẻ em nơi đây. Để duy trì nó giữa bộn bề công việc ở thành phố, anh cần đến sự giúp sức của những người thân trong nhà. Anh tranh thủ thời gian về thăm nom như một cách nhen hy vọng cho những đứa trẻ. Anh muốn mở ra cho chúng những chân trời mới thông qua ngôn ngữ. Anh cũng hay dành thời gian đi đây đó tham gia các lớp dạy trà đạo cho người khuyết tật những khi có dịp.

NTK Chuong Dang:

* Anh lựa chọn công việc thiết kế cho thời trang nữ xuất phát từ tấm lòng trân trọng, ưu tiên quan tâm phụ nữ hay lợi thế từ số đông khách hàng của thời trang trong nước không ai khác ngoài họ?

- Cả hai. Những mối tình bền chặt đều xuất phát từ hai phía mà!

* Tôi thích quá trình anh tạo ra chiếc áo dài Kujeans. Nó gây ấn tượng bởi công năng ứng dụng linh hoạt (chất liệu hút mồ hôi, sử dụng được cả hai mặt, có chiều hướng free size, phù hợp với nhiều hoàn cảnh xuất hiện, sinh hoạt…) và còn đem lại nhiều thiện cảm bởi một quá trình tìm hiểu tâm lý và sẻ chia những bất tiện của phụ nữ thành thị khi mặc áo dài. Phải có nhiều yêu thương mới làm được vậy, đúng không?

- Vâng, tôi luôn cảm thấy mình nợ nần những người phụ nữ xung quanh mình. Những người đàn bà tôi quen đều có thứ tự ưu tiên cho chồng, cho con, hay cho người tình trước khi tự chăm sóc mình. Ngay cả những phụ nữ đẹp và chưng diện đều phải tóm vén thời gian, và chu toàn quá nhiều thứ trước khi toàn tâm, toàn ý chăm lo cho chính họ.

* Thầy giáo dạy ngoại ngữ - kinh doanh trà, cà phê - thiết kế thời trang - tư vấn phong cách - người viết - sắp tới là một nhà hàng về phở, một quá trình thú vị và sôi nổi! Nền tảng bản thân giúp gì cho anh trong việc hình thành cái tên Chương Đặng đang dần trở nên quen thuộc?

- Tất cả những điều ấy thật ra cũng là phong cách sống mà thôi. Tôi lại sẵn có sự thiết tha.

* Từng du học ở trời Tây, làm việc với họ, nhưng ngôi nhà (cũng là cửa hàng) của anh rất Việt. Sự ngẫu nhiên trong bài trí, bình dị và thiết thực trong sử dụng, cả việc chọn áo dài hay những sản phẩm jean trang trí bằng họa tiết thêu tay làm mặt hàng kinh doanh chủ đạo cũng cho thấy anh khá kiên định với “chất Việt” của mình?

- Tôi luôn thích là một người Việt ưu tú.

NTK Chuong Dang:

Thời trang không phải là đích đến cuối cùng của Chương Đặng, nó chỉ là con đường.

NTK Chuong Dang:

* Sự từng trải trong đời sống hay trong tình trường cho anh một sự mẫn cảm khác thường trong việc hiểu về phụ nữ?

- Trong đời sống. Vì kinh nghiệm tình trường chỉ giúp người ta thể hiện tình yêu tốt hơn, chứ chẳng giúp được mấy cho việc hiểu một cách thấu đáo về con người.

* Anh viết về phụ nữ nhuần nhuyễn như việc nắm vững công thức bí quyết nấu một món ăn ngon, chắc hẳn anh quan sát rất tinh tường thậm chí có chút đóng góp của một “giác quan thứ sáu” huyền bí nào đó. Có lúc nào anh cạn cảm hứng từ họ?

- Không, hoặc chưa. Tôi ví phụ nữ là trà! Chỉ có trà mới giúp người ta vừa có thể thiền định, lại vừa có thể hưng phấn. Nếu một lúc nào đó, tôi cạn cảm hứng từ họ, thì tôi biết chắc rằng tôi không còn yêu mến cuộc đời nữa.

* Thói quen viết hỗ trợ anh thế nào trong việc tư duy tạo mẫu thiết kế hay tạo dựng một phong cách?

- Để giúp người khác hiểu mình tốt hơn, thì ngôn ngữ phải đơn giản và chân thật. Mà thiết kế, đặc biệt là phong cách lại càng cần đến sự dễ hiểu và chân thật. Tôi nghĩ thế!

* Và sự lãng mạn nữa?

- Chẳng qua chỉ là sự đồng cảm đáng yêu. Chúng ta gọi một hành động là lãng mạn đơn giản vì chúng ta có chút đồng cảm; không thì gọi là sến hoặc tệ hơn là bất thường.

* Cảm giác làm người tạo ra, săn sóc, lựa chọn phong cách làm đẹp cho một người em hay người chị, người bạn hay một người man mác tựa tình nhân có làm cho anh bớt đi nam tính và “khó ăn nói” với những nam nhi xem chuyện áo quần không nằm trong tầm quan tâm của mình?

- Có, thỉnh thoảng tôi cảm thấy thế thật! Nhưng tôi chưa bao giờ thấy “khó ăn nói” với ai cả; nhất là với những nam nhi không quan tâm chuyện áo quần!

NTK Chuong Dang:

* Việc anh tiếp đón và trò chuyện với khách hàng rồi dần thành bạn bè thân quen, cả việc anh hay nhường chiếc ghế đỏ yêu thích nhìn ra khu vườn nhỏ của mình cho họ thật sự đẹp như câu chuyện không có thật giữa nơi chốn giằng xé mưu sinh này. Anh đang nỗ lực “sống đẹp” đấy à?

- Ơn trời, chúng ta phải nỗ lực trong rất nhiều việc. Nhưng sống đẹp lại chẳng phải cố gắng gì mấy; chỉ làm mình thấy dễ chịu thêm mà thôi! Này nhé, nếu tôi nhường cho ai đó chiếc ghế da màu đỏ thì có phải là tôi được ngắm nhìn họ rực rỡ và đáng mến hơn trước mắt tôi không? Nhất cử lưỡng tiện còn gì.

* Anh bảo đời sống tự lập của người đàn ông độc thân như anh khá thú vị. Tôi hoài nghi rằng sự cô đơn cũng có những mùi vị không dễ chịu chút nào.

- Tôi thấy sự cô độc mới đáng sợ. Còn cô đơn thì tôi thưởng thức hoài, nói thật là thỉnh thoảng, tôi bỗng thấy rất khoan khoái với sự cô đơn. Tôi thấy nó đẹp!

* Sau mỗi cuộc trò chuyện với anh, rất nhiều người (thường là các nàng) đều ngầm được nhận một thông điệp“yên tâm, rồi mọi thứ sẽ ổn cả!”. Họ - hớn hở như nhận được quà hoặc bâng khuâng như chưa tin trên đời vẫn còn một con người (mà lại là đàn ông) tử tế đến vậy (ít nhất là qua lời nói). Mọi thứ có ổn thật không anh?

- Nếu thật sự có gì đó bất ổn, thì rồi nó cũng sẽ ổn ngay khi chúng ta thay đổi cách nhìn về nó với một chút lạc quan và yêu đời. Thấy ổn, là ổn!

* Anh nghĩ gì về quan niệm “lập gia đình”. Đó có nhất nhất là điều kiện cần và đủ của một phụ nữ trưởng thành?

- Tôi tin tưởng vào giá trị gia đình. Một người trưởng thành thì nên nghiêm túc với việc tạo dựng tổ ấm. Nhưng tôi cho rằng khái niệm “lập gia đình” và “bước vào hôn nhân” hoàn toàn khác nhau!

* Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện này.

Vân Es (thực hiện)
Ảnh: Nguyên Trương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI