NSƯT Nam Hùng: Một phẩm giá của cải lương vừa rời đi

23/10/2020 - 06:30

PNO - Một hiệp sĩ của cải lương vừa rời đi. Có lẽ, ông không hốt hoảng hay sợ hãi gì cái giây khắc tử biệt nhưng hẳn là nấn níu phút sinh ly.

Ông xót xa con gái sinh sống xứ người. Ông dằng dặc khi để lại người tào khang khăng khít bao năm. Ông còn nhiều tâm nguyện, thậm chí như món nợ mà ông luôn đeo mang, luôn cảm thấy chưa trả kịp trước người thầy, người mẹ đã dưỡng nuôi ông khôn lớn, thành danh…

Nam Hùng hào sảng trên sân khấu. Ông ca diễn đầy sôi nổi mà vẫn giữ nét chỉn chu. Chuyên trị vị trí kép độc, lẳng, thi thoảng ông kín đáo “thả” vào đó chất mùi tình tứ, rất duyên. Cái lạ của Nam Hùng là ông thoắt ẩn thoắt hiện từ nhân vật ra diễn viên, ông là thầy Đề (trong Ngao sò ốc hến), là Đổng Trác (trong Lữ Bố hí Điêu Thuyền), là Chu Phác Viên (trong Lôi vũ) nhưng bất chợt, ông làm người - quan - sát, giễu cợt, hoạt kê, công phá chính vai diễn của mình. Tôi hiếm thấy có một nghệ sĩ nào ngạo nghễ với nhân vật - diễn viên như thế, vừa hóa thân vừa “gián cách” với nhân vật mà mình thủ diễn - chứng thực một tài năng. 

Vợ chồng nghệ sĩ Nam Hùng - Tô Kim Hồng
Vợ chồng nghệ sĩ Nam Hùng - Tô Kim Hồng

Sự mực thước, hơn thế là tính nghiêm cẩn trong nghề khiến ông đích thị là người - giữ - đền, cả trên sàn diễn lẫn ngoài đời, nhất là các hoạt động xã hội, ái hữu tương tế. Về điều này, tôi nghĩ, ông nhận lãnh từ người bảo bọc ông - NSND Phùng Há. Kiệm lời nhưng quyết liệt, nhân hậu mà bộc trực, khái tính. Thái độ đúng sai rõ ràng, dứt khoát ở ông đôi khi dễ khiến người khác… khó chịu; nhưng chính ông lại chịu sự dằn vặt, tự tổn thương không ít. 

Nhiều lần, ông gọi cho tôi, trao đổi, tranh luận, trút bỏ. Cảm nhận sự bất lực mà ông đang gánh, vừa xót xa vừa kính trọng. Bởi trong mọi hoàn cảnh, tình huống, ông luôn giữ gìn một phẩm giá cho cải lương, ông đau đớn nếu một ai đó tìm cách hiểu không đúng, hiểu sai, dẫn tới những lời nói, hành vi bỉ bôi nghề, thóa mạ đồng nghiệp.

NSƯT Nam Hùng, sinh năm 1937. Từ đất Bắc ông theo cha lưu lạc vào miền Nam. Rồi cha mất, ông may mắn được NSND Phùng Há nhận làm con nuôi, được bà cho ăn học và truyền nghề hát. Ông vừa qua đời ngày 21/10, hưởng thọ 83 tuổi.

Tang lễ được tổ chức tại số 28, đường số 3, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM. Lễ động quan lúc 8g ngày 24/10, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Bình Dương.

Tôi - một kẻ ngoại đạo, như cảm thấy có lỗi trước ông vì lỡ phải chứng kiến, hoặc giả phải im lặng trước những “biến tướng” của nghề, thói giả danh nghệ thuật. Nhưng bao giờ ông cũng cười hồn hậu "ráng lên con, nói thẳng thường ít ai ưa nhưng bẻ cong ngòi bút thì người ta cười cho…".

Những năm tháng sau này, ông bà sống khá chật vật nhưng tự lập và tự trọng. Bán căn nhà ở An Bình (Q.5, TP.HCM) mua được hai miếng đất, sau này, ông bà bán lấy tiền gửi ngân hàng. Một thời gian, ông bà mở quán phở ở Gò Vấp, sau chuyển qua quận 10. Ông đảm nhận phần nêm nếm, dậy từ sớm. Quán đông khách nhưng lo sức khỏe của chồng, vợ ông - NSƯT Tô Kim Hồng đành đóng cửa. 

Một lần tôi ghé quán, có mấy vị khách dùng khăn xong, lén lấy đi luôn. Ông bà đều thấy nhưng chỉ nhìn, rồi cười, không nỡ đòi. Quán nằm gần Bệnh viện Hòa Hảo, người nghèo tứ xứ đổ về khám bệnh, ghé quán nghệ sĩ vừa ăn vừa tranh thủ… dòm mặt. Ông bà chu đáo, tận tâm, có khi không lấy tiền, có khi còn nhét thêm mấy chục ngàn đặng phụ tiền xe. 

Họ giữ cái thói quen rất cũ, mỗi sáng, ông pha một ly cà phê đen, hai người cùng uống. Họ chưa một lần to tiếng, có lần, giận ông, bà leo lên xích lô đi một vòng Sài Gòn, rồi rốt cuộc, biểu xe quay về nhà vì bà không biết đường. Ông thì xách xe đi lòng vòng kiếm… xích lô chở vợ. Trưa nay, bà gọi cho tôi, giọng run đứt quãng: "Chú đi rồi con ơi…".

Tôi không biết những ngày tới, sau này, ai sẽ uống nốt phần cà phê còn lại, cho bà… Và mảnh vườn bé nhỏ trên sân thượng, người ở lại sẽ chăm luôn phần cho người vừa rời đi. 

Ái Mỹ 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI