NSND Thanh Tuấn, NS Chí Tâm hát thương cố NSƯT Thanh Kim Huệ

26/12/2021 - 20:01

PNO - NSND Thanh Tuấn, NS Chí Tâm đã khơi gợi lại nhiều hình ảnh đẹp của NSƯT Thanh Kim Huệ qua những bài ca cổ tự sáng tác.

Làng cải lương lại mất đi một nghệ sĩ tài danh. NSƯT Thanh Kim Huệ ra đi để lại trong lòng công chúng, đồng nghiệp nỗi xót thương. NSND Thanh Tuấn sáng tác bài ca cổ Những lời này anh viết tiễn đưa em để tưởng nhớ người em thân thiết. Họ đã gắn bó hơn 50 năm trên sân khấu, thu âm, đi diễn ở các tỉnh. NSƯT Thanh Kim Huệ cũng là giọng ca nữ ăn ý nhất với NSND Thanh Tuấn. 

Bài vọng cổ có nhiều lời xúc động: “Chia biệt đôi đường đôi ngã âm dương, mấy chục năm trường bao kỷ niệm thân thương, câu hò điệu lý hoà quyện vấn vương/ Cung bậc bổng trầm du dương, dìu dắt nhau đi ta làm say đắm lòng người”, “Em hiểu ý anh từng cung âm hoà quyện/ Em thông minh lắm Huệ ơi, tươi tắn đẹp vô cùng/ Cung bậc ngọt ngào em vang mãi, khắp cả năm châu/ Dù người đi ở tận nơi đâu, giọng ca em luôn khắc đậm trong lòng”… 

*Những lời này anh viết để tiễn đưa em - NSND Thanh Tuấn:

 

 

NSND Thanh Tuấn và NSƯT Thanh Kim Huệ gắn bó hơn 50 năm trên sân khấu
NSND Thanh Tuấn và NSƯT Thanh Kim Huệ gắn bó hơn 50 năm trên sân khấu

Thuỷ Cúc, Thế tử Ngũ Châu hai vai diễn kinh điển của cố NSƯT Thanh Kim Huệ và NSND Thanh Tuấn trong tuồng cải lương nổi tiếng Đường gươm Nguyên Bá được ông mượn ý để nói về tình cảm, sự gắn bó của cả hai trong một thời gian dài. Đây là vở diễn góp phần đưa tên tuổi của cả hai vươn lên hàng ngôi sao vào năm 1973. Họ được đón nhận và trở thành đôi song ca ăn ý được các hãng băng đĩa ưa chuộng.  

Bài vọng cổ thể hiện niềm tiếc thương da diết khôn ngôi của NSND thanh Tuấn, qua các câu: “Nhớ thương vô vàn Huệ ơi, em bình yên ra đi thật rồi, trả hết cho dời bao tháng năm buồn vui/ Em ơi còn gì nữa đâu, đã hết nợ nần rồi, một cuộc đời nhân sinh”, “Nếu kiếp sau được làm người ca hát mình sẽ gặp lại/…/ Thuỷ Cúc ơi giọng em ca chẳng phai mờ”. Ông hay tin NSƯT Thanh Kim Huệ mắc bệnh cách đây khá lâu, vẫn luôn cầu nguyện cho đàn em nhưng phép màu không xảy ra. Ông đau đớn dẫu đã chuẩn bị tinh thần.

NSND Thanh Tuấn cho biết trước đó ông và cố NSƯT Thanh Kim Huệ đã thu âm lại bản ca cổ Dệt chặng đường xuân, tác phẩm từng giúp cả hai gây tiếng vang, được yêu thích trong một thời gian dài. Họ dự định quay hình, sau đó phát hành nhưng chưa kịp thì mọi thứ dở dang.

NSND Thanh Tuấn viếng NSƯT Thanh Kim Huệ
NSND Thanh Tuấn viếng NSƯT Thanh Kim Huệ

NS Chí Tâm gắn bó với NSƯT Thanh Kim Huệ trong tuồng cải lương kinh điển Chuyện tình Lan và Điệp. Năm đó, khi thu âm, bà mới 14 tuổi, nhưng rất nhập vai. Vở này từng được thu âm, dựng lại nhiều lần trên sân khấu, truyền hình nhưng đến nay bản thu của bộ đôi nghệ sĩ này vẫn được xem là chuẩn mực nhất. Đây cũng là vai diễn để đời của NSƯT Thanh Kim Huệ. Năm 2019, NS Gia Bảo dựng vở này, mời bộ đôi NS kỳ cựu đóng bản sân khấu, sau hơn 40 năm thu âm.

NS ƯT Thanh Kim Huệ và NS Chí Tâm trong vở Chuyện tình Lan và Điệp
NSƯT Thanh Kim Huệ và NS Chí Tâm trong vở Chuyện tình Lan và Điệp

Lấy hình ảnh cô Lan, NS Chí Tâm viết nên bài vọng cổ Lan Huệ sầu ai, theo điệu phụng hoàng. Không có đàn cổ, ông mượn tạm đàn guitar để đệm hát. NS nói ông tiếc nuối, xót xa khi không thể về để nhìn mặt, đưa tiễn NSƯT Thanh Kim Huệ lần cuối. Bài vọng cổ da diết, nói về cuộc đời của NSƯT Thanh Kim Huệ theo đoàn hát từ năm 13 tuổi, sau đó dần nổi danh ở đoàn Kim Chung, cũng như các bản vọng cổ nổi tiếng gắn liền với bà như: Đò tình lỡ chuyến, Thà như giọt mưa, Thành phố buồn… Bài vọng cổ khen ngợi tài năng của bà với giọng hát đặc biệt, tài không đợi tuổi. 

NS Chí Tâm cũng nói thay tiếng lòng người ở lại, chồng bà - NSƯT Thanh Điền. Bản vọng cổ khiến người nghe xót xa bởi câu hát: “Đâu có ai muốn Huệ sang sông/ Mà sao Huệ nỡ sang sông một mình”. Hiện, bản vọng cổ này đã được hàng chục nghìn lượt xem trên YouTube. Đông đảo khán giả bày tỏ niềm tiếc thương cho người ra đi. Không ít trong số họ nói vẫn nhớ mãi Lan và Điệp như một dấu mốc vàng son của trăm năm cải lương: "Lời tâm sự đầy tình cảm, yêu thương. Cảm ơn cô chú đã thổi hồn cho Lan và Điệp", "Người đi nhưng Lan và Điệp sẽ vẫn còn đó, sống mãi trong ký ức của khán giả", "Nhìn chú hát mà thương quá, lại nhớ nhiều về vở cải lương kinh điển"... 

*Lan Huệ sầu ai - NS Chí Tâm:

 

 Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI