Nỗ lực bảo tồn chợ nổi lớn nhất miền Tây

26/07/2023 - 10:31

PNO - Chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ là chợ trên sông nhộn nhịp bậc nhất ở vùng Tây Nam Bộ, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Nhưng mấy năm nay, chợ nổi này thưa dần kẻ bán người mua, từ 500-600 ghe tàu mỗi sáng, nay giảm còn 200-250 chiếc và còn tiếp tục giảm…

Thương hồ bỏ chợ, bốc vác ngồi không 

Gần 12g trưa, khoảng 5 người bốc vác vẫn đang hì hục chất nông sản từ chiếc ghe neo đậu cạnh chợ nổi Cái Răng lên xe tải để đưa đi các nơi tiêu thụ. Do bờ kè cao nên ai nấy đều mệt rã, nhễ nhại mồ hôi. 

Anh Nguyễn Phước Sang - chủ một vựa nông sản ở chợ nổi này - cho hay, đây là chuyến hàng thứ hai trong ngày và cũng là chuyến cuối mà chủ vườn chở đến: “Mấy năm nay, số ghe chở hàng nông sản tới đây bán sỉ ngày càng ít. Khoảng 5 năm trở về trước, vào giờ này, mỗi chủ vựa ở chợ nổi Cái Răng đã bốc được 5-6 chuyến hàng, còn bây giờ được 2 chuyến là đã thấy nhiều rồi”. 

Khi được hỏi về dự định tương lai, chị Đặng Thị Mẫn - ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, chuyên bốc vác hàng ở chợ nổi Cái Răng - lắc đầu: “Nếu không làm được nghề này nữa thì tôi đi bán vé số hoặc đi rửa chén, kiếm tiền nuôi con”. Chị Mẫn đã có hàng chục năm làm bốc vác nông sản ở chợ nổi này. Một mình chị nuôi 2 người con, cuộc sống khó khăn nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ mất việc bởi tàu ghe chở nông sản về chợ nổi thưa dần. 

Theo chị Mẫn, khoảng 15-20 năm trước, ghe chở nông sản ra vào chợ nổi tấp nập, những người làm công có thể kiếm được năm bảy trăm ngàn đồng mỗi ngày. Gần đây, khi ngành chức năng xây bờ kè bằng bê tông ở 2 bên bờ sông thì hoạt động buôn bán khó khăn, bởi việc giao thương giữa các ghe tàu chở nông sản với trên bờ bị chia cắt. Một số chủ sạp trên bờ phải thay đổi hơn chục điểm lên hàng để tránh bờ kè bê tông. 

Chợ nổi Cái Răng lâu đời và nổi tiếng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đang có nguy cơ không còn tồn tại
Chợ nổi Cái Răng lâu đời và nổi tiếng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đang có nguy cơ không còn tồn tại

Có hơn chục năm làm nghề bốc vác ở chợ nổi Cái Răng, ông Hồ Quang Vinh cũng lo lắng về tương lai sau khi bờ kè được xây xong: “Bờ kè cao, nhấc hàng lên mất nhiều công sức, thời gian. Do công việc ngày càng nặng nhọc, nhiều người làm không nổi, đành phải nghỉ. Mà nghỉ thì không biết làm gì vì ai cũng lớn tuổi, học vấn thấp”. 

Không chỉ những người làm nghề bốc vác, nhiều chủ vựa cũng đứng trước nguy cơ bỏ nghề cha truyền con nối. Trước đây, mỗi sáng, chợ nổi Cái Răng thu hút 500-600 ghe tàu trở lên, đậu san sát nhau kéo dài cả cây số thì nay chỉ còn khoảng 200-250 chiếc và nhiều khả năng giảm tiếp. Anh Nguyễn Phước Sang nói: “Mực nước sông ngày càng dâng cao nên người ta làm bờ kè là đúng. Nhưng đoạn sông này lâu nay là điểm mua bán sỉ nông sản của TP Cần Thơ nên khi xây kè, phải xây kèm bến bãi phù hợp để lên xuống hàng hóa cho tiện”. 

Nhất thiết phải giữ chân thương hồ 

Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Đầu năm 2023, chợ nổi Cái Răng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố nằm trong tốp 50 tour du lịch độc đáo mang lại trải nghiệm thú vị tại Việt Nam. 

Mấy năm qua, các ngành chức năng của TP Cần Thơ cũng tổ chức nhiều hội thảo, tham vấn nhiều chuyên gia về các giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa chợ nổi Cái Răng nhưng chợ ngày càng thưa dần người buôn bán, sinh hoạt, du lịch. 

Ở nhiều hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên: các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển mạnh hạ tầng giao thông đường bộ, giảm dần giao thông thủy; nông dân, nhà vườn cũng chuộng bán nông sản tại vườn do thương lái đưa xe tải tới tận nơi thu mua; hệ thống cửa hàng tiện ích và siêu thị mọc lên nhiều, giúp người dân dễ dàng mua được đủ loại hàng hóa, trong đó có nông sản; hàng hóa ở chợ nổi kém phong phú, chỉ quanh đi quẩn lại gồm các loại trái cây, rau củ, hàng thủ công, hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm… 

Cách nay khoảng 6 năm, UBND TP Cần Thơ có đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, với tổng chi phí 63 tỉ đồng, mục tiêu là phát triển chợ nổi Cái Răng thành chợ đầu mối trung chuyển hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, bảo đảm môi trường và an sinh xã hội. Nhưng đến nay, đề án chưa mang lại hiệu quả thực tế. Theo các nhà chuyên môn, chợ nổi Cái Răng có những giá trị văn hóa đặc sắc như phương thức trao đổi hàng hóa, lối sống, tình nghĩa xóm giềng, sinh hoạt văn hóa (đờn ca tài tử) của thương hồ… nhưng những điều này lại bị đề án “bỏ quên”.

Ngoài những nguyên nhân trên, việc bê tông hóa 2 bên bờ sông cũng là nguyên nhân quan trọng khiến chợ nổi Cái Răng “chìm” dần. Từ khi có dự án xây kè sông, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2023 (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư), chợ nổi bị ảnh hưởng nặng nề. Công trình kè cao đã phá vỡ cấu trúc “trên bến dưới thuyền”, triệt tiêu các vựa trên bờ, phân tán thương hồ trên sông. Từ đó, thương hồ ở chợ nổi Cái Răng giảm đáng kể. 

Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng phân tích: “Thương hồ là những người làm ra văn hóa chợ nổi, là chủ thể của chợ nổi. Họ là hồn của chợ nổi Cái Răng. Do đó, phải giữ chân thương hồ thì mới giữ gìn được văn hóa chợ nổi và muốn bảo tồn văn hóa chợ nổi thì trước hết phải giữ chân thương hồ”.

Theo ông Nhâm Hùng, cần phải thay đổi bờ kè bê tông kiên cố thành bờ kè phù hợp để phục vụ chợ nổi, hoặc có thể hạ thấp độ cao lan can, làm nhiều cầu tàu để bốc dỡ hàng hóa thay vì các bậc tam cấp. Phải tạo điều kiện tốt nhất cho thương hồ buôn bán thuận lợi để họ không bỏ chợ nổi mà đi. Ông nói: “Không gian chợ nổi gắn kết đa chiều từ trên bờ đến mặt sông. Khi việc giao thương mất nhiều thời gian, công sức, chi phí, thương hồ bỏ đi là chuyện sớm muộn”. 

Để thương hồ trở lại buôn bán ở chợ nổi, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch UBND quận Cái Răng - cho biết, đã đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cùng các sở, ngành liên quan bổ sung danh mục về đầu tư các công trình phụ trợ vào dự án xây dựng bờ kè ở khu vực chợ nổi theo hướng xây thêm cầu tàu, điểm dừng chân, bến lên xuống hàng hóa để không gây chia cắt giữa chợ nổi với trên bờ; có chính sách hỗ trợ vốn, miễn thu phí đối với tàu ghe kinh doanh ở chợ nổi. 
Cuối tháng 6/2023, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đã ký quyết định thành lập Ban Quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng nhằm phát triển du lịch, phân công ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - làm trưởng ban.

Bảo Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI