"Nô lệ thời hiện đại" ở Ả Rập Xê Út

02/10/2022 - 21:04

PNO - Những phụ nữ người Kenya đến Ả Rập Xê Út làm công việc giúp việc gia đình đã trở thành nô lệ thời hiện đại khi bị lạm dụng thể chất, tinh thần và tình dục.

Ngày rời Kenya để đến Ả Rập Xê Út làm công việc giúp việc gia đìnhJoy Simiyu tin rằng cuộc đời cô sắp có một bước ngoặt mới tốt đẹp hơn. Cô gái 25 tuổi chưa bao giờ hình dung mình sẽ phải kiếm sống bằng công việc nội trợ, ước mơ của cô đã trở nên xa vời sau khi cô bỏ học đại học vì áp lực tài chính.

Simiyu là một trong số những người Kenya đến vùng Vịnh để tìm việc làm. Cô cho biết: “Tôi đã rất khao khát có việc làm, tôi muốn có tiền để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình".

Nhưng trong vòng vài tháng, Simiyu đã trở lại Kenya sau khi bị lạm dụng. Cô đã cảnh báo những người khác không nên đến Ả Rập Xê Út làm việc.

Phụ nữ Kenya đang được đào tạo để trở thành người giúp việc gia đình để chuẩn bị cho họ tìm việc làm tại Ả Rập Xê Ú
Phụ nữ Kenya được đào tạo để trở thành người giúp việc gia đình, sau đó họ sẽ được đưa đến Ả Rập Xê Út làm việc

Ả Rập Xê Út được xem là một trong những nơi làm việc nguy hiểm nhất thế giới. Những người sử dụng lao động ở quốc gia vùng Vịnh đã bị cáo buộc lạm dụng thể chất, tinh thần và tình dục những người di cư đến làm việc cho họ trong nhiều năm.

Ở Kenya, các báo cáo về lạm dụng đã gây phẫn nộ. Đầu tháng này, những bức ảnh về cô gái trẻ Diana Chepkemoi được chia sẻ rộng rãi và lan truyền mạnh mẽ. Trong ảnh, cô trông yếu ớt vô cùng khi đang bị lạm dụng và bị bỏ rơi. Dưới áp lực ngày càng tăng từ công chúng, chính phủ đã cho cô hồi hương.

Không chỉ Diana Chepkemoi, Simiyu mà rất nhiều lao động giúp việc gia đình khác ở quốc gia vùng Vịnh đang phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự.

Simiyu đã bị lạm dụng liên tục, bị buộc phải làm việc trong nhiều gia đình, trong tình trạng thiếu thốn thức ăn và chỗ nghỉ ngơi. Chủ nhà còn giữ lại tiền lương của cô vì “không làm đủ công việc để đòi trả lương”, hoặc rằng cô sẽ được trả đúng hạn vì “cô không đi đâu cả”.

Diana Chepkemoi đến Kenya sau khi được hồi hương từ Ả Rập Xê-út sau khi bị chủ lao động tố lạm dụng và bỏ rơi. Ảnh: #BringBackDianaChepkemoi
Diana Chepkemoi vui mừng khi được hồi hương

Fred Ojiro, nhân viên của tổ chức vì phụ nữ Haki Africa có trụ sở tại Mombasa, tổ chức chuyên hỗ trợ người lao động trên khắp lục địa nói: “Đó là chế độ nô lệ thời hiện đại".

Chỉ trong năm nay, Haki Africa đã nhận được hơn 51 đơn khiếu nại từ những người giúp việc gia đình người Kenya tại Ả Rập Xê Út, họ cho biết đang bị lạm dụng. Tổ chức này cũng nhận được một số video yêu cầu giúp đỡ những người phụ nữ đau khổ, và ít nhất 10 lời kêu cứu mới sau khi các báo cáo về lạm dụng xuất hiện vào tháng 9.

Theo ước tính của Liên đoàn Công đoàn Quốc tế, có hơn 2,1 triệu phụ nữ làm công việc giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út có nguy cơ bị bóc lột.

Khi bị lạm dụng với mức độ ngày càng khủng khiếp, Simiyu đã trốn khỏi ngôi nhà đang làm việc và đến cơ quan đã tuyển dụng cô, yêu cầu được chuyển đến một gia đình khác. Cơ quan này hứa sẽ giúp cô tìm việc trong 2 ngày, nhưng cuối cùng kéo dài hàng tuần, nhiều phụ nữ khác cũng phải chờ đợi lâu hơn.

Simiyu cho biết, các công ty nhốt cô và những người khác trong khu nhà trọ, mỗi ngày chỉ cho ăn 1 bữa và ép quan hệ tình dục để đổi công việc mới. Chỉ sau khi trốn khỏi nơi này đồng thời công khai chống lại sự cưỡng bức, Simiyu và một số phụ nữ khác mới được đưa đến Đại sứ quán Kenya ở Ả Rập Xê Út, để được tạo điều kiện thuận lợi trở về quê hương.

Simiyu tự cho cô là người may mắn khi có thể trở về nhà. Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Kenya, từ năm 2020 đến năm 2021, đã có ít nhất 89 người Kenya, hầu hết là lao động giúp việc gia đình, chết ở Ả Rập Xê Út. Ả Rập Xê Út cho rằng họ chết là do "ngừng tim".

Trước những con số thống kê nghiệt ngã này, Bộ Ngoại giao Kenya đã đề xuất lệnh cấm đưa lao động giúp việc gia đình người Kenya đến Ả Rập Xê Út - cho đến khi các biện pháp bảo vệ được thực hiện.

Các quốc gia như Uganda và Philippines trước đây đã ngừng triển khai lao động giúp việc gia đình của họ đến Ả Rập Xê Út do có nhiều báo cáo về lạm dụng, nhưng sau đó đã dỡ bỏ lệnh cấm. 

Đối mặt với áp lực ngày càng lớn, Ả Rập Xê Út cũng thực hiện một số biện pháp để bảo vệ người lao động trong nước, nhất là với lao động là phụ nữ nhập cư.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI