"Nín thở" chờ hết dịch

23/04/2020 - 06:00

PNO - Hơn ai hết, những người đang thất nghiệp hoặc đang phải làm việc cầm chừng rất mong dịch bệnh qua mau, để hành trình cơm áo mưu sinh được trở lại bình thường.

"Em sợ người ta bắt mất con"

"Em sợ người ta bắt mất con" - nữ công nhân Đỗ Thị Ánh, 38 tuổi, ở trọ tại đường Bờ Sông, khu phố 2, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM, lắp bắp cùng với những giọt nước mắt thống khổ lăn trên khuôn mặt khô héo.

Chị Ánh (quê tỉnh Phú Yên) và chồng (quê tỉnh Bến Tre) cùng làm công nhân cho Công ty Pouyuen đã 8 năm nay. Lương tháng của hai vợ chồng sau khi trừ tiền gửi con 5 tuổi và mọi sinh hoạt hằng ngày, tiền trọ, điện, nước… hầu như chẳng còn dư đồng nào. 5 năm trước, trong thời gian thai kỳ, bác sĩ phát hiện chị bị cao huyết áp vô căn, thiếu máu do hở van tim ba lá. Sau khi sinh mổ đến nay, chị thường bị kiệt sức, ngất xỉu. "Bác sĩ khuyên cần phải nghỉ ngơi, chữa trị, tránh làm việc nặng. Nhưng em không đi làm thì lấy đâu ra tiền để chi tiêu hàng tháng" - chị Ánh quệt nước mắt.

Bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, thăm hỏi nữ công nhân Công ty Pouyuen
Bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, thăm hỏi nữ công nhân Công ty Pouyuen

Tuy nhiên, từ sau Tết, dịch Covid-19 xuất hiện, trường mầm non đóng cửa, vợ chồng chị đem gửi con bên ngoài với chi phí 120.000 đồng/ngày khiến việc chi tiêu càng thêm eo hẹp. “Không đi làm thì không được, mà gửi con đi làm cũng không an tâm, cứ nơm nớp sợ người ta bắt mất con mình" - chị Ánh giàn giụa nước mắt.

"Cô đặc" trong căn gác trọ

Nữ công nhân Trương Dương Hoàng Ny, ở tại khu trọ trong một con hẻm trên đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình. Quê chị Ny ở H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Chị vào thành phố làm công nhân may tự do đã 7 - 8 năm nay. Chồng chị bán hàng online. Công việc vất vả, thu nhập lại thấp, nhưng nhờ tằn tiện nên vợ chồng chị cũng tạm ổn khi nuôi hai con nhỏ 3 tuổi và 5 tuổi.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến sản xuất đình đốn, xưởng hết hàng, chị Ny phải tạm nghỉ, thu nhập của gia đình bé nhỏ đã giảm đi hơn một nửa. Nhưng khó khăn chưa dừng lại khi cha chồng của chị Ny bị ung thư phải vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Sau ca phẫu thuật, do hoàn cảnh ở xa, nên cha mẹ đã về ở cùng phòng trọ với vợ chồng chị để tiện bề chăm sóc, đi lại tái khám. Bốn người quay quắt trong không gian chật hẹp với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. “May mà bọn em đã đưa hai đứa nhỏ về ngoại, tiền trọ cũng được giảm 300.000 đồng, cô chủ nhà trọ lại cho gạo mì nên cũng cầm hơi qua ngày. Tụi em, mong hết dịch để ra ngoài kiếm việc làm, chứ như hiện nay sẽ không cầm cự nổi nữa" - chị Ny, trải lòng.

Lãnh đạo thành phố rất biết ơn bà con nhân dân

Sáng ngày 21/4, bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - cùng lãnh đạo Ban Dân vận và Hội LHPN TP.HCM đã đến thăm hỏi nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và biểu dương các nữ chủ nhà trọ có tinh thần tương thân, tương ái. Bà Võ Thị Dung xúc động trước tấm lòng thơm thảo của bà Triệu Thị Mươi - nữ chủ khu trọ 55 phòng (đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình) - đối với những lao động nghèo đang thuê trọ.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, thăm hỏi gia đình công nhân ở trọ P.15, Q.Tân Bình
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, thăm hỏi gia đình công nhân ở trọ P.15, Q.Tân Bình

Được Hội Phụ nữ vận động, bà Mươi đã không đắn đo khi quyết định miễn, giảm tiền trọ trong ba tháng cho toàn thể người ở trọ. Cụ thể, miễn cho ba phòng (3 triệu đồng/phòng) và giảm từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng cho tất cả các phòng. Tổng số tiền miễn, giảm trong ba tháng lên đến gần 100 triệu đồng. Bà Dung hoan nghênh nghĩa cử và tấm lòng cao đẹp của các chủ nhà trọ trong việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn lúc dịch bệnh. 

Tại P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, nơi tập trung đông đảo công nhân Công ty Pouyuen, đoàn đã đến thăm chủ nhà trọ Phù Nhật Phượng, người tiên phong trong việc trang bị khẩu trang, dụng cụ sát khuẩn cho người thuê trọ, giảm tiền trọ 300.000 đồng/phòng cho 71 phòng trọ.

Bà Dung cũng đã trực tiếp thăm hỏi, tặng quà cho các nữ công nhân.

"Lãnh đạo thành phố rất biết ơn bà con nhân dân đã thể hiện tình cảm, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn. Mong rằng đại dịch mau qua để cho công việc của mọi người được ổn định, kinh tế phục hồi và phát triển. Tôi mong rằng, Hội Phụ nữ, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên… sẽ tiếp tục động viên, phát huy những hình thức chia sẻ có ý nghĩa thiết thực trong lúc này" - Phó bí thư Thành ủy nói. 

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI