Những sai lầm về chính sách khiến châu Âu tái bùng phát dịch

22/09/2020 - 06:00

PNO - Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge cho biết 300.000 ca nhiễm mới ở châu Âu trong tuần qua là con số cao nhất từng có, hơn cả đợt bùng phát vào tháng Ba. Chỉ trong hai tuần đầu tháng 9, số ca mắc mới tăng gấp đôi ở hơn một nửa số quốc gia thành viên châu Âu.

Làn sóng bùng phát thứ hai

Sau khi ngăn chặn thành công đợt lây nhiễm và tử vong đầu tiên, châu Âu hiện đang ở giữa làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai khi mùa đông đến gần. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), số ca mắc COVID-19 hằng ngày ở Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh trong tuần này đạt mức cao kỷ lục hơn 45.000 ca, buộc các nước áp đặt hạn chế xã hội mới ở những nơi đã mở cửa trở lại. Pháp, Ba Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha đối mặt với đợt bùng phát thứ hai đáng sợ và đã bắt đầu hành động để hạn chế thiệt hại.

Thủ tướng Anh cảnh báo đất nước đang tiến vào đợt bùng phát dịch thứ hai.
Thủ tướng Anh cảnh báo đất nước đang tiến vào đợt bùng phát dịch thứ hai

Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ lo ngại về áp lực mà hệ thống bệnh viện hứng chịu trong những tháng tới và viễn cảnh về tình trạng tái phong tỏa. Theo ECDC, nhìn chung tỷ lệ tử vong của châu Âu vẫn duy trì ổn định trong 72 ngày, mặc dù Bulgaria, Croatia, Malta, Romania và Tây Ban Nha đang chứng kiến ​​tỷ lệ tử vong tăng lên.

Mức tăng trên diễn ra ngay sau kỳ nghỉ hè, khi công nhân quay trở lại các trung tâm thành phố và trẻ em đi học trở lại. WHO cho rằng sự gia tăng một phần do việc nới lỏng các biện pháp giãn cách khiến mọi người mất cảnh giác và nhiều bằng chứng cho thấy những người trẻ tuổi đang thúc đẩy đợt bùng phát thứ hai ở châu Âu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh đang đối mặt với đợt dịch mới "không thể tránh khỏi", đồng thời nói thêm rằng ông không muốn một cuộc phong tỏa toàn quốc khác nhưng những hạn chế mới là điều cần thiết. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ tính đến ngày 19/9 tại Anh đã tăng lên 4.422, nhiều hơn 100 so với ngày 18/9 và là mức tăng cao nhất kể từ ngày 8/5. Anh cũng là quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao nhất ở châu Âu, với hơn 40.000 ca tử vong, buộc chính phủ ngăn cấm các cuộc tụ họp xã hội trên toàn nước Anh từ trung tuần tháng Chín.

Ông Johnson đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội ngày càng tăng trong xã hội, chỉ trích về hệ thống kiểm tra và theo dõi nguồn lây nhiễm đang sụp đổ mà ngay cả Thủ tướng cũng thừa nhận có "vấn đề lớn".

Người dân Paris, Pháp ngắm hoàng hôn bên sông Seine vào trung tuần tháng Chín.
Người dân Paris, Pháp ngắm hoàng hôn bên sông Seine vào trung tuần tháng Chín

Trong khi đó tại Tây Ban Nha, những hạn chế mới cũng được công bố vào ngày 18/9 tại Madrid, nơi chiếm khoảng một phần ba tổng số ca mắc mới ở Tây Ban Nha. Còn tại thành phố Bordeaux của Pháp, các bệnh viện đang cạn kiệt số giường chăm sóc tích cực ICU. Thủ tướng Cộng hòa Séc Mark Rutte cho biết số ca lây nhiễm hàng ngày của nước này tăng gấp đôi chỉ trong hơn một tuần và "với tỷ lệ lây nhiễm R xấp xỉ 1,4, con số đó sẽ tăng trong ba tuần lên hơn 10.000 ca mắc mới mỗi ngày".

Những bước đi sai lầm

Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge cảnh báo về "tỷ lệ lây truyền đáng báo động" và "tình hình rất nghiêm trọng" trong khu vực, đồng thời cho biết thêm rằng các trường hợp mắc hàng tuần đã vượt quá mức từng báo cáo trong tháng cao điểm. Ông Kluge cho biết, dù có sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh ở các nhóm tuổi lớn hơn - từ 50 đến 79 tuổi - trong tuần đầu tiên của tháng 9, tỷ lệ mắc mới lớn nhất vẫn là ở những người từ 25 đến 49 tuổi.

Vào cuối tháng Tám, ông nhận định sự gia tăng dần các trường hợp lây nhiễm mới ở châu Âu một phần có thể là do "việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, bởi “khi các nhà chức trách đã nới lỏng hạn chế, người dân thường mất cảnh giác”. Tại một số quốc gia, các ca bệnh gia tăng đặc biệt nhanh chóng ở các thành phố đông dân cư, nơi mọi người quay trở lại văn phòng, trường học và nơi công cộng sau khi viễn cảnh về đợt bùng phát đỉnh điểm mùa xuân lùi vào quá khứ.

Trẻ em ở Rome, Ý quay lại trường học từ ngày 14/9.
Trẻ em ở Rome, Ý quay lại trường học từ ngày 14/9

Giống như Tây Ban Nha, Áo chứng kiến ​​mức tăng đột biến lớn nhất tại thủ đô. Thủ tướng Sebastian Kurz nói với hãng thông tấn quốc gia Áo APA rằng tình hình ''đặc biệt nghiêm trọng'' ở Vienna, nơi chiếm hơn một nửa số ca nhiễm mới của quốc gia gần như mỗi ngày.

Các quốc gia bao gồm Hy Lạp và Croatia, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh đầu tiên, có ​​số trường hợp mắc COVID-19 tăng nhanh trong tháng Tám, khi khách du lịch đến nghỉ hè sau chính sách mở cửa trở lại biên giới nội bộ của châu Âu vào tháng Sáu.

Vì vậy, trước tình hình hiện tại, các quốc gia châu Âu cần có những biện pháp chống dịch quyết liệt hơn nếu không muốn tiếp tục rơi vào khủng hoảng. Giáo sư Mark Woolhouse - một nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh (Anh) - nhận định rằng việc phong tỏa đơn thuần "không bao giờ giúp giải quyết vấn đề cho châu Âu hay bất cứ nơi nào khác; nó chỉ đơn giản là trì hoãn kịch bản xấu nhất".

Tấn Vĩ (theo CNN, News EU)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI