Những người hùng lặng lẽ sau chiến thắng Điện Biên

24/04/2019 - 05:30

PNO - 65 năm đã qua đi, những “vua phá bom” đều ở ngưỡng gần đất xa trời, nhưng ký ức về thời lửa đạn, cũng như đóng góp, hy sinh thầm lặng của các ông thì vẫn còn sống mãi cùng những trang sử hào hùng Điện Biên.

65 năm đã qua đi, những “vua phá bom” đều ở ngưỡng gần đất xa trời, nhưng ký ức về thời lửa đạn, cũng như đóng góp, hy sinh thầm lặng của các ông thì vẫn còn sống mãi cùng những trang sử hào hùng Điện Biên.

Nhung nguoi hung lang le sau chien thang Dien Bien
Anh hùng Cao Xuân Thọ (phải) khi là đội trưởng đội phá bom

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc mở đường, sửa đường, cung cấp, vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần không nhỏ vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Phá bom cũng là một phần việc quan trọng trong chiến dịch này; ở đó, các chiến sĩ luôn phải đối mặt với hiểm nguy, chết chóc.

Giản dị giữa đời thường

Tròn 65 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trịnh Văn Huyền nay đã bước sang tuổi chín mươi, râu tóc bạc phơ, gương mặt hồn hậu như ông tiên.

Cụ sống trong gian nhà nhỏ, giản dị trong con ngõ ở Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Móm mém cười, cụ bảo tường vôi cũ dễ ẩm, nên mỗi lần nghe dự báo có mưa vài ngày, cụ phải tháo bằng khen, huân, huy chương xuống, chờ hửng nắng mới treo lên kẻo ẩm mốc. Thấy tôi ái ngại nhìn quanh những tường vôi cũ, ông cụ cười khà khà: “Nhà có mười anh chị em, quê gốc ở H.Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tôi phụ trách con trâu bố mẹ thuê để cày bừa nhưng mải chơi nên đánh mất. Bố mẹ tôi chỉ còn cách bán tôi cho nhà địa chủ ở H.Can Lộc, vừa có tiền đền trâu, lại bớt được một miệng ăn. Cuộc sống thế này là đã quá đầy đủ so với ngày tôi còn nhỏ rồi, chưa kể tôi được lành lặn từ chiến trường trở về, đã là phúc lắm”.

Cùng thành phố, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Thụ đã ở tuổi 87 nhưng còn nhanh nhẹn, vẫn hằng năm đi đi, về về giữa Hà Nội, quê nhà Bắc Ninh và Quảng Ninh - nơi ông đã gắn bó suốt cả quãng đời lao động, cống hiến. Ông Thụ luôn điềm đạm, khiêm tốn trong từng câu chuyện nên ở quê, không ai biết ông là cựu thanh niên xung phong, hoạt động trong những tháng ngày khốc liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ với rất nhiều chiến công. Mãi đến khi ông 80 tuổi, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, người làng mới ngỡ ngàng vì bấy lâu nay mình sống cạnh mà không hề hay biết. 

Nhung nguoi hung lang le sau chien thang Dien Bien
Ba ông “vua phá bom” Trịnh Văn Huyền, Cao Xuân Thọ, Nguyễn Tiến Thụ (lần lượt từ trái sang) trong một lần gặp mặt

Nhiều năm nay, Anh hùng LLVTND Cao Xuân Thọ đã rời TP.Hà Nội - nơi ông gắn bó gần trọn cuộc đời - để về sống ở quê gốc Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 94 tuổi, dáng người đã hom hem, đôi mắt nom mờ mờ nhưng trí óc còn minh mẫn lắm. Ông bà vẫn hằng ngày chăm lo vườn tược, nuôi gà. Ông cụ bảo, tiếc là đồng đội ông - Anh hùng LLVTND Trần Văn Cam, một trong bốn ông “vua phá bom” năm nào - đã ra đi sớm quá. 

Bài ca không quên

Ông Thọ nguyên là đội trưởng đội phá bom, Đại đội 404, Đội 40 thanh niên xung phong Điện Biên Phủ, cùng đơn vị với ông Cam nên ký ức, kỷ niệm và nghĩa tình giữa hai người chẳng thể nào đong đếm xuể. Những ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin… là những địa danh gắn với đường Sáu huyết mạch dẫn lên Điện Biên, nên đó cũng là những điểm bị đánh phá ác liệt nhất. Riêng đèo Pha Đin, có ngày, địch thả đến 160 quả bom các loại; tốp máy bay này vừa rời đi, tốp khác đã kéo đến, theo đó là bom bươm bướm, bom na-pan… “Khi chúng tôi còn chưa phá xong loạt bom nổ chậm vừa rải thì chúng đã kéo đến thả bom mới xuống, lớp này chồng lên lớp khác thi nhau phát nổ, khói lửa mù mịt giăng kín trời, đất đá tung lên rồi ập xuống tứ phía, nhiều đồng đội tôi đã hy sinh…” - ông Thọ không ngăn được xúc động.

Ông Thọ kể, có lần, ông cùng đồng đội Trần Văn Cam phá quả bom nằm dưới lòng suối sâu, cách ngầm Tà Vài (H.Yên Châu, tỉnh Sơn La) chỉ 4m. Bấy giờ là tháng 3/1954, miền Bắc còn rét buốt, ông Cam lặn xuống suối thăm dò nhưng lạnh quá, phải ngoi lên. Thấy đồng đội run, hai hàm răng va vào nhau lập cập, ông Thọ bỗng nhớ ngư dân quê mình đi biển mùa rét đều uống nước mắm, ông bèn chạy vào trung tâm chỉ huy xin rồi nhắm mắt uống một bát. “Đúng là lạ thật, tôi uống nước mắm xong nhảy xuống suối, lần mò mãi mà không thấy rét, cuối cùng cũng tìm được quả bom. Trước khi lặn, tôi buộc dây thừng vào lưng và bàn với anh em là khi nào tôi ốp được bộc phá vào ngòi, sẽ giật dây ba lần để anh em kéo lên bờ”. Hôm ấy, sau hai mươi phút đốt dây cháy chậm, một tiếng nổ long trời vang lên, nước dưới suối dâng thành cột cao đến chục mét rồi tung tóe khắp nơi; đổi lại, cầu Tà Vài được thông xe an toàn.

Nhung nguoi hung lang le sau chien thang Dien Bien
Anh hùng Nguyễn Tiến Thụ kể về những tháng ngày phá bom bảo vệ tuyến đường huyết mạch lên Điện Biên

Ông Nguyễn Tiến Thụ - bấy giờ là đại đội phó - nhớ mãi bầu trời Tây Bắc quanh năm ẩm ướt trong mây mù, ông và đồng đội hiếm khi được mặc những bộ đồ khô ráo, trong khi chân tay thì lở loét. Bấy giờ, hổ còn nhiều, các ông vừa lo băng rừng gánh gạo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, vừa lo đốt đuốc đuổi hổ. Có hôm, giữa tháng Hai, bóng tối vừa kéo từ chân núi lên đỉnh trời thì máy bay địch thả hai quả bom nổ chậm, một quả ngay giữa ngã ba đường Cò Nòi. Ông Thụ phân công hai đồng chí Ngoạn, Tạo phá quả bom đó trước, mình và đồng chí Thụy đi phá quả còn lại cách đó 100m. “Nhưng Ngoạn và Tạo vừa tìm thấy đầu ngòi, đang chuẩn bị đặt bộc phá thì quả bom phát nổ, anh Ngoạn bị thương nặng rồi hy sinh, còn anh Tạo bị bom xé nát, chúng tôi chỉ tìm thấy một vài mảnh nhỏ của cơ thể anh lẫn cùng đất đá bên sườn đồi” - giọng ông Thụ nghẹn lại.

Đội trưởng đội phá bom, Đại đội 293, Anh hùng LLVTND Trịnh Văn Huyền kể, bom bươm bướm cực kỳ nguy hiểm. Từ máy bay xuống, bom bươm bướm lớn còn to hơn cả cái thùng phuy, nó chính là bom mẹ, khi mở ra có đến 250 quả bom con bên trong, mỗi hộp cỡ lon sữa bò có bốn cánh xòe ra để bay khắp nơi, nó hạ cánh xuống đất là ngòi nổ đã sẵn sàng, chỉ cần va vào là nổ. Vỏ của nó bằng gang nên giòn, khi nổ, vỡ ra rất nhiều mảnh nhỏ, có thể sát thương đến cả chục người. Còn bom nổ chậm không có hẹn giờ, nó nổ nhanh hay chậm phụ thuộc vào a-xít trong vòng nhựa hãm kim hỏa, một phần nữa phụ thuộc vào thời tiết, nên có quả phát nổ sau chỉ 30 phút, có quả sang ngày hôm sau mới nổ.

65 năm đã qua đi, những “vua phá bom” đều ở ngưỡng gần đất xa trời, nhưng ký ức về thời lửa đạn, cũng như đóng góp, hy sinh thầm lặng của các ông thì vẫn còn sống mãi cùng những trang sử hào hùng Điện Biên. 

 Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI