Nhà thơ Lữ Mai: "Buổi chiều ấy, có người thương binh chở tết đến nhà..."

24/01/2023 - 17:44

PNO - Người thương binh già - đồng đội của bố Lữ Mai - đạp xe đi một quãng đường dài chở theo quà bánh, mật mía, gạo nếp, củi khô... đến tặng gia đình.

Nhà thơ Lữ Mai (sinh năm 1988), hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Ngôi nhà nhỏ của chị lúc nào cũng có hoa, ấm cúng và tràn ngập yêu thương. Ký ức tết trong chị cũng đẫm đầy những nỗi nhớ niềm thương về những năm tháng tuổi thơ sống cùng bố mẹ trong ngôi nhà tranh vách đất ở sườn đồi.

Mùi tết quê nhà trong tâm tưởng của Lữ Mai là "miến dong, gạo nếp, gấc để đồ xôi đỏ", là hình ảnh người thương binh già - đồng đội của bố - đạp xe một quãng đường dài chở quà đến, để cùng chăm lo tết ấm cho gia đình...

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai

Cay mắt nhớ yêu thương, san sẻ trong giá lạnh

* Phóng viên: Chúc mừng năm mới nhà thơ Lữ Mai và gia đình! Chị đón tết với tâm thế như thế nào?

- Nhà thơ Lữ Mai: Đời sống hiện đại gần như đầy đủ mọi thứ, có thể chỉ cần một cuộc gọi là tất cả các vật dụng, món ăn, đồ trang trí sẽ đầy đủ trong nhà. Tôi nghĩ rằng điều chúng ta cần đó là chuẩn bị một tâm thế đón nhận những tin yêu, hy vọng đang được mở ra bởi đất trời, cảnh sắc, con người xung quanh.

Năm mới là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường đã qua và tiếp tục vun đắp, cống hiến cho giai đoạn mới. Muốn những điều mới mẻ, tinh khôi, ấm áp đến với mình, thì trong lòng mình cần có những điều đó trước đã. Tôi vẫn cho rằng sự chuẩn bị về tinh thần quan trọng hơn giá trị về vật chất. Ta hãy ấm áp hơn, vị tha hơn, chia sẻ hơn trước từng sự vật, sự việc, để mùa xuân nảy nở từ chính cõi lòng mình.

* Không khí đón tết trong gia đình lớn của Lữ Mai có thể được hình dung như thế nào? Có thay đổi nhiều so với ngày chị còn bé?

- Những năm tháng tuổi thơ, tết trong tôi là điều tuyệt diệu nhất. tết bắt đầu đến từ việc chờ mong, chuẩn bị. Ở một miền quê còn nghèo khó, tất cả mọi thứ phải được gom góp, tiết kiệm, thu vén từ trước tết rất lâu. Miến dong, gạo nếp, gấc để đồ xôi đỏ, thậm chí từ những chiếc lá dong đẹp nhất để gói bánh chưng cũng được chăm chút.

Bây giờ, tuy cuộc sống đã đủ đầy và tiện ích hơn rất nhiều, nhưng có những thói quen tôi vẫn muốn gìn giữ, trong đó có việc tự tay chuẩn bị tết.

Trong những chuyến công tác cuối năm, tôi thường tranh thủ lựa chọn mua đặc sản các vùng miền. Khi rảnh rỗi, tôi cũng tự chế biến những món ăn cả truyền thống và hiện đại như: dưa hành, dưa kiệu, thịt đông, bò khô… để gian bếp ăm ắp hương vị và ấm dần lên cho tới tết. Những loài hoa nở chờ xuân, những chiếc khăn trải bàn mới… Các chi tiết nho nhỏ ấy cũng được gia đình tôi vun đắp dần, và niềm vui, hy vọng bắt đầu đến từ đó.

Gia đình nhỏ của nhà thơ Lữ Mai, chồng cô là nhà thơ Đoàn Văn Mật
Gia đình nhỏ của nhà thơ Lữ Mai, chồng cô là nhà thơ Đoàn Văn Mật

* Và nếu là để nhớ về những cái tết không quên thuở còn thơ bé ấy, chị nhớ nhất về những điều gì?

- Khi tôi còn nhỏ, cả gia đình tôi sống trong một mái nhà tranh vách đất nép mình bên sườn đồi. Dù trước đó nhiều ngày tháng, bố mẹ tôi đã gom góp, tiết kiệm, nhưng cảnh nhà vẫn thiếu thốn, không biết trông ngóng vào đâu.

Một buổi chiều cuối năm, khi bố mẹ tôi vẫn còn phải đi bán hàng ở chợ xa, tôi đang ngồi bên hiên nhà thì thấy một bác đồng đội của bố từ thuở ở chiến trường đi chiếc xe đạp cũ thẳng vào ngõ nhà tôi. Trên xe cơ man nào là quà bánh, mật mía, gạo nếp… lại có cả những bó củi khô để nhà nấu bánh chưng. Trên chiếc xe đạp ấy, và người thương binh ấy đã chở cả cái tết đến gia đình tôi.

Bác đạp xe một chặng đường rất xa, từ một huyện miền núi xuống miền xuôi để chăm lo cái tết cho đồng đội. Đến giờ, tôi vẫn cay mắt khi nhớ về những buổi chiều như thế, trong giá lạnh và nghèo khó, mọi thứ đã bừng lên nhờ tình nghĩa, sự đùm bọc của “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Tết là đoàn tụ, sẻ chia

* Nếu chọn một cái tết thật đặc biệt, thật khó quên trong cuộc đời mình, chị sẽ nhớ nhất cái tết của năm nào? Vì sao?

- 2 năm trước, do tác động của đại dịch COVID-19, cả gia đình tôi ở lại Hà Nội thay vì về quê như thường lệ. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi đón tết xa gia đình bên nội, bên ngoại. Tất cả hàng hóa sắm tết đều được đặt online, nhân viên giao hàng gọi trước, tới nơi thì thống nhất điểm đặt hàng và đôi bên giữ khoảng cách.

Khi nhận đồ, tôi rất bất ngờ bởi ở đó có những lời chúc, phong bao lì xì từ các nhãn hàng và cả shipper. Họ đã chịu rất nhiều khó khăn, áp lực nhưng vẫn không quên lan tỏa tới mọi người tình yêu thương và niềm tin trong cuộc sống.

Còn bố mẹ tôi gửi quần áo mới cho cháu, thực phẩm cho các con… theo chuyến xe chiều cuối năm. Phải qua rất nhiều chặng vận chuyển mới có thể tới nơi. Mùi áo mới, mùi cỏ hoa, rau củ như gói ghém cả quê nhà. Tôi đã ngắm mãi, và thấy tuổi thơ ùa về với biết bao kỷ niệm.

Có những điều nếu nó cứ thường xuyên diễn ra, có thể ta sẽ cảm thấy bình thường, nhưng khi có khó khăn, cách trở, ta nhận thấy sự thiêng liêng ở đó. Và tết, ngoài thói quen thì không thể nào thiếu đi sự thiêng liêng trong cảm xúc của con người.        

Vườn nhà của gia đình bố mẹ Lữ Mai luôn bừng sắc hoa
Vườn nhà của gia đình bố mẹ Lữ Mai luôn bừng sắc hoa

  * “Mùi tết” luôn thân thương trong ký ức của bao người. Với chị, “mùi tết” ấy có thể là những hương vị nào?

 - Đầu tiên là mùi bếp. Căn bếp ngày tết luôn ấm áp, đủ đầy, hương vị đua chen. Rồi mùi thiên nhiên ùa vào không gian riêng nhà bạn. Một bó mùi già, một bình hoa xen lẫn nhiều loại, những thảo dược hương liệu vùng miền. Mùi của những thứ vải mới, áo mới, giầy dép mới… Dù đầy đủ tới đâu, thì gia đình tôi vẫn không mất đi sở thích sắm đồ mới cho năm mới.

Cảm nhận về ngày tết của chị khác biệt như thế nào khi mình là một đứa trẻ, khi là một cô gái độc thân và khi đã lấy chồng, có con nhỏ?

Ngày còn là đứa trẻ thì sự hưởng thụ tết có lẽ là nguyên vẹn nhất. Từ vui chơi, phụ giúp người lớn, ăn uống, đi chúc tết đều là hưởng thụ. Làm gì cũng vui, cũng hớn hở, cũng khấp khởi. Sự nghèo khó, thiếu thốn không làm mắt trẻ bớt vui, không can dự được vào thế giới đầy ngây thơ, màu nhiệm.

Những cái tết sau này, khi đã dần trưởng thành, sự chủ động trong lễ tết cũng đi cùng trách nhiệm, nỗi niềm… Mọi thứ không thể như thời còn thơ bé, nhưng đó cũng là quy luật, là dấu ấn cho sự trưởng thành của mỗi người.

Ngày độc thân, niềm vui tết của tôi gửi vào bố mẹ. Bố mẹ vui thì mình cảm thấy vui. Khi có gia đình riêng, có con nhỏ, thì gửi vào con, con vui là mình vui. Sự đoàn tụ, sẻ chia là hạnh phúc của tôi trong dịp tết.

mmm
"Muốn những điều mới mẻ, tinh khôi, ấm áp đến với mình trong năm mới, thì trong lòng mình cần có những điều đó trước đã" - nhà thơ Lữ Mai. 

* Có những vần thơ nào chị từng viết cho con, cho gia đình nhỏ từ những dịp tết đoàn viên?

- Xin được chia sẻ với bạn đọc đôi vần thơ này:

Hoa lá cùng nhau rộ đất kinh kỳ

Khoe sắc thắm trong niềm vui trẩy hội

Cả mùa xuân như vừa đơm áo mới

Phố cổ muôn màu nhịp nhịp sinh sôi.

Hàng Đường eo thon thơ thẩn áo dài

Hoa đào ửng đôi má người thiếu nữ

Những mắt trẻ tròn xoe, Hàng Mã

Tay lì xì xanh đỏ bước tung tăng.

Khắp Đồng Xuân văng vẳng xẩm Hà Thành

Bát đũa Hàng Khoai cũng ngân theo nhịp phách

Người nối người bên chợ hoa Hàng Lược

Rước mùa xuân thơm thảo, tết trong nhà.

* Một năm mới mở ra, những dự định/kế hoạch của chị với văn chương trong năm 2023 sẽ là gì?

- Tôi mong mình sẽ có nhiều hành trình, trải nghiệm, nhất là với những vùng đất còn xa lạ, để từ đó có sự sẻ chia với con người, cuộc sống và trang viết. Ý tưởng của một người cầm bút sẽ được mở ra khi bạn khởi hành. Lựa chọn sự khởi hành là lựa chọn đi về phía cái mới, cái khác trong văn chương và đời sống.

* Cảm ơn Lữ Mai!

Cầm Thi  

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI