Những nghệ nhân làng gìn giữ di sản văn hóa của cha ông

13/02/2023 - 06:45

PNO - Sinh ra, lớn lên trong những ngôi làng cổ của TP Hà Nội, đang xoay xở với cuộc mưu sinh nhưng họ vẫn say mê luyện tập, gìn giữ các bản ca trù, những tích chèo, tích rối cổ của cha ông.

Đất chiêm trũng neo “báu vật quốc gia”

Làng Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên) nổi tiếng với nghề mộc dân dụng và hát ca trù. Bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Chanh Thôn - kể: “Thời hoàng kim, những người hát hay, đàn giỏi, đoạt giải trong các cuộc thi thường được nhận những phần thưởng rất giá trị, đủ để trang trải cuộc sống, thậm chí khấm khá hơn những hộ làm nghề nông, nghề mộc trong làng. Cho nên có thời, ca trù chỉ dành cho con nhà khá giả”.

Tuy nhiên, chiến tranh đã khiến những thanh âm tom, chát, ứ hự của làng Chanh Thôn đứt quãng trong thời gian dài. Năm 2008, bà Nguyễn Thị Ngoan cùng một số người tâm huyết với những loại hình nghệ thuật xưa đã thành lập CLB ca trù sau khi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát hiện, khảo sát và đánh giá là “báu vật quốc gia”. Với 150 thành viên, CLB không thiếu người sinh hoạt nhưng đại đa số đều cao tuổi. Người trẻ trong làng học ca trù cũng đông nhưng lại học được quá ít, cả về số làn điệu lẫn sự chuyên sâu. 

Tiếng lách cách của làng mộc đều đều vọng lại. Bà Ngoan khoe: “Ca trù Chanh Thôn có tin vui là ca nương sinh năm 1989 Vũ Thị Ngân mới nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng”.

Bà Ngoan, chị Ngân truyền dạy ca trù cho các cháu nhỏ ở làng Chanh Thôn - ẢNH: MINH TUỆ
Bà Ngoan, chị Ngân truyền dạy ca trù cho các cháu nhỏ ở làng Chanh Thôn - ẢNH: MINH TUỆ

Trong vuông sân nhỏ giữa Chanh Thôn, ca nương Vũ Thị Ngân cũng tay dùi, tay đục như bao người thợ của làng. Ngoài 2 vụ cấy hái, chị làm mộc, đan lưới, thu nhập mỗi ngày trung bình chỉ 200.000 đồng. Chị Ngân không theo học ca trù từ bé như đại đa số con em trong làng. Khi CLB Ca trù Chanh Thôn đi vào hoạt động, chị Ngân đang tuổi đôi mươi. Lần đầu CLB biểu diễn ở đình làng, chị đi xem, thích quá nên xin các cụ cho học. 

Là lao động chính, lại học muộn nên thời gian đầu chị Ngân tiếp thu khá khó khăn. Chị cười: “Cả tuần, tôi chỉ hát được 1 câu, mà ứ hự còn vấp”. Khó khăn trong việc học, cùng những lo toan kinh tế đã khiến chị nhiều phen muốn dừng “cuộc chơi”, nhưng thỉnh thoảng thấy các cháu nhỏ vừa đi đường, vừa hát “hồng hồng tuyết tuyết”, lòng chị lại chộn rộn. Chị biết rằng mình không thể dứt được ca trù.

Rời gánh mạ vụ chiêm xuân, chị Ngân tranh thủ đến CLB để được các cụ rèn giũa. Là nghệ nhân ưu tú trẻ tuổi nhất, chị Ngân là người thuộc thế hệ thứ hai mang trọng trách trao truyền “báu vật quốc gia” cho thế hệ trẻ ở làng Chanh Thôn.

Bùn non bên những chiếu chèo

Đầu xuân phơi phới mưa bay, người làng Trung Lập, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên lại cấp tập vần công để sớm xong vụ cấy. Cây lúa chưa bén rễ, bùn non còn bám gót chân, bà con đã háo hức gọi nhau đi tập chèo. 

Chị thợ mộc kiêm ca nương Vũ Thị Ngân - ẢNH: MINH TUỆ
Chị thợ mộc kiêm ca nương Vũ Thị Ngân - Ảnh: Minh Tuệ

Từ năm 1936, ngôi làng thuần nông này đã có đội văn nghệ. Rồi qua lắm thăng trầm, đến nay, CLB Hát chèo Trung Lập đã có đủ các ban bệ để có thể hoàn thiện bất cứ vở chèo kim, cổ nào. Ở tuổi 74, Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhuệ Phái vẫn đang giữ vai trò đạo diễn của CLB. Thế hệ của cụ và các bậc thân sinh đã sống cả đời cùng bộ môn chèo dù vẫn mưu sinh bằng nghề nông.
Cụ Nhuệ Phái nói: “Sau 25 năm kể từ ngày thành lập, CLB có hơn 30 người thuộc biên chế chính thức, nhưng thực tế, Trung Lập đã thành “làng hát chèo” từ lâu lắm rồi. Mọi người dạy nhau hát chèo, diễn chèo”. 

Sau thế hệ cụ Phái là lứa chị Lê Thị Hài, chị Nguyễn Thị Huệ, rồi thế hệ 8X như anh Duy Thái, chị Đinh Vân… Không chỉ dựng lại các tích chèo cổ, người làng Trung Lập còn tự biên soạn những bài chèo, vở chèo đậm chất quê hương như Về Tri Trung quê mình, Khói lửa Cầu Giẽ… Bà con còn tự bỏ tiền túi ra mua đạo cụ, trang phục. 

Anh Duy Thái cho biết: “Lớp trẻ chúng tôi làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, không thuần nông như thế hệ trước nữa. Nhưng cứ hết giờ làm, trở về làng, chúng tôi lại sống cùng các chiếu chèo. Con cháu chúng tôi cũng đang lớn lên cùng những bài chèo mang nội dung hiện đại”.

Câu lạc bộ Hát chèo Trung Lập quy tụ nhiều gia đình 3 thế hệ cùng tham gia - ẢNH: MINH TUỆ
Câu lạc bộ Hát chèo Trung Lập quy tụ nhiều gia đình 3 thế hệ cùng tham gia - Ảnh: Minh Tuệ

Ông Ngô Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Tri Trung - tự hào: “Chèo ở làng Trung Lập nói riêng và xã Tri Trung nói chung có một sức sống mãnh liệt, không thể thiếu trong đời sống của người dân. Tri Trung không chỉ đẹp bởi những đường hoa rực rỡ, mà còn đẹp bởi tình yêu chèo của bà con”.

Phường rối gia đình độc đáo

Tế Tiêu là một làng nhỏ ven thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức. So với ca trù Chanh Thôn, hát chèo Trung Lập thì làng rối Tế Tiêu ra đời sớm hơn rất nhiều, từ thế kỷ XVI. Rối Tế Tiêu không chỉ là phường rối gia đình mà còn đặc biệt ở chỗ, các nghệ nhân có thể trình diễn cả rối nước và rối cạn. Với rối cạn, rối Tế Tiêu là con rối 4 que với những chi, khớp nhịp nhàng để trình diễn rối tuồng. Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa rối cạn Tế Tiêu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sân khấu 3 mặt được dựng lên. Tấm màn nhung mở cũng là lúc tiếng trống hội vang lên giòn giã. Lão trượng - nhân vật rối dẫn trò - râu tóc trắng phau hiện ra. Các nhân vật Lý Thông, Thạch Sanh (tiết mục Thạch Sanh chém chằn tinh) hay bác nông dân bé nhỏ, khôn ngoan cùng chú hổ to lớn (tiết mục Trí khôn của ta đây)… được thể hiện sinh động qua những đôi tay biến hóa khéo léo của các thành viên trong gia đình nghệ nhân Phạm Công Bằng. 
 

Anh Phạm Công Bằng kế thừa và tiếp tục trao truyền nghề múa rối cho thế hệ trẻ làng Tế Tiêu - ẢNH: MINH TUỆ
Anh Phạm Công Bằng kế thừa và tiếp tục trao truyền nghề múa rối cho thế hệ trẻ làng Tế Tiêu - Ảnh: Minh Tuệ

Anh Phạm Công Bằng đang là trưởng phường múa rối cổ Tế Tiêu. Anh và chị gái Phạm Thị Chiên là 2 người con của cụ Phạm Văn Bể - người đã dành cả đời mình gìn giữ, phát huy di sản múa rối nước Tế Tiêu. Trước đây, cụ Bể học và theo nghề múa rối cùng cậu ruột là cụ Trương Ba - một trong những nghệ nhân rối cạn tài ba nhất.

Trước lúc về với cậu ruột Trương Ba (năm 2016), cụ Bể vẫn canh cánh việc rối cổ Tế Tiêu chưa tìm lại được nét vàng son thuở trước. Nhưng rối cổ Tế Tiêu vẫn từng ngày được trao truyền, thấm vào huyết quản các con, cháu của cụ. Họ đã cùng nhau miệt mài đẽo gọt những quân rối gỗ, truyền dạy nghề rối cho thanh thiếu niên trong làng, sáng tạo những tích trò mới và tìm nhiều hướng đi để cả rối cạn và rối nước Tế Tiêu dày thêm các buổi diễn.

Phường rối cổ Tế Tiêu của đại gia đình anh Phạm Công Bằng vừa khai xuân bằng chuyến lưu diễn tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Cũng như mọi chuyến mang rối Tế Tiêu đi khắp nơi trình diễn khác, 100% chi phí hoạt động của phường đều từ tiền túi của các thành viên trong gia đình. 

Anh Bằng cười: “Chúng tôi không coi rối là nghề mà đó như một thú chơi. Phường rối hoạt động với mong muốn mang đến cho người lao động những phút giây thư giãn sau chuỗi ngày mưu sinh vất vả. Đó là truyền thống của phường”. n

Tiếp sức cho các câu lạc bộ và nghệ nhân

Cuối năm 2022, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân và CLB tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. 
Theo đó, các nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú (từ năm 2015 đến nay) sẽ được UBND thành phố hỗ trợ lần lượt 40 triệu đồng và 30 triệu đồng/người. Các CLB tiêu biểu cũng được hỗ trợ 50 triệu đồng/CLB để mua sắm trang thiết bị ban đầu, hỗ trợ định kỳ 20 triệu đồng/CLB/năm để duy trì hoạt động. 

Những người tham gia thực hành, tập luyện, trình diễn phục vụ việc quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể theo chương trình, kế hoạch của cấp có thẩm quyền tổ chức được hỗ trợ 80.000 đồng/người/buổi tập và 200.000 đồng/người/buổi biểu diễn; người truyền dạy, nghệ nhân nhân dân được hỗ trợ 500.000 đồng/người/buổi, nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ 300.000 đồng/người/buổi. Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách thành phố đảm bảo.

Với chính sách mới này, những người như chị Ngân, anh Bằng, các CLB như Ca trù Chanh Thôn, Hát chèo Trung Lập hay Rối cạn Tế Tiêu được tiếp sức, có thêm điều kiện để giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của cha ông.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI