Những ngày không quên của nữ bác sĩ chi viện cho miền Nam

17/09/2021 - 06:33

PNO - Chuyến đi là một phần tuổi trẻ của tôi - của chúng tôi, là một trải nghiệm đáng quý mà không phải ai cũng có được, là cách mà tôi được góp chút sức giúp Tổ quốc đương đầu với đại dịch.


Vậy là tôi đã kết thúc một tháng tình nguyện chống dịch tại Bình Dương. Khi đã ngả lưng lên mặt nệm êm ái, chân được duỗi thẳng trong căn phòng có máy điều hòa mát lạnh, lòng tôi vẫn còn canh cánh hướng về nơi mà đồng đội mình đang tiếp tục chiến đấu với dịch COVID-19.

Ngày 26/7, tôi cùng 32 đồng nghiệp tại tỉnh Quảng Trị bước lên chuyến xe hướng vào miền Nam để hỗ trợ tỉnh Bình Dương. Trước đó, qua truyền hình, tôi thấy đồng nghiệp của tôi trong ấy đã kiệt sức, đã ngã quỵ, tôi muốn tiếp thêm cho họ chút sức lực, chỉ đơn giản vậy thôi… 

Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân
Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân

Vào đến Bình Dương, đoàn chúng tôi tạm thời chia ra ba nhóm về ba địa điểm. Nhóm tôi về điểm Trường tiểu học Lương Thế Vinh. Ban ngày làm việc, tối đến chúng tôi xếp mấy cái bàn học sinh lại làm giường ngủ, không mùng, không chiếu… Sau một tuần, đoàn chúng tôi nhập lại và tiến về Bệnh viện Dã chiến số 3 tại Trường đại học Quốc tế Việt Đức. Chúng tôi, 33 người, vận hành block A, tiếp nhận gần 1.200 ca F0. Sau đó có hai đoàn ngoài Bắc vào vận hành tiếp block B. Mỗi buổi tối, chúng tôi tranh thủ gọi điện thoại về cho gia đình. Ba tôi tính hay lo, bảo mỗi ngày gọi cho ba ít phút để ba yên tâm. Những ngày đầu của chúng tôi - những y, bác sĩ đến từ Quảng Trị - nơi tâm điểm của cuộc chiến chống COVID-19 trên mảnh đất phương Nam bắt đầu như thế. 

Chúng tôi bắt đầu nhận bệnh, mới đầu còn lơ ngơ nên mọi việc rối tung cả lên. Có một sự kinh khủng bên trong bộ đồ bảo hộ khiến ai dịu dàng nhất rồi cũng phải phát điên lên. Mặc vào, chưa kịp ra khỏi phòng làm việc là mồ hôi đã túa ra. Đến khi lột bộ đồ ra thì mồ hôi chảy ra thành dòng, áo quần ướt nhẹp, tóc tai bê bết, mặt đầy vết hằn, bàn tay nhăn nheo vì mất nước. Chúng tôi uống một hơi hết nửa lít nước. Sau những giờ làm việc mệt rã rời, chúng tôi ngồi bệt xuống đất trong bộ đồ bảo hộ…

Bệnh nhân mắc COVID-19 trong ngày xuất viện chụp hình với bác sĩ Ngọc Vân
Bệnh nhân mắc COVID-19 trong ngày xuất viện chụp hình với bác sĩ Ngọc Vân

Nhưng mọi việc rồi cũng dần vào guồng quay. Mỗi buổi sáng, tôi đi khám cho tất cả 71 phòng bệnh với khoảng 200 bệnh nhân, về đến phòng thay đồ là mồ hôi ướt đẫm, mắt gần như không còn nhìn thấy gì. Buổi chiều tôi làm công việc hành chính cùng anh chị em, tối đi trực và ngủ một mình sát bên phòng F0. Dần dà tôi không còn sợ F0. Bệnh nhân nhiều người rất dễ thương, họ còn chụp hình lưu niệm với chúng tôi trước khi xuất viện. Những lúc mệt mỏi, tôi thường xem lại những tin nhắn ngọt ngào của bệnh nhân gửi cho, những lời cảm ơn, những lời động viên đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi.

Tôi vốn là một đứa yếu đuối, nhìn những hoàn cảnh khó khăn tôi không cầm lòng được. Ở bệnh viện dã chiến, có người già yếu không ai chăm sóc, có gia đình một mẹ với ba con nhỏ không kịp đem theo đồ đạc, tôi đã vài lần đem sữa, xà phòng, ấm nước… của mình giúp họ. Nhưng nhiều cảm xúc nhất vẫn là ở khoa cấp cứu. Có anh bạn tên D., sinh năm 1996, nhà ở Cà Mau lên Bình Dương làm công nhân, bệnh trở nặng, vào bão Cytokine, không đáp ứng điều trị, không thể tự ăn cũng như vệ sinh cá nhân. Anh Định, điều dưỡng, phải kiên nhẫn đút cho bệnh nhân từng muỗng cơm. Bệnh nhân vừa ăn vừa khóc. 

Ban đêm, có chút thời gian rảnh, chúng tôi rủ nhau đi tản bộ trong khuôn viên Trường đại học Việt Đức. Có hôm, các đồng nghiệp nam rủ nhau cắt tóc. Mỗi lần cắt tóc là mỗi lần cười ngặt nghẽo. Tôi cầm tông đơ cắt một đường trên thái dương của một anh và bảo đó là đường sấm sét. Anh em ôm bụng cười, còn anh được tôi cắt mặt bí xị, trông hết sức giải trí. Có anh cắt cho một người khác, nắn nót một hồi thành ra 
cạo trọc.

Dù cùng ở Quảng Trị nhưng chúng tôi hầu như đều là “những người xa lạ” quen và gắn bó với nhau nơi “chiến trường”, vui buồn đều chia sẻ cho nhau. Trong đoàn có chị Hảo người nhỏ nhắn, có Dạ Ngân siêu nhiệt tình, có Việt Anh với dáng đi lúc nào cũng ưỡn về phía trước… 33 người, mỗi người một kiểu, nhưng ai cũng vui vẻ, dễ thương, tình cảm. Cùng sống, làm việc, cùng vui buồn trong một tháng, chúng tôi dần gắn bó với nhau. Tình cảm như một sợi dây, càng bồi đắp, sợi dây càng dài và vững chắc.

Ngày 30/8, khi đã trở về quê và yên vị ở khu cách ly, kể lại những chuyện này, tôi thầm cảm ơn chuyến đi vừa rồi, chuyến đi là một phần tuổi trẻ của tôi - của chúng tôi, là một trải nghiệm đáng quý mà không phải ai cũng có được, là cách mà tôi được góp chút sức giúp Tổ quốc đương đầu với đại dịch. Tôi chỉ mong sao quê hương và đất nước luôn bình yên. Với đại dịch này, mọi người chúng ta hãy luôn tuân thủ 5K nhé. Phòng bệnh lúc nào cũng hơn chữa bệnh. 

 Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân

Ngọc Uyên (ghi) 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI