Những nàng thơ huyền thoại - Bài 4: Người đàn bà bị hiểu lầm

29/12/2013 - 16:10

PNO - PN - Là vợ góa của ca sĩ John Lennon - thành viên nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, Yoko Ono cũng là một nghệ sĩ tài năng không thua kém chồng. Nhưng, làm vợ John Lennon, Yoko Ono đã chịu nhiều đau khổ: bị người hâm mộ căm ghét, kết tội bà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung nang tho huyen thoai - Bai 4: Nguoi dan ba bi hieu lam

Lennon và Yoko Ono tại Công viên trung tâm New York, 1973

Mối tình định mệnh

Sinh ngày 18/2/1933, Yoko Ono là con đầu trong một gia đình quý tộc Nhật Bản. Sống vào thời nước Nhật bị tàn phá bởi chiến tranh, Yoko đã sớm bộc lộ tài năng nghệ thuật. Những năm 1950, gia đình Yoko Ono chuyển đến New York. Tại đây, bà trải qua hai cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc. Bà làm quen với nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật biểu diễn, dần trở thành một nghệ sĩ tiên phong với những ý tưởng mới.

Các tác phẩm của Yoko có xu hướng siêu thực, thử thách giới hạn của các ràng buộc xã hội và luôn tìm cách tương tác với người xem, buộc người xem phải có đầu óc mở mới hiểu được ý nghĩa. Thời đó, phong cách nghệ thuật của Yoko còn quá mới, ít người cảm nhận được nên bà thường bị chê cười. Tuy vậy, hoạt động nghệ thuật của Yoko trong nhóm nghệ sĩ Fluxus đã tạo được sự chú ý trong giới trí thức Anh.

Một đêm mùa đông năm 1966, tại show triển lãm nghệ thuật ở London, bà đã gặp mối tình sét đánh của đời mình: John Lennon - nhạc sĩ lỗi lạc người Anh, biểu tượng của nền văn hóa đương đại, thành viên chủ chốt của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles. Trong buổi triển lãm, Yoko bước tới, đưa John tấm thiệp ghi một chữ duy nhất: “Breath” (Thở). Hai tâm hồn đầy sáng tạo này hút vào nhau một cách tự nhiên. Cuộc gặp gỡ đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Yoko Ono và John Lennon. Sau khi cả hai ly hôn với cuộc hôn nhân trước đó, John và Yoko cưới nhau năm 1969 tại Gibraltar, khởi đầu cho sự ra đời của hàng loạt tuyệt tác nghệ thuật.

Nhung nang tho huyen thoai - Bai 4: Nguoi dan ba bi hieu lam

John Lennon và Yoko Ono

Đánh thức John Lennon

John Lennon xem Yoko Ono là người phụ nữ đã cứu rỗi linh hồn mình, biểu tượng ông từng nhắc đến trong ca khúc Lucy in the Sky with Diamonds. Ông xem Yoko Ono còn quan trọng hơn cả những bài hát để đời, danh vọng hay tiền tài. Tuy nhiên, những người hâm mộ The Beatles lại có ác cảm với Yoko Ono. Xu hướng nghệ thuật trừu tượng của Yoko Ono làm nhiều fan cho rằng bà chỉ là một nghệ sĩ giả tạo. Họ đặt cho bà biệt danh “Dragon lady” (Con rồng cái) và luôn dè bỉu, miệt thị khiến bà cứ bị ám ảnh.

Sự chỉ trích của giới hâm mộ không làm cặp vợ chồng mới cưới lùi bước trên con đường nghệ thuật. Ngay sau lễ cưới, thay cho tuần trăng mật, họ triển khai tour diễn vòng quanh thế giới mang tên “Bed-in”. Yoko và John thực hiện một cuộc biểu tình nho nhỏ, hai người chỉ nằm trên giường khách sạn, mời giới truyền thông vào phỏng vấn. Bằng cách này, họ truyền tải thông điệp: “Give peace a chance” (Hãy cho hòa bình một cơ hội). Chính câu nói này đã tạo cảm hứng cho bài hát cùng tên, nhanh chóng trở thành bài hát biểu trưng của phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Toàn bộ chuỗi sự kiện của tour diễn này được ghi lại trong album Ballad of John & Yoko (Bản ballad của John và Yoko), một trong những album nhạc đầu tiên của hai người.

John Lennon nhiệt tình hưởng ứng nhiều buổi trình diễn nghệ thuật theo phong cách tiên phong (avant-garde) của Yoko Ono, nhưng lại dần xa lánh nhóm The Beatles. Có vẻ như ca sĩ danh tiếng này đã chán chường với nhóm Beatles huyền thoại và Yoko Ono là cánh cửa giúp ông tìm tòi những ý tưởng sáng tác mới. Các tác phẩm của bộ đôi này kêu gọi hòa bình, khám phá những tiếng gọi sâu thẳm của bản năng và đặc biệt ca ngợi mối tình của họ, trong đó có các bản tình ca Woman, Jealous Guy, I Want You (She’s So Heavy).

Cái kết của The Beatles

John Lennon coi trọng Yoko đến mức thường xuyên dẫn bà đến các buổi tập của nhóm Beatles, và Yoko không ngần ngại đóng góp ý kiến cho họ. Tuy nhiên, đối với các thành viên khác của Beatles, điều này vi phạm quy ước không cho phép bạn gái hay vợ tham gia vào chuyện sáng tác của nhóm, nên đã gây ra rạn nứt trong nhóm. Oằn dưới sức nặng của xung đột cá nhân và nhiều rắc rối khác, nhóm nhạc được xem là vĩ đại nhất lịch sử đã tan rã năm 1970. Tin The Beatles tan rã làm tan vỡ trái tim hàng triệu người hâm mộ, hầu hết đổ lỗi cho Yoko Ono - nàng thơ của John Lennon. Cơn sóng giận dữ, ghét bỏ Yoko Ono thậm chí đã chạm đến mức kỳ thị chủng tộc và miệt thị phụ nữ.

Quá mệt mỏi trước sức ép dư luận, Yoko Ono tìm cách rời khỏi vị trí “Mrs. Lennon” mà bà xem là còn khó hơn cả làm vợ chính trị gia. Yoko bỏ ra sống riêng. John Lennon phải cầu xin hết lời. Năm 1975, sau nhiều lần sẩy thai và trị liệu khó khăn, cuối cùng Yoko, ở tuổi 42, cũng đã sinh được cậu con trai Sean Taro Ono Lennon, vào đúng sinh nhật John. Đứa bé là cả thế giới với John Lennon. Ông tạm dừng sự nghiệp sáng tác, dành phần lớn thời gian bên hai mẹ con Yoko. Gia đình Lennon hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Năm 1980, John Lennon bắt đầu sáng tác lại. Bài (Just Like) Starting Over (Giống như khởi đầu lại tất cả) trong album Double Fantasy, ra mắt trong sự vui mừng chào đón của người hâm mộ. Trả lời phỏng vấn, John Lennon thổ lộ, Yoko Ono là nguồn động lực lớn nhất của ông: “Tôi là người nổi tiếng hơn, là kẻ phải biết nhiều hơn, nhưng cô ấy đã dạy cho tôi tất cả những gì tôi biết”.

Những tưởng John và Yoko sẽ tiếp tục tạo nên những tuyệt tác âm nhạc mới, nhưng một sự kiện nghiệt ngã đã xảy ra vào ngày 8/12/1980. Trên đường về căn hộ của mình ở Dakota, New York, John Lennon dừng lại ký tên tặng Mark David Chapman - một người hâm mộ, và tên này đã nhẫn tâm bắn vào ông bảy phát đạn, giết chết một trong những huyền thoại nhạc Pop lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông ngã xuống, tay vẫn còn giữ album Walking on thin ice của vợ mình. Ngày 14/12 năm đó, theo yêu cầu của Yoko Ono, mười phút tĩnh lặng để tưởng niệm John Lennon đã được tổ chức lúc 14g. Hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới đã tham gia tưởng nhớ người ca sĩ vì hòa bình và tình yêu.

Nhung nang tho huyen thoai - Bai 4: Nguoi dan ba bi hieu lam

John và Yoko cùng con trai Sean, New York, 1975

40 năm giận hờn

40 năm đã qua từ khi The Beatles tan rã. Yoko Ono đã đi khắp thế giới tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình và quyền bình đẳng con người; đồng thời vẫn sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật với phong cách riêng của bà. Ngày nay, trường phái nghệ thuật của Yoko đã được công nhận, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều dòng nhạc Pop mới như New Wave, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sắp đặt và cả phim ảnh. Nhưng với Yoko, cuộc đời bà đã “đóng băng” từ khi John Lennon ra đi. Bà vẫn sống tại căn nhà ở New York, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm với John.

Chỉ có một điều, đến tận ngày nay Yoko vẫn phải chịu sự căm ghét của giới hâm mộ. Trong một tuyên bố hồi tháng 5/2013, Sir Paul McCartney, từng là thành viên của nhóm Beatles, đã lên tiếng kêu gọi tha thứ cho Yoko Ono. Chẳng những khẳng định Yoko không phải là yếu tố quyết định làm tan rã The Beatles, McCartney còn bày tỏ sự biết ơn bà đã giúp John Lennon tìm thấy cảm hứng sáng tạo mới. Tuyên bố này kết thúc cuộc xung đột giữa McCartney và Yoko Ono trong suốt thời gian qua. Ở tuổi 80, Yoko Ono cho biết, bà cũng bày tỏ sự biết ơn với McCartney: “Trong không khí thù địch mà thế giới này tạo ra cho chúng tôi, sự tha thứ của ông ấy không dễ nói lên chút nào”.

 XUÂN HẠO

Bài 5: Sức cuốn hút tuyệt đối

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI