Những món quà không ghi tên người gửi

30/07/2021 - 05:48

PNO - Nhận được những bịch thực phẩm san sẻ từ hàng xóm trong mùa dịch, tôi thầm cảm ơn mẹ chồng đã gầy dựng mối quan hệ tốt đẹp này...

Đã gần hai tuần nay, mỗi ngày trước cổng nhà tôi thường treo những bịch thực phẩm không ghi tên người gửi, chủ yếu là đồ ăn thức uống như mấy bó rau, hai củ cà rốt, bí đỏ, bánh chưng, sữa chua nếp cẩm hay cái bánh bông lan mặn. Có hôm tôi còn nhận được chục trứng gà, một ký thịt, nửa bao nếp...

Lúc đầu, hai đứa con tôi thích thú thử đoán xem ai là người gửi. Chúng tranh luận với nhau, chắc là người cùng hẻm thôi chứ xóm bị giăng dây rồi, người ngoài làm sao vào được.

Cũng nhờ vào số thực phẩm này mà ba mẹ con tôi đỡ lo lắng phần nào trong những ngày phong tỏa. Do chồng tôi đi công tác rồi kẹt lại không về thành phố được, bà nội đã về quê, con nhỏ nên tôi không có thời gian xếp hàng đi mua đồ thiết yếu.

Mẹ chồng tôi tính xởi lởi,
Tôi từng rất khó chịu vì tính xởi lởi, thân thiện với hàng xóm của mẹ chồng khi lên trông con cho chúng tôi. Ảnh minh họa

Tôi kiểm tra camera an ninh thì đúng như thế, những nhà lân cận âm thầm tiếp tế đồ ăn cho nhà tôi theo cách đó. Họ đeo khẩu trang, lặng lẽ treo túi đồ trước cổng rồi về. Điều kì lạ, nhà tôi được nhận đồ ăn liên tục còn nhà bên cạnh thì thỉnh thoảng mới có. Mấy mẹ con tự thắc mắc rồi cũng tự giải thích: “Chắc họ quý nhà mình”.

Nghĩ đến chuyện này, tôi lại thấy xấu hổ. Ngày chuyển nhà về hẻm này, tôi đã xác định sẽ không giao lưu kết thân với bất kì nhà nào cả. Suốt những năm đi ở trọ, không biết bao nhiêu lần tôi khổ sở vì hàng xóm.

Gặp những người xấu tính, suốt ngày nhòm ngó chuyện nhà người khác rồi phao tin đồn, có người thậm thụt đổ rác qua nhà tôi gây tắc cống. Cũng vì thân thiết với hàng xóm mà có lần tôi bị lừa mất mấy triệu đồng.

Bởi thế, khi đến nhà mới, xác định sẽ ở lâu dài nên tôi dè chừng trong mối quan hệ với những gia đình kề cận. Hầu như ngày nào đi làm về, tôi cũng đóng cửa kín mít, hiếm khi hỏi thăm hay qua lại với ai trong xóm.

Cánh cửa nhà tôi chỉ được mở khi mẹ chồng lên ở cùng để trông con cho vợ chồng tôi đi làm. Bà vốn tính xởi lởi nên gặp ai cũng nói chuyện được. Mới lên được một tuần mà bà đã làm quen với tất cả các nhà trong hẻm, còn biết rõ nhà ai tên gì, làm gì, có mấy đứa con.

Buổi chiều, bà mở tung cổng cho mấy đứa nhỏ sang chơi đá banh vì nhà tôi có sân rộng. Đôi lúc, tôi khó chịu vì sự hiếu khách của bà, tôi sợ gặp phải người nhiều chuyện lại phiền. Tôi nhờ chồng nhắc mẹ thì bà bảo: “Sống phải có xóm giềng, đến khi có việc gì người ta còn giúp đỡ, chứ anh em ở xa, có đến ngay được đâu”.

Tôi biết bà đối đãi với hàng xóm thật tình và có lẽ mọi người cũng cảm nhận được điều đó. Tranh thủ lúc cháu ngủ, bà soạn nấu mấy món ở quê, làm bánh rồi mang đi biếu khắp xóm. Mỗi lần ở quê ra, nhà nào bà cũng có quà từ người già đến trẻ nhỏ. Mối quan hệ tốt đẹp với xóm giềng của gia đình tôi được gây dựng phần lớn là nhờ mẹ chồng.

Mẹ gửi đồ tiếp tế cho con nhưng không quên phần quà san sẻ cho láng giềng. Ảnh minh họa
Mẹ gửi đồ tiếp tế cho con nhưng không quên phần quà san sẻ cho láng giềng. Ảnh minh họa

Trước đó, tôi không cảm nhận được điều này mà thậm chí còn thấy phiền phức khó chịu. Do không góp ý được với mẹ nên tôi chọn cách mặc kệ, vẫn thu mình lại trong quan hệ với xung quanh. Nhưng sống qua những ngày này, tôi mới thấm thía tình nghĩa hàng xóm như thế nào.

Mặc dù người thân ở quê có gửi thực phẩm tiếp tế nhưng không thể đến ngay với mẹ con tôi được mà chỉ hàng xóm gần gũi mới giúp được tức thời. Nếu không có những gói thực phẩm đó, tôi chẳng biết xoay xở ra sao khi chồng vắng nhà, con nhỏ, lại không thể đi ra ngoài.

Đến ngày nhận được thùng thực phẩm của mẹ chồng gửi lên, tôi định bụng sẽ chia nhỏ để san sẻ cho hàng xóm. Nhưng khi mở thùng ra, tôi đã thấy mẹ gói ghém thành từng phần, còn ghi tên cụ thể từng nhà và dặn tôi đem sang biếu. Mẹ chu đáo tới mức, biết nhà này thích ăn cá, ít ăn thịt, nhà kia ưng ăn rau muống hơn rau cải.

Những món quà của hàng xóm mà nhà tôi nhận được những ngày này chính là quả ngọt từ sự kết nối đượm nghĩa tình của mẹ chồng.

Nguyên An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI