Những 'lần đầu tiên' thành công của y khoa: Nới rộng vùng sống của nhân loại

26/02/2020 - 06:54

PNO - Mỗi “lần đầu tiên” thành công trong y khoa có giá trị to lớn khi nó cho thấy khả năng không giới hạn của con người và đã mở rộng thêm vùng sống cho nhân loại.

Ngày 25/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, 16/16 người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh. Phó giáo sư - tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: “Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19”.

Ngay giây phút này, ngành y của Việt Nam “thủ đắc” thêm một “lần đầu tiên” thành công của nghề: lần đầu kiểm soát được COVID-19. Mỗi “lần đầu tiên” thành công trong y khoa có giá trị to lớn khi nó cho thấy khả năng không giới hạn của con người và đã mở rộng thêm vùng sống cho nhân loại.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang chăm sóc ông Li Ding trong phòng cách ly
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang chăm sóc ông Li Ding trong phòng cách ly

Khi bác sĩ “va” vào giới hạn

Ngày 12/2, trước cổng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, có gần 100 phóng viên tập trung chờ bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam xuất viện. Trong lúc chờ đợi căng thẳng và mệt mỏi vì ai cũng muốn tìm vị trí tốt để tác nghiệp, chợt vang lên câu nói “ông Li Ding may mắn quá, nếu không điều trị ở đây chắc đi rồi”. Một lúc sau, ông Li Ding bước ra, gương mặt tươi cười và đầu luôn cúi xuống tạ ơn các bác sĩ (BS). Ông cứ siết chặt tay BS Nguyễn Ngọc Sang, điều dưỡng Trần Thị Hải - những người đã trực tiếp điều trị, chăm sóc ông. Sau gần một tháng, ông Li Ding và vợ, cùng con trai mới được ngồi bên nhau - tại phòng số 13 Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy. 

Khi dịch COVID-19 bắt đầu ở Trung Quốc và ở Việt Nam vẫn còn xa lạ về con vi-rút này, thì ngày 28 tết, có hai cha con người Trung Quốc bất ngờ nhập viện BV Chợ Rẫy và được xác định dương tính với vi-rút Corona. Tình huống này buộc các BS phải đối diện với điều chưa gặp bao giờ: chủng vi-rút mới, chưa có thuốc đặc trị. Nhưng tình thế cấp bách, bệnh tật không chờ đợi, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, siết chặt tay các đồng nghiệp Khoa Bệnh nhiệt đới động viên: “tập trung hết sức cứu bệnh nhân”.

BS Sang kể: “Đến cuối buổi chiều, ông Li Ding vào đỉnh bệnh, người yếu dần, sốt liên tục trên 40 độ C, ho rũ rượi… Ông bị bốn bệnh nền rất nguy hiểm: ung thư phổi, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành (đã đặt 3 stent)… Ngoài vi-rút Corona, nhiều loại vi trùng khác cũng đã tổng lực tấn công khiến hai lá phổi bệnh nhân đông đặc dịch”. Khi đó, tin tức về dịch bệnh vẫn nhỏ giọt từ Tổ chức Y tế thế giới.

Ngay lúc này, vị trưởng khoa là TS-BS Lê Quốc Hùng cũng chưa chắc một phương án tối ưu để điều trị. Ngoài phác đồ điều trị được Bộ Y tế tập huấn, BS Hùng và các đồng nghiệp nghiên cứu y văn, đọc tài liệu, kinh nghiệm chữa bệnh của Trung Quốc và các nước khác… Đồng thời, những kinh nghiệm của nhiều mùa chống dịch như SARS, cúm H1N1... được đem ra rọi soi. BS Hùng chia sẻ: “Những ngày đầu, vừa điều trị cho bệnh nhân vừa thăm dò, theo dõi sát sao mức độ đáp ứng thuốc của hai cha con ông Li. Từ điều trị bao vây, các BS đã điều trị “nhắm trúng địch”. Kết quả, cha con ông Li Ding đều khỏe mạnh và xuất viện.

Có những “lần đầu tiên” 

Sau mỗi trận dịch, bệnh lạ hay những ca cực khó, y khoa lại có thêm những “lần đầu tiên”. Đầu năm 2020, phó giáo sư - tiến sĩ - BS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực BV Chợ Rẫy, đã làm cho ngành y Việt Nam tự hào khi lần đầu tiên cứu sống bệnh nhân bị sẹo hẹp khí quản, phế quản do di chứng lao. Đây là bệnh lý mà thế giới cũng… bó tay và các BS Việt Nam từng bất lực đứng nhìn một cô gái trẻ tử vong với bệnh lý tương tự. Nay, cơ hội sống đã mở ra cho người bệnh bằng sự kết hợp những kinh nghiệm phẫu thuật ở cả trẻ em và người lớn của BS Vũ Hữu Vĩnh.

Bệnh nhân may mắn này là Thi Diễm Th. (người Khơ-me, 19 tuổi, ngụ ở tỉnh Kiên Giang), nhập viện trong tình trạng khó thở, có tiền căn lao phổi, sẹo hẹp, tắc khí quản. Dù đã trị dứt bệnh lao nhưng tình trạng trên khiến cô gái trẻ thường xuyên khó thở, suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng. Theo y văn thế giới, những bệnh nhân như Th. được điều trị bằng phương pháp nong bóng hoặc đặt stent tại vị trí tắc nghẽn. Tuy nhiên, những kỹ thuật trên không mang lại hiệu quả cao. Nhưng nếu không can thiệp, bệnh nhân sẽ tử vong.

Khi vào BV Chợ Rẫy, nhìn thể trạng mỏng manh của Th., cùng căn bệnh thế giới cũng chào thua, BS Vũ Hữu Vĩnh lắc đầu, không dám mổ, dặn người nhà chuẩn bị tinh thần. Thế nhưng, gia đình Th. dù gia cảnh rất khó khăn đã không bỏ cuộc, cứ cầu xin BS. Trước ánh mắt hy vọng và quyết tâm của gia đình Th., BS Vũ Hữu Vĩnh quyết định “phải làm”. 

BS Vũ Hữu Vĩnh là chuyên gia về phẫu thuật hơn 100 ca sẹo hẹp khí quản cho người lớn, trẻ em. BS Vĩnh từng can thiệp cho 75 trường hợp bị hẹp khí quản do uống hóa chất hoặc biến chứng sau đặt nội khí quản ở người lớn. Bên cạnh đó là phẫu thuật can thiệp hẹp khí quản bẩm sinh cho 49 bệnh nhi bằng phương pháp trượt khí quản. Ngày Th. lên bàn phẫu thuật, dù kỳ vọng, nhưng cha mẹ Th. cũng xác định có thể mất con. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra: ca mổ đã thành công sau gần 5 giờ phẫu thuật.

Mở rộng vùng sống 

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, nhẹ ký nhất bị rối loạn nhịp kèm tim bẩm sinh nặng được bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cứu sống bằng kỹ thuật đốt ổ rối loạn nhịp
Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, nhẹ ký nhất bị rối loạn nhịp kèm tim bẩm sinh nặng được bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cứu sống bằng kỹ thuật đốt ổ rối loạn nhịp

Cứ vài tuần, lại có BV chia sẻ lần đầu tiên trị được ca khó, cứu sống bệnh nhân ở cửa sinh tử… và mở cánh cửa của sự sống cho những bệnh nhân mà trước đây đã cầm chắc cái chết. Như BV Nhi đồng thành phố phát hiện kịp thời và cứu sống bé ba tuổi mắc bệnh người lớn: nhồi máu cơ tim. BV Nhi Đồng 1 lần đầu tiên cứu sống bé bảy tháng, nặng 7kg bị rối loạn nhịp kèm tim bẩm sinh nặng bằng kỹ thuật đốt ổ rối loạn nhịp - trong khi trước đây kỹ thuật này chỉ dùng cho trẻ trên 5 tuổi và nặng trên 15kg. BV Ung Bướu TP.HCM vừa áp dụng kỹ thuật mới vừa điều trị bệnh hiệu quả, vừa giàu tính nhân văn: phẫu thuật cắt ung thư cổ tử cung tận gốc, nhưng vẫn bảo tồn chức năng làm vợ, làm mẹ… 

Trước đây, phẫu thuật ung thư cổ tử cung là sự tàn phá khủng khiếp của cơ quan sinh dục. Ngoài việc cắt hết tử cung, buồng trứng và gần hết chiều dài âm đạo, chức năng tình dục cũng như sự rối loạn bọng đái và trực tràng kéo dài nghiêm trọng. Đã có rất nhiều bệnh nhân tan vỡ hạnh phúc gia đình, con cái rơi vào cảnh ly tán. Nhưng kỹ thuật mới này khắc phục những hạn chế trên, cải thiện phục hồi chức năng đáng kể, giúp phụ nữ không những chữa hết bệnh mà còn sinh hoạt tình dục bình thường, giữ được chức năng làm vợ, làm mẹ. “Đây cũng là kỹ thuật lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, mở ra cơ hội cho người bệnh trong điều trị ung thư phụ khoa và ung thư cổ tử cung cũng như giúp trình độ y học nước nhà tiệm cận với khu vực và thế giới”, BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 2, BV Ung Bướu TP.HCM, chia sẻ.

Những câu chuyện trên có lẽ chưa phải là thành công điển hình nhất của ngành y Việt Nam trong năm qua. Và không có sự thành công nào của ngành y được định lượng lớn hay nhỏ, nhiều hay ít. Mỗi lần có phác đồ điều trị bệnh mà trước nay... bó tay, có kỹ thuật mới ít xâm lấn hơn so với trước… đều có ý nghĩa mở rộng hơn sự sống cho cộng đồng. Hành trình của y khoa xưa nay giống như đi trên từng bậc thang, kỹ thuật ở bậc nào thì cơ may sống của nhân loại nằm trong vùng cứu giúp đó. Và mỗi lần bước qua cánh cửa “lần đầu tiên”, y học lại tiến lên một bậc.  

Kỳ diệu thay, trong y khoa, những y BS phải dồn hết tâm sức trong những cuộc cứu chữa luôn trong tình trạng quá tải đó, vẫn cứ lặng lẽ, tận hiến tạo ra những “lần đầu tiên”. Liên tiếp, không ngừng. Xin kết bài bằng lời của BS Nguyễn Văn Tiến: “Khi gặp bệnh tật tai ương, thiên tai, đại dịch… trong lúc những người khác chạy đến vùng an toàn thì họ - những y BS lại xông lên, ở lại vùng nguy hiểm nhất dù phải hy sinh để giữ tính mạng cho cộng đồng”.  

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI