Những kỳ vọng vặt vãnh

04/12/2023 - 17:44

PNO - Tại sao một người đàn ông giỏi giang, sau một thời gian sống chung với mình rồi thành kẻ làm gì cũng thất bại? Có phải kẻ đã nuôi dưỡng cái mầm thất bại ấy là chính mình?

Với Hưng, những lần nhờ vả của vợ ngày càng trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Ngọc, vợ Hưng, không phải là cô vợ không biết làm việc nhà, ngược lại nữa là khác. Từ thời con gái cô đã thích dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Tính Ngọc chỉn chu, làm việc gì cũng đòi hỏi phải sạch, phải đẹp, phải hợp lý. Cả Hưng và mẹ Hưng đều phát hiện ngay ra tính cách này chỉ sau khi gặp cô vài lần. Mẹ Hưng lấy làm yên tâm lắm. Bà biết cô con dâu sẽ quản lý, vén khéo nhà cửa đâu ra đó.

Ban đầu, tổ ấm của đôi vợ chồng son rất long lanh, xinh xắn, gọn gàng hết chỗ chê. Nhưng sau khi đứa con đầu lòng ra đời, cái tổ ấy bắt đầu lộn xộn không như ý Ngọc muốn. Rồi đứa thứ hai tiếp nối, nhà cửa đã chật chội, đồ đạc lại nhiều lên, chỉ riêng sắp xếp vật dụng trong nhà cho đúng chỗ thôi đã không đủ thời giờ. Ngọc phân công chồng phụ việc nhà, nhưng chẳng có việc gì Hưng làm mà vợ không phải làm lại.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Căn hộ của họ nằm trong một chung cư cũ được cải tạo. Chuyện nghẹt cống phòng tắm, chuyện điện, chuyện nước thấm mưa tạt xảy ra thường xuyên. Hưng không giỏi những việc này. Mỗi lần hư hỏng, Ngọc gọi chồng, Hưng lại đi gọi thợ bảo trì của chung cư. Có đợt, vòi nước phòng tắm hư, thợ hẹn mấy ngày mới làm được, Hưng phải xắn tay tự làm.

Kết quả là nước tràn lênh láng, ống vỡ, nhà cửa bầy hầy thêm. Ra kêu thợ ngoài vô sửa, còn tốn công lau chùi dọn dẹp hết mấy ngày, Ngọc than thở sao chồng con người ta làm được mà chồng mình đến sửa cái ống nước cũng không xong.

Chị hàng xóm hôm trước đưa con xuống chơi dưới sân chung cư khoe chồng mình cái gì cũng biết làm. Sửa tủ bếp hay mấy chuyện hư hỏng lặt vặt trong nhà anh đều xử lý được hết. Chồng chị ấy cũng đi làm, chuyện gì biết thì dễ, chuyện gì không biết thì vô mạng coi, rồi học. Ngọc nghĩ mà buồn. Hôm trước cô nhờ chồng gắn cái giá đỡ remote máy lạnh mà Hưng trầy trật đóng đinh lở cả tường, rồi đi mua khoan, mua ốc vít. Loay hoay mãi, anh gắn được, nhưng mũi khoan sượt vào tay, phải băng hết mấy ngày.

Mà nào có phải chồng Ngọc thua kém gì chồng người ta. Ở công ty, Hưng là quản lý. Văn phòng đặt trong một cao ốc, từ hầm đậu xe lên tới khu làm việc, ở đâu cũng trang bị hiện đại. Có lần Ngọc bảo chồng hay là nhờ thợ bảo trì ở văn phòng đến coi giùm cái máy lạnh ở nhà, nhưng Hưng ậm ừ rồi thôi. Hình như anh sợ phải bộc lộ điểm yếu, sợ người ta thấy cái vụng về, hậu đậu của mình.

Ngọc nhớ lại, cô từng là nhân viên của chồng khi 2 người mới biết nhau. Cô ngưỡng mộ anh. Trong công việc, anh luôn có những quyết định hợp lý, phân công mọi người theo đúng điểm yếu điểm mạnh. Nhân viên tin tưởng anh như người lãnh đạo luôn có giải pháp cho mọi vấn đề của nhóm. Có phải vì vậy mà anh sợ người khác thấy anh không biết làm, không làm được những điều đơn giản?

Mà có ai trên đời biết làm mọi chuyện. Sao mình lại bắt chồng phải biết làm tất cả? Với công việc chuyên môn, người ta được đào tạo, được bồi dưỡng rồi mới biết làm, mà cũng phải dồn vào đó nhiều công sức, thời gian mới có thể làm tốt, hiệu quả. Mình đang đòi hỏi chồng lấy vợ xong là tự động biết cách sửa điện sửa nước, sửa xe máy, khoan tường và cả lau nhà, rửa chén, giặt đồ…

Làm xong, mình đem con mắt cầu toàn của bà nội trợ ra để phán xét, kết quả chẳng mấy khi đạt như mong muốn. Nghĩ cho cùng, chính kỳ vọng của mình đang biến chồng thành kẻ thất bại trong nhà. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Các ông chồng thật khó để từ chối hay phản kháng, bởi cũng đúng thôi, đó là mấy việc lặt vặt, nhỏ xíu. Các ông cảm thấy phần nào “mất uy tín” với vợ con khi không làm được. Chưa nói đó cũng là việc họ muốn làm, nó mang lại cảm giác họ là người đáng trông mong dựa cậy, người giải quyết được tất cả. Chỉ có điều, ngôi nhà hiện đại có hàng trăm thứ phức tạp, không chỉ cần đến một cái cưa, cái đục hay cây bút thử điện mà xong.

Thiết bị gia dụng ngày nay đòi có chuyên môn tầm kỹ sư trở lên là chuyện thường. Các bà vợ lại hay sốt ruột, lại nghĩ đơn giản, lại muốn chồng sửa ngay và lại hay… tiếc tiền. Chồng sửa không xong, vợ chê chồng dở. Lúc đó, vợ quên mất rằng làm một ông chồng xuất sắc không có nghĩa là cũng xuất sắc trong việc sửa ống nước hay đường điện. Vợ cũng quên luôn rằng chồng mình thực sự giỏi trong chuyên môn của anh ấy. Chồng càng không thể phân bua, giải thích gì cho vợ hiểu. Đàn ông thật cũng khổ trăm bề!

Mà nghĩ cho cùng, các bà vợ kể tội chồng, kêu ca vậy chứ ít ai ly hôn chỉ vì những việc vặt đó. Giữa những sự thất vọng thường nhật của mình, các bà sẽ giật mình nếu ai đó đặt câu hỏi vì sao. Tại sao một người đàn ông giỏi giang, sau một thời gian sống chung với mình rồi thành kẻ làm gì cũng thất bại? Có phải kẻ đã nuôi dưỡng cái mầm thất bại ấy là chính mình?

Xã hội đã tiến đến chỗ phân định chuyên môn sâu, cung cấp dịch vụ cụ thể, mình cũng phải phân định “chuyên môn chồng”, “chuyên môn vợ” cho rõ ràng. Muốn có một người bạn đời như cây tùng cây bách, cao cả bao dung thì đừng đặt ra những kỳ vọng lặt vặt, để rồi hạnh phúc bị xói mòn. 

Yên Mai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thanh 28-12-2023 12:55:06

    Tác giả tư duy sai rồi. Người vợ trong câu chuyện này biết chồng ko sửa được đồ đạc trong nhà nên có đề nghị chồng là nhờ người mà(cũng có thể gọi là thuê người sửa chữa) nhưng ông chồng ko chịu đó chứ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI