Metro và những đổi thay từng ngày trong thành phố

Những đổi thay trong lòng thành phố

09/10/2020 - 07:48

PNO - Tại TPHCM, những năm qua, nhiều con đường triền miên kẹt xe, ngập nước đã được “thay áo mới”, đồng thời, có hàng loạt cuộc động thổ âm thầm trong lòng đất để dẹp sạch “rác trên trời”.

Cùng với công trình metro sắp hoàn thành, TPHCM đã và đang có những đổi thay âm thầm từ trên không lẫn mặt đất, lòng đất khi mạng lưới điện chằng chịt được ngầm hóa, nhiều tuyến đường chật hẹp được mở rộng. 

“Chia tay” cảnh ngập nước, kẹt xe

Chiều muộn, ông Sáu Vương chở vợ về tới nhà sau chuyến thăm cháu nội. Mọi khi, vào tầm này, ông Vương phải mất hơn 1 giờ mới về được tới nhà. Hôm nay, chưa đầy 30 phút, lão nông có nhà ở huyện Hóc Môn đã về đến nhà mình. 
Vừa đá chân chống xe, ông Vương quay sang nói với vợ: “Bà thấy sướng không? Mỗi người hiến một chút đất là con đường Tô Ký rộng thênh thang, hết kẹt xe, hết ngập nước liền. Vậy mà hồi đầu, nhiều người hổng chịu”. Bà Vương gật gù, hướng mắt ra con đường Tô Ký vừa khánh thành cách đây ít ngày.

Sau khi giao đất làm đường, nhiều nhà dân chỉ còn một nửa diện tích nhưng họ vẫn vui vẻ ủng hộ vì sẽ không phải chịu cảnh kẹt xe - Ảnh: Tam Nguyên
Sau khi giao đất làm đường, nhiều nhà dân chỉ còn một nửa diện tích nhưng họ vẫn vui vẻ ủng hộ vì sẽ không phải chịu cảnh kẹt xe - Ảnh: Tam Nguyên

Bốn năm trước, trong một lần chạy trên đường Tô Ký, chiếc xe máy của ông Vương bị nước vật ngã nhào, vợ chồng đều ướt sũng, trầy trụa tay chân. Đường Tô Ký nhiều năm liền kẹt xe, ngập nước, là nỗi ám ảnh của người dân. UBND TPHCM đã có chủ trương mở rộng, nâng cấp đường Tô Ký, đoạn từ nút giao với đường Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu, huyện Hóc Môn. Vướng mắc lớn nhất của dự án là phần giải phóng mặt bằng.

Ông Vương kể: “Nghe mình mất một phần đất, một phần ruộng vườn thì ai cũng xót, tiếc của. Nhưng, sau khi được vận động, giải thích thông suốt, người dân ở đây tự giác di dời, giải tỏa, còn hiến đất để làm đường nữa. Tính ra, có đến 500 hộ dân đã hiến đất làm đường”.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2017 với tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng, được khánh thành vào ngày 3/10 vừa qua. Người dân lưu thông trên đường này đã thoát cảnh kẹt xe, ngập nước, con đường này sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho huyện Hóc Môn.

Tại quận Bình Thạnh, một “đại công trường” cũng đang hình thành, hứa hẹn những đổi thay cho cuộc sống người dân nơi đây. Ông Hậu - 60 tuổi, nhà ở đường Bùi Đình Túy - cho biết, sau khi bàn giao đất để mở rộng đường Bùi Đình Túy, căn nhà của ông chỉ còn chừng 5m2. Tuy nhiên, với số tiền được đền bù, gia đình ông đã mua được một căn nhà khác ở quận Gò Vấp. Phần đất còn lại đủ để ông Hậu duy trì tiệm sửa điện của mình. 

Theo số liệu từ UBND huyện Hóc Môn, trong 5 năm qua, UBND huyện đã đầu tư, nâng cấp 907 công trình đường giao thông với tổng chiều dài trên 207km. Ngoài ra, các xã cũng đã vận động nâng cấp, mở rộng tổng cộng trên 78km đường. Chỉ riêng năm qua, cấp huyện đã vận động di dời 1.000 hộ dân để có mặt bằng xây dựng các công trình giao thông. UBND quận Bình Tân cho biết, một năm qua, quận đã giải quyết được 5/6 nút thắt cổ chai gây ùn tắc giao thông. Sắp tới, địa phương sẽ tăng cường vận động người dân để mở rộng hẻm.

Cùng với ông Hậu, có khoảng 70 hộ dân khác bị ảnh hưởng của dự án. Nhiều nhà dân sau khi giải tỏa, chỉ còn lại diện tích rất nhỏ. Tuy nhiên, khi được chính quyền vận động, đa số người dân đồng ý bàn giao mặt bằng vì họ đã quá ngán cảnh kẹt xe. Người dân giao đất với hy vọng đường mở rộng, cuộc sống của họ sẽ đổi đời.
“Nút thắt cổ chai ở đây gây ám ảnh cho nhiều người dân, đặc biệt là ở giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Thiện Thuật, tình trạng kẹt xe diễn ra như cơm bữa. Đường Bùi Đình Túy có lộ giới 16 mét nhưng thực tế chỉ rộng 5-6 mét, dự án sẽ mở rộng đường ra 12 mét. Bàn giao đất xong thì căn nhà của tôi chỉ còn một nửa diện tích. Nhưng, tiền đền bù đủ để tôi xây lại căn nhà mới” - ông Đặng Văn Lộc nói.

Trong vài năm qua, tại TPHCM, nhiều dự án mở rộng đường đã được hoàn thành, như đường ven rạch Lăng nối khu tái định cư đến đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh), cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và quận 7), đường Huỳnh Tấn Phát đoạn từ đường Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân (quận 7)… Những công trình này đã góp phần thay đổi diện mạo cho TPHCM và cải thiện đời sống của người dân.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, đơn vị đã đăng ký hơn 100 dự án xóa ùn tắc, kẹt xe ở nhiều quận, huyện. Những dự án này sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện được các dự án, ngoài nguồn vốn, rất cần sự đồng tình của người dân trong khâu giải phóng mặt bằng.

Xóa dần “mạng nhện”

Ở khu vực trung tâm TPHCM, nhiều năm nay, người dân chứng kiến sự thay đổi từ việc ngầm hóa cáp viễn thông và dây điện. Nhiều người gọi đây là cuộc chiến với “rác trên trời”. Nhiều con đường ở trung tâm TPHCM nay đã không còn dây điện, dây cáp mắc chằng chịt trên cao. Dây điện, cáp viễn thông được ngầm hóa, các nhánh rẽ được đưa vào các tủ nhỏ gọn trên vỉa hè, thảm cỏ.

Thi công hạ ngầm tuyến cáp - Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN
Thi công hạ ngầm tuyến cáp ở TPHCM - Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN

Ông Bành Đức Hoài - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã hoàn thành 143 dự án ngầm hóa lưới điện với tổng khối lượng 675km lưới điện trung thế, 1.160km lưới điện hạ thế và 34,5km lưới điện cao thế 110kV. 

Hiện nay, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố đã tăng từ 32% vào cuối năm 2015 lên 45% (kế hoạch đề ra là 35%), việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin khu vực trung tâm thành phố cơ bản hoàn tất. Cụ thể, tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế ở quận 1 và quận 3 đạt 98%, ở các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đạt 60%.

“Các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc đảm bảo mỹ quan đô thị. Hệ thống dây thông tin được ngầm hóa đồng bộ với lưới điện tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của một đô thị hiện đại, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” - ông Bành Đức Hoài nhận định.

Các chuyên gia đánh giá, lưới điện ở TPHCM ngày càng được chuẩn hóa, kiện toàn về kết cấu, có độ dự phòng cao đáp ứng tiêu chuẩn N-1 (dự phòng cấp 1). Đặc biệt, một số khu vực trung tâm thành phố đã có lưới điện đáp ứng tiêu chuẩn N-2 (dự phòng cấp 2). Nhờ vậy, số lần mất điện được kéo giảm rõ rệt. Theo thống kê, số lần mất điện bình quân giai đoạn 2015-2019 đã giảm từ 6,72 lần xuống còn 0,77 lần; số phút mất điện giảm từ 720 phút xuống còn 58,46 phút.

Theo EVNHCMC, trong việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin, khó khăn lớn nhất là vấn đề thỏa thuận tuyến khi triển khai thực hiện, phối hợp thi công. Ngoài ra, một số dự án phải điều chỉnh tiến độ để thi công đồng bộ với dự án giao thông hoặc thoát nước. Công tác bố trí, lắp đặt thiết bị cũng gặp không ít khó khăn do một số hộ dân chưa đồng thuận về vị trí lắp hoặc các tuyến đường không có vỉa hè hoặc vỉa hè không thông thoáng. 

Sẽ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố

EVNHCMC cho biết, đến năm 2025, đơn vị phấn đấu đạt tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế từ 50-60% cho toàn thành phố. Trong đó, các quận nội thành đạt tỷ lệ 80-90% (riêng các quận 1, 3, 5 đạt gần 100%). Đối với lưới điện hạ thế, EVNHCMC phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 35-40%, trong đó khu vực trung tâm thành phố đạt 80%.

Sơn Vinh 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI