Những bức tường biên giới có thể diệt động vật hoang dã

09/02/2021 - 08:45

PNO - Một nghiên cứu mới công bố hôm 8/2 cho thấy những bức tường bao quanh biên giới quốc gia có thể cản trở hàng trăm loài động vật có vú sống trên mặt đất di cư để tránh tác động của biến đổi khí hậu.

Một vấn đề khác đối với bức tường biên giới ở Mỹ là nó góp phần tàn phá cuộc sống của động vật hoang dã - Ảnh: Getty Images
Bức tường biên giới ở Mỹ khiến cuộc sống của động vật hoang dã bị ảnh hưởng - Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu mới công bố hôm thứ Hai trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) là nghiên cứu đầu tiên xem xét cách thức các rào cản do con người tạo ra. Chẳng hạn như hàng rào và bức tường kiên cố tại cửa khẩu biên giới có thể hạn chế động vật hoang dã di chuyển đến những vùng đất mới khi một số nơi trên thế giới ấm lên và trở nên khô hơn.

Trước đó, các nhà nghiên cứu Đại học Durham ở Vương quốc Anh đã lập bản đồ các “hốc khí hậu” là các khu vực có điều kiện nhiệt độ và lượng mưa thích hợp của khoảng 80% động vật có vú trên mặt đất và chim (tổng cộng khoảng 12.000 loài). Sau đó, họ dự báo nơi sinh sống của những động vật này sau khoảng 50 năm. Các phát hiện cho thấy, nếu con người tiếp tục thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, những khu vực sinh sống đó sẽ thay đổi đáng kể.

Các nhà nghiên cứu Anh viết: “Theo một kịch bản phát thải cao, chúng tôi thấy rằng 35% động vật có vú và 29% loài chim được dự đoán có hơn một nửa trong số 2.070 “hốc khí hậu” ở các quốc gia hiện chúng chưa tìm thấy”. Nói cách khác, khoảng một phần ba tổng số các loài động vật sống trên cạn và trên không có thể buộc phải tìm nhà mới.

Tất nhiên, vấn đề là biên giới giữa các quốc gia đã được kiên cố hóa rất nhiều và xu hướng này ngày càng tăng. Các nhà nghiên cứu cho biết 32.000 km biên giới đã được gia cố đủ để ngăn chặn một số lượng lớn động vật di chuyển đến những môi trường thích hợp hơn khi chúng cần. Trong số những rào cản này, những rào cản giữa Mỹ và Mexico, giữa Trung Quốc và Nga, và hàng rào hiện đang được xây dựng dọc theo biên giới Ấn Độ -Myanmar, đang gây thiệt hại về mặt sinh thái nhiều hơn cả.

Các tác giả tính toán rằng, chỉ riêng bức tường biên giới Mỹ - Mexico có thể cản trở sự di chuyển của 122 loài động vật có vú, bao gồm cả báo sư tử puma và linh dương Sonoran. Ngay cả các loài chim cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hàng rào cao. Các nghiên cứu về loài cú lùn màu xám, sống ở Nam và Trung Mỹ cho đến Arizona và Texas (Mỹ), cho thấy rằng chúng có thể bay, nhưng chúng chỉ làm như vậy khi vượt qua được bức tường biên giới Mỹ - Mexico cao 8,2m so với mặt đất.

Để giảm thiểu những tác động đến động vật hoang dã, các nhà nghiên cứu đề xuất, nên tạo ra các rào cản mà chúng có thể đi qua được. Các giải pháp khả thi bao gồm đường hầm bên dưới cho phép động vật nhỏ có thể đi qua, hoặc sửa đổi các rào cản tạo ra các lỗ mở lớn hơn cho phép các động vật lớn hơn qua lại giữa các quốc gia.

Báo cáo của PNAS kết luận: “Các cộng đồng sinh thái đang trải qua một đợt tái phân bố lớn. Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu hợp tác xuyên biên giới quốc gia để giảm thiểu tổn thất tính đa dạng sinh học trước biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Tô Châu (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI