Những “bảo mẫu” đặc biệt ở bệnh viện tâm thần

25/02/2025 - 06:43

PNO - Bị bệnh nhân giật tóc, dọa giết đã trở thành chuyện “cơm bữa” với các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Tuy nhiên, những “bảo mẫu” đặc biệt này vẫn luôn nỗ lực xoa dịu vết thương tâm hồn để bệnh nhân sớm lành bệnh về nhà.

“Sống chậm” cùng người bệnh

“Mai cho tao ra, không thì gọi người nhà lên mà nhận xác” - nghe bệnh nhân trẻ la hét từ sau cánh cổng sắt, bác sĩ Phạm Thị Anh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực chống độc, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An - chỉ mỉm cười. Chị nói những lời đe dọa đó vẫn thường được bệnh nhân thốt ra khi lên cơn. Lúc đó, họ rất manh động, không chỉ chửi bới mà còn giật tóc, hành hung bác sĩ. Nhưng khi đã dứt cơn, họ lại hớn hở chào hỏi, sẻ chia nỗi niềm với bác sĩ như người thân.

Gần 15 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Phạm Thị Anh vẫn nhớ như in cảm giác hụt hẫng, rồi bất an đến mất ngủ khi bị bệnh nhân chửi bới, dọa giết. “Nhưng khi đã bắt nhịp được với công việc thì mình lại thấy thương và thấu cảm hơn với bệnh nhân” - chị nói. Có khi bác sĩ phải “vật lộn” với bệnh nhân như đi đánh trận, có lúc lại ngồi thủ thỉ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với nhau.

Bác sĩ Phạm Thị Anh (đứng, bìa trái) thăm hỏi, trò chuyện với các bệnh nhân
Bác sĩ Phạm Thị Anh (đứng, bìa trái) thăm hỏi, trò chuyện với các bệnh nhân

Có bệnh nhân chỉ cần ít tháng điều trị nhưng có người phải điều trị hàng năm, thậm chí gắn với bệnh viện suốt đời. Bởi vậy, các y bác sĩ phải thực sự kiên nhẫn, “sống chậm” cùng bệnh nhân để trấn an, vỗ về và đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp nhất.

“Vất vả nhất là với những bệnh nhân nặng luôn có ý định tự tử, chúng tôi phải luôn theo sát” - bác sĩ Anh nói.
Theo chị, điều khiến các bác sĩ làm việc ở bệnh viện tâm thần lo nhất hiện nay không phải là bị chửi bới hay hành hung mà là vô tình tiếp tay cho tội phạm.

Một số người nhập viện điều trị sau khi trộm cướp, đánh nhau, thậm chí là giết người… Do căn nguyên tâm lý hoảng sợ nên mất ngủ, lo âu, xuất hiện hoang tưởng. Khi vào viện, họ thường chỉ nói đến các triệu chứng mà giấu hành vi phạm tội. Nếu không thận trọng, chỉ dựa vào thông tin từ bệnh nhân cung cấp thì các bác sĩ không chỉ đưa ra phác đồ điều trị sai mà còn vô tình làm sai lệch hồ sơ, “tiếp tay” cho người phạm tội thoát sự chế tài của pháp luật.

Chăm bệnh nhân như chăm con mọn

Là nơi điều trị cho bệnh nhân nặng nên Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực chống độc luôn ồn ào bởi những tiếng la hét, cười đùa hay những câu hát vu vơ… của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân khi vào viện đã không thể tự chăm sóc bản thân, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào nhân viên y tế. Điều dưỡng Hồ Thị Bích cho biết, chăm sóc người bệnh tâm thần không khác gì chăm con mọn, từ cho ăn uống, cắt móng tay, cạo râu, rồi giục tắm rửa, thay quần áo…

Để phục vụ bệnh nhân, các điều dưỡng đều sắm cả bộ đồ nghề từ kềm cắt móng tay, dao cạo râu, tông đơ cắt tóc… “Cứ cách ngày, chúng tôi lại cắt móng tay, cạo râu cho bệnh nhân chứ không thể đưa cho họ tự làm được” - chị Bích nói.

Gần 6 năm theo nghề, nữ điều dưỡng 28 tuổi kể, ngày mới về, chị nhiều lần phải cầm đèn pin đi cả đêm tìm bệnh nhân phá cửa bỏ trốn khỏi bệnh viện. Có lần 22g rồi, bệnh nhân xô cửa bỏ chạy, chị đuổi theo ra tận giữa đồng thì không thấy bệnh nhân đâu.

Lúc đó, chị chỉ biết ngồi khóc. Tủi thân, chị từng có suy nghĩ bỏ việc. Nhưng khi nhìn thấy nụ cười và ánh mắt đầy hy vọng của bệnh nhân, người thân rời khỏi cánh cổng bệnh viện, chị lại nhen nhóm niềm vui để tiếp tục cống hiến.

Điều dưỡng Doãn Hữu Huân cho biết, từng gặp không ít hoàn cảnh “dở khóc dở cười” ở Khoa Tâm thần nữ, nhưng anh xem đó là một phần của công việc. Anh kể: “Việc tắm rửa, vệ sinh bình thường có các điều dưỡng nữ phụ giúp, nhưng trong ca trực thì mình phải làm hết. Nhiều hôm đi tắm, đưa quần áo cho bệnh nhân mặc thì họ lại nhúng vào nước. Đi tìm không có bộ nào nữa lại phải mượn của người khác cho họ mặc tạm”.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An - chia sẻ: “Nhiều lúc bác sĩ, điều dưỡng phải như người mẹ, người chị, người vợ khi tiếp cận người bệnh, tạo cho họ cảm giác gần gũi. Phải làm sao đọc được suy nghĩ của bệnh nhân thì mới chăm sóc và điều trị hiệu quả. Tuy vất vả nhưng bác sĩ về đây làm việc được tôn trọng, được đưa vào quy hoạch cho đi đào tạo, nên hiện chúng tôi là một trong những bệnh viện tâm thần có nhiều bác sĩ nhất cả nước”.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI