Những phiên bản đẹp

10/05/2020 - 06:02

PNO - COVID-19 khiến chị nhận ra phần khác của mình: có tiền dư mang cho, thấy vui; chỉ còn một đồng trong túi mà sớt chia phân nửa thì lòng thấy ấm.

Tôi ngạc nhiên khi chị ngồi tỉ mẩn may từng chiếc khẩu trang để gửi qua Mỹ cho con trai đang học đại học.

Lúc này ở Mỹ, giá một chiếc khẩu trang vải khoảng 15 đô la, một mức giá không rẻ chút nào. Sự càn quét của “cơn bão” COVID-19 đã vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Một kẻ thù vô hình, mắt thường không thể nhìn thấy, song lại có sức tàn phá đến kinh hoàng, chắc chắn sẽ để lại những vết thương rất khó lành cho loài người. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là kinh tế gia đình chị khá ổn, 15 đô la không làm khó được.

Chỉ mới 10 ngày trước, chị đã ủng hộ 100 triệu đồng xây dựng phòng cách ly áp lực âm tại Bệnh viện Quận 2, giúp nơi đây trở thành bệnh viện tuyến quận đầu tiên của Sài Gòn có trang thiết bị này để sử dụng cho việc cách ly, điều trị bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Chị cũng đã gửi tặng hàng ngàn chiếc khẩu trang, nước rửa tay khô, máy đo thân nhiệt hồng ngoại và gạo, mì cho bà con nghèo ngay tại Sài Gòn. Tôi đùa: "rút 100 triệu đồng lúc này cảm giác chắc xót lắm!". Chị không trả lời mà kể một chuyện khác. 

Rằng, khi gặp bác sĩ Khanh - Giám đốc Bệnh viện Quận 2, chị hỏi dò xem liệu có việc gì mình giúp được trong khả năng. Bác sĩ Khanh thiệt tình chia sẻ nguyện vọng của cả tập thể y bác sĩ bệnh viện về một phòng cách ly áp lực âm theo tiêu chuẩn của WHO, thiết bị nhập khẩu từ Đức với giá 650 triệu đồng. Là một doanh nhân, lúc bình thường, ăn nên làm ra, chị sẵn sàng hỗ trợ vài trăm triệu đồng xây nhà tình thương, làm cầu giao thông nông thôn mà chẳng lăn tăn. Nhưng từ cuối năm 2019, mọi thứ đều chững lại, COVID-19 gây ảnh hưởng dây chuyền, không còn những hợp đồng, những bản kế hoạch hay chuyến công tác dài ngày, chị cũng lao đao như phần đông những người kinh doanh khác.

Nhân vật đại diện các nhà hảo tâm tặng 650 triệu đồng cho Bệnh viện Quận 2
Nhân vật đại diện các nhà hảo tâm tặng 650 triệu đồng cho Bệnh viện Quận 2

Trằn trọc mãi không ngủ được, chị mang câu chuyện tâm sự với con gái. Hôm sau, cô bé đưa cho mẹ 2,5 triệu đồng và nói đây là tất cả tiền tiết kiệm mà con và các bạn cùng lớp hùn nhau. Cầm 2,5 triệu đồng gồm những tờ 10.000 đồng, 20.000 đồng của các con, chị gần như bật khóc, vì thương. Cái cách mà các em hành động ngay lập tức dội vào tâm trí chị ý nghĩ: tính toán lúc này thật thừa thãi! Bọn trẻ luôn khiến mình bất ngờ lẫn bối rối, chị nói. Rồi không băn khoăn gì nữa, chị đứng dậy đi thẳng ra ngân hàng, chuyện trò cùng chị em trong nhà, bạn học và đồng nghiệp. Vậy là chỉ trong hai ngày chị tìm đủ khoản tiền hỗ trợ 
bệnh viện. 

Giữa đại dịch COVID-19, trường học và các ký túc xá ở Mỹ đóng cửa, rất nhiều sinh viên lay lất tìm chỗ ở tạm và đau đầu vì những khoản chi phát sinh đắt đỏ, cho nên 15 đô la là không thể đùa. Con trai chị dọn tới nhà dì sống tạm và học online. Ở Việt Nam, đêm ngày chị ngồi may từng chiếc khẩu trang, cốt yếu để con chia sẻ với bạn học bên Mỹ. Chữ “từ thiện” nghe có vẻ lớn lao, nhưng với chị đơn giản chỉ là làm điều mà trái tim người ta mách bảo. COVID-19 khiến chị nhận ra phần khác của mình: có tiền dư mang cho, thấy vui; chỉ còn một đồng trong túi mà sớt chia phân nửa thì lòng thấy ấm. Bỏ lại phía sau hình ảnh một phụ nữ trẻ trung, năng động, đi nhiều, gặp gỡ nhiều, trong bão COVID-19 là một phiên bản người mẹ may vá, người mẹ bếp núc và người mẹ mà khi đẩy cửa bước ra ngoài sẽ mang theo lon gạo đã chia đôi đặng sớt cho những người mẹ khác - những người mà chị biết không có khoản tiết kiệm nào để rút lúc này. 

Hôm qua, anh bạn gửi cho tôi đường link bài báo về cậu bé Nguyễn Sam ở Hà Nội làm bánh su kem bán lấy tiền ủng hộ mua trang thiết bị y tế tặng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Anh xuýt xoa chắc hẳn cậu bé đã có được nền tảng giáo dục tuyệt vời nên mới thiện nguyện nhanh nhạy như vậy. Riêng mình, tôi nghĩ hơi khác: chưa chắc những học sinh khác chậm nghĩ đến thiện nguyện, chỉ là bọn trẻ không có gian bếp đầy đủ tiện nghi, không có đầu ra “xịn xỏ” là bạn bè, đồng nghiệp của mẹ.

Tôi chú ý nhiều đến chia sẻ của Sam, rằng thay vì ôm điện thoại suốt ngày, em cảm thấy hạnh phúc khi vào bếp làm bánh. Sam đã biến những ngày cách ly xã hội tưởng chừng rảnh rỗi quá sinh chán chường thành một khoảng trời đẹp đẽ mà ở đó có một Sam chăm chú đọc sách hướng dẫn nhào bột, nướng bánh, cặm cụi ghi lời cảm ơn lên từng đơn hàng, bật cười hạnh phúc khi nhận về lời khen bánh ngon. Biết đâu chừng, qua đại dịch COIVD-19 này, em sẽ nhận ra phiên bản tốt hơn của bản thân là một Sam không ham trò chơi điện tử, có thể kiếm tiền và làm việc thiện ngay trong gian bếp gia đình. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI