'Nhốt' bà Hỏa trong chung cư cũ

04/04/2018 - 08:04

PNO - Gần 500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 ở TP.HCM không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, lại còn bị cơi nới, chiếm dụng để kinh doanh...

Căn hộ chung cư thành vựa ve chai 

Gần 11g, dưới cái nắng hầm hập, kho chứa ve chai nằm ở lô Y, chung cư Ngô Gia Tự (Q.10, TP.HCM) tấp nập người ra vào bốc hàng. Đồ phế thải, giấy cũ, báo cũ được chủ nhà chất đầy trong một căn hộ, tràn ra cả đường. Ngay tầng trên của kho phế liệu, một nhà dân phơi chăn màn, quần áo ngay sát trụ điện. Cách đó không xa, một cửa hàng ăn uống đang nổi lửa, tất bật chuẩn bị suất ăn cho khách. 

'Nhot' ba Hoa trong chung cu cu
Hiện TP.HCM có gần 500 chung cư cũ không có hệ thống phòng cháy chữa cháy

Chứng kiến cảnh tượng trên, anh Trương Nguyễn Duy (ngụ tại P.2, Q.10) lắc đầu: “Mấy năm trước, chung cư này đã từng bị cháy, nhưng ý thức người dân vẫn vậy. Kho phế liệu ở lô Y là nỗi ám ảnh của nhiều người vì mất vệ sinh, lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhưng không ai xử lý”.

Chung cư Ngô Gia Tự được xây dựng từ cuối những năm 1960, đã xuống cấp trầm trọng, nằm trong diện giải tỏa nhưng đến nay vẫn tồn tại, với rất đông cư dân sinh sống. Hầu hết tầng trệt của chung cư đều bị chiếm dụng làm quán nhậu, nơi kinh doanh. Thậm chí, có nhà chiếm dụng chỗ giữa hai cầu thang rồi dựng thành nơi chứa đồ, phòng ở. 

Tương tự, chung cư Ấn Quang (đường Bà Hạt, Q.10) nay cũng trên 50 năm tuổi, xuống cấp, nguy cơ cháy nổ chực chờ. 13g ngày 2/4, có mặt tại chung cư này, cảnh tượng đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là một hàng xe máy nằm phơi nắng ở đường đi giữa các dãy chung cư. Tại lô D, phế liệu được tập kết ngay trong căn hộ ở tầng trệt. Phần mái chung cư được chắp vá bằng bạt và gỗ mục sát bên những chùm dây điện, cáp viễn thông chằng chịt, có thể chập, cháy bất cứ lúc nào.

Tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), ở khu vực hành lang tầng trệt, nhiều dãy nhà bị chiếm dụng làm chỗ buôn bán. Nhiều người còn tận dụng lối đi để làm nơi giữ xe máy. Ở hành lang tầng lầu, các hộ gắn thêm khung đỡ và đặt máy lạnh trong khi dây điện, cáp viễn thông chằng chịt khắp nơi. Với hiện trạng này, nhiều người lo ngại khi xảy ra cháy nổ, xe chữa cháy rất khó tiếp cận hiện trường.

Báo cháy bằng miệng

Ngay tại P.Bến Thành, Q.1, chung cư Nguyễn Thị Nghĩa sừng sững với 11 tầng nhưng không có thang máy, không có khoảng lùi, chỉ có một thang bộ rộng 1,45m làm lối lên xuống, vừa là thang thoát hiểm khi sự cố xảy ra. Nhưng, lối thoát hiểm duy nhất này cũng thường xuyên bị bớt xén để làm chỗ giữ xe. Theo người dân, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở chung cư này cũng rất sơ sài, nhiều thiết bị có nhưng không dùng được.

'Nhot' ba Hoa trong chung cu cu
 

Theo báo cáo mới nhất của UBND Q.1, chung cư Nguyễn Thị Nghĩa là nơi sinh sống của 252 người dân, tổng diện tích sàn hơn 3.500m2, gồm 72 căn hộ. Kết quả kiểm định cho thấy, tòa nhà này loại C, thuộc kết cấu nguy hiểm. Chung cư này không đảm bảo về an toàn PCCC, trong chung cư không còn vị trí lắp đặt thêm thang thoát hiểm. Sau vụ cháy chung cư Carina, UBND Q.1 đề xuất UBND TP.HCM và Sở Xây dựng cho lắp thang thoát hiểm bằng sắt phía trước chung cư Nguyễn Thị Nghĩa, giúp cư dân có lối thoát xuống đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nếu có cháy nổ.

Chung cư Ngô Gia Tự với hàng loạt nguy cơ cháy nổ, nhưng không có hệ thống báo cháy, các thiết bị phòng cháy cũng “khiêm tốn”, nhiều bình chữa cháy không dùng được. Khi được hỏi về biện pháp PCCC, một cư dân ở chung cư này hồn nhiên: “Không có hệ thống báo cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn, chúng tôi chủ yếu là hô hoán rồi chạy khỏi đám cháy. Ở đây từng cháy căn hộ rồi. Hỏa hoạn chết người thì ai cũng sợ, nhưng không ở đây thì biết đi đâu?”. Tương tự, tại chung cư Miếu Nổi (Q.Phú Nhuận), các phương tiện PCCC đã hư hỏng, không có bảng chỉ dẫn lối thoát hiểm. 

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, toàn thành phố hiện còn gần 500 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, hầu hết đều không có hệ thống PCCC. Đã vậy, chúng còn bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Trách nhiệm của địa phương

Luật sư Nguyễn Trí Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, Luật PCCC có quy định vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về công tác PCCC, trong đó, vai trò của UBND phường, xã, thị trấn là rất quan trọng. Các quy định pháp luật về PCCC hiện nay về cơ bản tương đối đầy đủ, vấn đề là cơ quan chức năng thực hiện thế nào.

“Thời gian gần đây, tại TP.HCM, đã xảy ra một số vụ cháy chung cư, cháy vựa ve chai, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Điều này cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý các điểm thu mua phế liệu. Việc để cơ sở thu mua phế liệu tồn tại trong khu dân cư là rất nguy hiểm. Cơ sở thu mua phế liệu tồn tại, hoạt động trong các chung cư chẳng khác nào quả bom nổ chậm, nguy cơ cháy nổ rất cao và khi xảy ra cháy thì thiệt hại sẽ rất lớn, do lửa bùng phát nhanh, mạnh” - luật sư Đức đánh giá.

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI